Bị cho thôi việc trái luật, nguyên Tổng giám đốc Pacific Gas 'đưa' đối tác ra tòa

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cho rằng HĐQT Công ty XNK Dầu khí Thái Bình Dương (Pacific Gas) đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật, ông Nguyễn Thanh Tùng - nguyên Tổng Giám đốc, thành viên HĐQT đã kiện ra tòa. Cty Pacific Gas là công ty liên doanh giữa Cty Air Water INC – Nhật Bản nắm 51% cổ phần và ông Tùng nắm 48,9%.

Cựu Tổng giám đốc tố bị ép giao con dấu, ‘cấm cửa’ vào công ty làm việc

Sau bản án sơ thẩm, các bên có đơn kháng cáo nên TAND đã mở phiên tòa phúc thẩm vụ “Tranh chấp hợp đồng lao động” giữa ông Nguyễn Thanh Tùng (SN 1979, trú tại TPHCM) và Công ty XNK Dầu khí Thái Bình Dương (tên tiếng Anh là Pacific Gas, địa chỉ tại số 99 Ích Thạnh, Trường Thạnh, TP Thủ Đức, TPHCM). Dự kiến chiều 7/7, TAND TPHCM sẽ tiếp tục phiên xét xử và tuyên án sau nhiều ngày tạm dừng.

Vào tháng 10/2019, ông Tùng đã bán 51% cổ phần Công ty Pacific Gas (kinh doanh chính là Dầu khí mỏ hóa lỏng; gas (LPG)) cho Công ty Air Water INC. (trụ sở tại Osaka, Nhật Bản). Sau khi thương vụ hoàn tất, ông Tùng còn nắm giữ 48,94% cổ phần.

Bị cho thôi việc trái luật, nguyên Tổng giám đốc Pacific Gas 'đưa' đối tác ra tòa ảnh 1

Công ty XNK Dầu khí Thái Bình Dương - Pacific Gas có nhà máy tại số 99 Ích Thạnh, Trường Thạnh, TP Thủ Đức, TPHCM.

Theo bản án sơ thẩm, ngày tháng 4/2021, ông Nguyễn Thanh Tùng có đơn khởi kiện, trình bày nội dung: Tháng 1/2020, ông Katsumi Kajiwara (Chủ tịch HĐQT công ty) thay mặt HĐQT Công ty Pacific Gas ký kết hợp đồng lao động với ông Tùng. Nội dung bản hợp đồng thể hiện ông Tùng làm việc tại Pacific Gas với chức danh Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty. Thời hạn của hợp đồng là ba năm, đồng nghĩa ông Tùng sẽ giữ chức Tổng giám đốc đến tháng 1/2023.

Tuy nhiên, theo đơn khởi kiện của ông Tùng, quá trình thực hiện hợp đồng ngày 23/2/2021, tại cuộc họp HĐQT, ông Masataka Murakami (Thành viên HĐQT) cùng 20 người đã dùng áp lực và ép buộc ông Tùng phải giao con dấu, giấy chứng nhận kinh doanh và bàn giao lại hồ sơ, các phòng ban của công ty. Sau đó ông Tùng không được vào công ty để làm việc.

Cùng ngày trên, phía công ty cũng ban hành quyết định về việc bãi nhiệm chức vụ Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật và chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Tùng.

Theo ông Tùng, việc làm của ông Kajiwara là vi phạm quy định pháp luật về lao động, vi phạm hợp đồng lao động đã ký. Việc Công ty Pacific Gas đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là trái pháp luật.

Do đó, ông Tùng khởi kiện đề nghị tòa án tuyên quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của Pacific Gas là trái quy định pháp luật, buộc công ty nhận ông trở lại làm việc như hợp đồng lao động đã giao kết, cũng như theo Thỏa thuận cổ đông và Điều lệ công ty.

Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án được mở hồi tháng 1/2023, đại diện viện kiểm sát đưa ra quan điểm xác định công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với ông Tùng và công ty phải nhận ông trở lại làm việc. Viện kiểm sát đề nghị tòa tuyên buộc công ty trả cho ông Tùng hơn 5,7 tỉ bao gồm tiền lương những ngày không được làm việc là hơn 4,8 tỉ, hai tháng lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật là 600 triệu và bồi thường do vi phạm thời hạn báo trước là 300 triệu.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ tài liệu có trong vụ án và quá trình tranh tụng tại tòa, Hội đồng xét xử (HĐXX) phiên tòa sơ thẩm nhận định hợp đồng lao động giữa công ty ký với ông Tùng không có nội dung trái quy định pháp luật. Do đó hợp đồng này có hiệu lực ràng buộc các bên thực hiện.

Căn cứ biên bản họp chi tiết HĐQT lần 13, ngày 23/2/2021 với thành phần tham dự có ông Katsumi Kajiwara, ông Masataka Murakami, ông Nguyễn Thanh Tùng, thì HĐQT đã thông qua nhiều vấn đề, trong đó có việc bãi nhiệm ông Tùng khỏi vị trí tổng giám đốc kiêm người đại điện theo pháp luật.

Cuộc họp cũng bầu ông Masataka Murakami làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật mới của công ty. Hai vấn đề này được thảo luận và có 2/3 số phiếu tán thành thông qua.

