Bị buộc bồi thường gần 12 tỷ đồng, Khu Liên hiệp thể thao Mỹ Đình kháng cáo

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sáng 31/5, TAND TP Hà Nội mở phiên phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của Khu Liên hợp thể thao Mỹ Đình trong vụ án tranh chấp hợp đồng kinh tế về yêu cầu bồi thường thiệt hại trong hợp đồng với một doanh nghiệp tư nhân.

Bị buộc bồi thường gần 12 tỷ đồng

Trước đó, cuối tháng 9/2023, TAND quận Nam Từ Liêm xét xử sơ thẩm, tuyên Khu Liên hợp thể thao Mỹ Đình phải bồi thường thiệt hại 11,9 tỷ đồng cho nguyên đơn là Công ty TNHH MTV Hải Yến.

Nội dung phiên sơ thẩm cho thấy, Khu Liên hợp thể thao Mỹ Đình và Công ty Hải Yến, ký hợp đồng hợp tác kinh doanh vào tháng 11/2011 để đầu tư xây dựng Trung tâm dịch vụ Thương mại Mỹ Đình. Thời hạn hợp đồng kéo dài 10 năm.

Hai bên thỏa thuận, Khu liên hợp đảm bảo cung cấp điện nước và có trách nhiệm quản lý, vận hành việc này. Phía Công ty Hải Yến đã thanh toán tiền điện theo đúng thỏa thuận. Tuy nhiên, từ 25/10/2017 - 15/1/2018, Khu liên hợp cắt điện một phần trong dự án của Hải Yến nhưng không báo trước, không nêu lý do, khiến phần dự án này phải dừng hoạt động.

Phía Hải Yến cho rằng năm 2019, Khu liên hợp đơn phương tiếp tục chấm dứt hợp đồng lấy lại mặt bằng để phục vụ xây dựng đường đua xe Công thức 1 (giải sau đó bị hủy bỏ chặng tại Việt Nam). Khi khởi kiện, Hải Yến nêu khu liên hợp đã không "đàm phán, không trao đổi trực tiếp nên việc cắt điện nước", gây thiệt hại tài chính nghiêm trọng.

Bị buộc bồi thường gần 12 tỷ đồng, Khu Liên hiệp thể thao Mỹ Đình kháng cáo ảnh 1

Khu Liên hợp thể thao Mỹ Đình. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Cần thu thập thêm tài liệu, chứng cứ

Tại phiên phúc thẩm hôm nay, đại diện Khu liên hợp kháng cáo, trình bày 3 nội dung phản tố phía Hải Yến: “Nợ thuế đất; tự ý cho bên thứ ba thuê lại mặt bằng là vi phạm hợp đồng; liên tục nợ tiền điện nước dù được nhắc nhiều lần”.

Đại diện Khu Liên hợp thể thao Mỹ Đình cho rằng đối với việc nợ tiền thuê đất, các đơn vị khác cơ bản thực hiện đầy đủ, riêng Hải Yến chưa nộp. Cũng vì không có tiền nộp thay, chính Khu liên hợp cũng chưa thể chấp hành nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Về việc cắt điện, đại diện Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình khẳng định, trước thời điểm cắt lần đầu vào năm 2017, Khu có 5 thông báo và giao theo 2 hình thức: chuyển phát nhanh hoặc gửi trực tiếp tới công ty, có chữ ký xác nhận đã nhận thông báo.

Trong đó, ngày 3/10/2017, biên bản cuộc họp trước khi cắt điện, đại diện Hải Yến còn ký và ghi rõ “Công ty cam kết nộp tiền phân chia lợi nhuận và tiền điện nước trước 10/10/2017". Vì vậy, đại diện Khu liên hợp cho biết phản đối cáo buộc của nguyên đơn rằng cắt điện không báo trước.

Bị đơn Khu liên hợp thể thao cũng nói việc Hải Yến tự ý cho các đơn vị khác thuê lại mặt bằng là vi phạm Điều 5.2.8 của hợp đồng. Theo đó, "bên B (công ty Hải Yến) không được phép chuyển cho bất kỳ bên thứ 3 nào khác quyền lợi nghĩa vụ đã được ghi trong hợp đồng này, trừ trường hợp 2 bên có thỏa thuận khác".

Khi Viện kiểm sát hỏi “công ty này có thông báo cho khu liên hợp biết cho bên thứ 3 thuê không, vì theo hồ sơ, Hải Yến cho nhiều đối tác thuê lại?” Đại diện khu liên hợp khẳng định chưa bao giờ được công ty thông báo, sự việc được Khu liên hợp tự phát hiện và có văn bản yêu cầu chấm dứt việc cho bên thứ 3 thuê. Tuy nhiên, Hải Yến không chấp hành.

Trong khi đó, đại diện Công ty Hải Yến cho rằng, về pháp lý doanh nghiệp không có nghĩa vụ phải thông báo cho Khu liên hợp về việc “cho bên thứ ba thuê lại”, bởi trong hợp đồng không có điều khoản nào cấm.

Nữ đại diện Công ty Hải Yến đồng thời khẳng định công ty chưa bao giờ được Khu liên hợp thông báo trước về cắt điện.

Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc “có thường xuyên nợ tiền điện nước như bị đơn cáo buộc không?", đại diện Hải Yến nói việc cắt điện chia làm 2 giai đoạn, sau này vì bị cắt điện liên tục, công ty không hoạt động được nữa, do đó, có thể có các khoản phát sinh mà không biết.

Liên quan đến việc thanh toán điện giai đoạn từ năm 2016, 2017, đại diện Hải Yến không cung cấp được hóa đơn thanh toán và cho rằng cách vận hành trước nay là họ sẽ “chuyển tiền vào tài khoản của khu liên hợp” để thanh toán các khoản phí. Song Viện kiểm sát cho rằng, việc chuyển khoản cũng phải trích sao kê.

Ngoài nợ tiền điện nước, Công ty Hải Yến cũng bị khu liên hợp phản tố cho rằng còn nợ 10 triệu đồng đặt cọc từ khi ký hợp đồng, khoản này là tiền các doanh nghiệp phải nộp ngay trước khi lắp đặt hệ thống điện nước. Đại diện Hải Yến cho hay, đã nộp rồi đến nay giấy tờ thất lạc nhiều.

“Nếu khu liên hợp cho rằng chúng tôi chưa thanh toán đặt cọc 10 triệu đồng từ năm 2011 mà tận 2017, 2019 mới tố chưa nộp thì không hợp lý, vì đó là khoản đặt cọc bắt buộc nộp từ đầu", đại diện phía Hải Yến nói.

"Cắt điện thì liên quan gì thất lạc giấy tờ?", Viện kiểm hỏi và cho rằng suy luận logic chỉ là một phần, công ty nói nộp rồi thì phải chứng minh bằng tài liệu.

Về thiệt hại thực tế do cắt điện, đại diện Hải Yến nói giai đoạn cắt điện lần hai (năm 2019) doanh nghiệp chưa quyết toán với các đơn vị đang thuê, các công ty này chưa gửi tài liệu chứng minh thiệt hại nên Hải Yến chỉ đang yêu cầu bồi thường cho các thiệt hại giai đoạn cắt điện lần 1, cuối năm 2017 đầu 2018.

"Thiệt hại thực tế lúc đó, toàn bộ hàng hóa thực phẩm bị hư hỏng hết. Chúng tôi kinh doanh nhà hàng ăn uống, toàn bộ thực phẩm bảo quản lạnh hỏng phải thuê máy phát điện, hệ thống điều hòa cũng bị cháy...", đại diện Hải Yến phân trần.

Khi Viện kiểm sát tiếp tục yêu cầu nộp các tài liệu chứng minh thiệt hại nhưng Hải Yến nói “do đặc thù ngành kinh doanh, các cái liên quan thực phẩm chúng tôi không kiểm soát kỹ hóa đơn nhập ra nhập vào".

Trước lời khai này, đại diện Viện kiểm sát cho rằng kinh doanh nhà hàng, mua thực phẩm có nguồn gốc, buộc phải có hóa đơn giấy tờ. Giờ trình bày không như thế thì sao tòa xem xét được.

HĐXX đánh giá, tại tòa các đương sự trình bày nhiều tình tiết song chưa giao nộp được các tài liệu chứng minh.

Tòa do đó hoãn phiên song chưa ấn định ngày tái xử.

Hồi tháng 3/2024, Bộ Tài chính vừa có văn bản số 386/BTC-TCT gửi Văn phòng Chính phủ tham gia ý kiến về báo cáo và kiến nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch liên quan đến việc nợ tiền thuê đất của Khu liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình. Bộ Tài chính cho biết tổng số tiền nợ thuế của Khu liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình đến hết tháng 11/2023 là 941,7 tỷ đồng. Trong số đó, tiền thuê đất là 475,2 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp là 7,2 tỷ đồng; tiền chậm nộp là 458,2 tỷ đồng; tiền phạt vi phạm hành chính là 974 triệu đồng.

Khu liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình đang trong thời gian bị Cục Thuế Thành phố Hà Nội cưỡng chế nợ thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản và ngừng sử dụng hóa đơn.

Trước đó, TTCP kết luận Khu Liên hợp thể thao Mỹ Đình “xẻ thịt” cho nhiều đơn vị, doanh nghiệp khác thuê gây thất thoát ngân sách.

MỚI - NÓNG
Giá xăng tăng từ 15h chiều nay
Giá xăng tăng từ 15h chiều nay
TPO - Từ 15h hôm nay (20/6), giá bán lẻ các loại xăng, dầu tăng từ gần 200 - 720 đồng/lít. Đây là lần thứ 2 liên tiếp giá xăng tăng. Từ đầu năm đến nay, giá xăng có 14 lần tăng, 11 lần giảm.