Biên bản cuộc họp đã được ông Katsumi Kajiwara và ông Masataka Murakami ký còn ông Tùng tham gia nhưng không ký. Công ty cho rằng đã có 2/3 số phiếu tán thành thông qua việc bãi nhiệm ông Nguyễn Thanh Tùng khỏi vị trí tổng giám đốc là phù hợp quy định của Điều lệ Công ty và các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014. Công ty cũng ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với ông Tùng, lý do là thỏa thuận giữa hai bên.

Tuy nhiên, HĐXX cho rằng, biên bản cuộc họp HĐQT ngày 23/2/2021 không thể hiện việc Công ty và ông Tùng đồng ý chấm dứt hợp đồng lao động với nhau. Do đó, quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của công ty với ông Tùng căn cứ vào kết quả cuộc họp này là “không có căn cứ”, bản án nêu.

Theo HĐXX, biên bản họp HĐQT vào ngày trên chỉ giải quyết quyền và nghĩa vụ của các thành viên góp vốn, giữa người điều hành công ty với các thành viên góp vốn. “Biên bản này không phải là văn bản thỏa thuận giữa ông Tùng với Công ty XNK Dầu khí Thái Bình Dương về việc chấm dứt hợp đồng lao động”, bản án nêu.

HĐXX nhận định hợp đồng lao động giữa ông Tùng và công ty là một hợp đồng vừa phải tuân thủ các quy định của Điều lệ, Luật Doanh nghiệp, vừa phải tuân thủ các quy định của Bộ luật lao động. Công ty mới chỉ thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp về việc bãi nhiệm ông Tùng khỏi chức danh Tổng giám đốc chứ chưa thực hiện việc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động.

Bị cho thôi việc trái luật, nguyên Tổng giám đốc Pacific Gas 'đưa' đối tác ra tòa ảnh 2

Trụ sở Công ty XNK Dầu khí Thái Bình Dương.

Việc Pacific Gas cho rằng ông Tùng bị bãi nhiệm thì việc chấm dứt hợp đồng lao động cũng là đương nhiên, theo HĐXX, điều này là không phù hợp với quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019.

Tại phiên tòa, người đại diện và luật sư phía công ty nêu ra những hành vi vi phạm của ông Tùng trong quá trình đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc để làm căn cứ cho việc chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên HĐXX cho rằng công ty không có chứng cứ nào khác chứng minh việc chấm dứt hợp đồng lao động là theo thỏa thuận.

“Việc Công ty XNK Dầu khí Thái Bình Dương chấm dứt hợp đồng lao động với ông Tùng chỉ căn cứ vào các vi phạm của ông Tùng trong điều hành, quản lý công ty mà không căn cứ vào pháp luật lao động quy định về trình tự thỏa thuận, thủ tục báo trước để chấm dứt hợp đồng lao động là vi phạm khoản 3 Điều 34, khoản 2 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019”, bản án nêu.

Từ các nhận định trên, HĐXX xác định việc Pacific Gas ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng đối với ông Nguyễn Thanh Tùng thuộc trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

Tòa sơ thẩm tuyên buộc công ty phải nhận ông Nguyễn Thanh Tùng trở lại làm việc theo hợp đồng lao động cho đến hết thời hạn thỏa thuận.

HĐXX cũng cho rằng do công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định nên việc ông Tùng yêu cầu phía công ty phải thanh toán các khoản là phù hợp quy định pháp luật. Tòa tuyên buộc công ty phải trả cho ông Tùng các khoản tổng số tiền là hơn 5,4 tỉ. Trong đó, tiền lương những ngày ông Tùng không được làm việc công ty phải trả là hơn 4,7 tỉ.

Ở chiều ngược lại, ông Tùng có trách nhiệm trả lại cho Công ty Pacific Gas khoản tiền thưởng cuối năm đã nhận 615 triệu đồng và tiền chênh lệch lương là hơn 1,3 tỷ đồng.

Sau phiên tòa, các bên có đơn kháng cáo. Phía ông Tùng kháng cáo 3 nội dung, trong đó có việc đề nghị Tòa xét xử trong vụ án này Cam kết ngày 13/4/2021 và tuyên hủy cam kết ngày 13/4/202 vì cam kết này liên quan đến quan hệ lao động giữa ông Nguyễn Thanh Tùng và Pacific Gas. Luật sư Trương Thị Hòa thuộc Đoàn Luật sư Tp. Hồ Chí Minh, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nguyên đơn là ông Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, Công ty đã ép buộc ông Nguyễn Thanh Tùng (người lao động) ký kết Bản cam kết ngày 13/4/2021 với những điều khoản thiệt hại quyền lợi hợp pháp của ông Nguyễn Thanh Tùng. Ông Tùng hoàn toàn không tự nguyện khi ký kết Bản cam kết ngày 13/4/2021. Do đó, Bản cam kết này đã vi phạm điều kiện về hoàn toàn tự nguyện trong giao dịch ký kết Hợp đồng, thỏa thuận, cam kết (Điều 117 khoản 1. b Bộ luật dân sự 2015).

MỚI - NÓNG
Bình Dương xử phạt nhiều nhất lỗi nồng độ cồn trong 5 ngày nghỉ lễ
Bình Dương xử phạt nhiều nhất lỗi nồng độ cồn trong 5 ngày nghỉ lễ
TPO - Trong số hơn 1.300 trường hợp bị tước giấy phép lái xe có đến 745 người vi phạm nồng độ cồn với mức xử phạt hành chính ước tính 6,575 tỷ đồng. Trong đợt ra quân bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông dịp lễ, Bình Dương tăng số tổ công tác và lượt cán bộ, đạt kết quả cao trong tốp 4 toàn quốc.