Đó là Cơ sở cải tạo tối đa (Penitentiary Administrative Maximum Facility), hay còn gọi tắt là nhà tù ADX ở Florence, bang Colorado, Mỹ. ADX là nhà tù an ninh nhất nước Mỹ. Nó được thiết kế sao cho không tù nhân nào có thể trốn thoát và là nơi giam giữ tội phạm khét tiếng nhất, bị coi là không thể cải tạo nổi.
Những "cư dân" ở đây gồm kẻ giết người hàng loạt Ted Kaczynski, kẻ đánh bom Olympics Atlanta Eric Rudolph, tòng phạm vụ khủng bố 11-9 Zacarias Moussaoui, chủ mưu vụ đánh bom Trung tâm Thương mại Thế giới năm 1993 Ramzi Yousef, kẻ đánh bom thành phố Oklahoma Terry Nichols, trùm băng đảng Bonnano Vincent Basciano, bác sĩ giết người hàng loạt Michael Swango, điệp viên phản quốc Robert Hanssen…
Ngoài các tù nhân khét tiếng kể trên, những tù nhân có hành vi nghiêm trọng hoặc có nguy cơ gây rủi ro cho các chuyến bay cũng bị tống vào ADX.
Nơi có những hành động bất hợp pháp trắng trợn
Có một điều mà hầu như không ai biết đến, đó là nhà tù ADX không hề quan tâm tới vấn đề tâm thần của các tù nhân, bỏ mặc họ tự chống chọi.
Vụ kiện soi rọi thực tế này tại ADX bắt đầu khi tù nhân Michael Bacote bị đưa vào đây. Bacote bị bắt vì làm người canh chừng trong vụ giết người tại một nhà tù ở Texas. Anh ta mù chữ, chỉ số IQ chỉ có 61 và mắc chứng hoang tưởng.
Anh ta đã nhiều lần đề nghị được chuyển nhà tù hoặc được điều trị tâm lý nhưng đều bị từ chối. Anh ta lúc nào cũng nghĩ rằng Cục Nhà tù tìm cách đầu độc mình nên không ăn cái gì và cũng không uống thuốc gì.
Vốn là một người quen của Bacote, Rodney Jones đã vào thư viện luật pháp của ADX, dùng máy tính và tìm địa chỉ của một tổ chức hỗ trợ pháp lý vì cộng đồng có tên là Dự án Tù nhân D.C và đã viết hộ Bacote thư cầu cứu: "Tôi đáng lẽ phải được xét xử trước khi tới ADX. Nhưng họ không làm thế. Hãy giúp tôi".
Dự án Tù nhân D.C nhận được 2.000 đề nghị mỗi năm nhưng đề nghị mà bà Deborah Golden, Giám đốc Dự án Tù nhân D.C nhận được từ Bacote vào tháng 10/2009 đã khiến bà chú ý. Bà nói: "Tôi không thể tưởng tượng được là Cục Nhà tù lại có thể hoạt động một cách vi hiến và bất hợp pháp trắng trợn như vậy. Quy định của Cục Nhà tù cấm đưa tù nhân có biểu hiện rối loạn tâm thần nghiêm trọng vào các nhà tù như ADX".
Khi điều tra vụ của Bacote, bà Golden phát hiện ra có hàng chục tù nhân ở ADX cũng lâm vào tình trạng tương tự như Bacote, thậm chí còn tồi tệ hơn. Dự án của bà chưa bao giờ tham gia một vụ kiện lớn như vậy vì thắng kiện chính phủ liên bang là điều rất khó.
Thách thức Cục Nhà tù không phải là mục đích chiến lược của bất kỳ ai. Tuy không chắc có cơ hội thắng kiện nhưng bà Golden cho rằng, tòa án cần phải biết sự thực về nhà tù này.
Một phòng giam ở khu vực bị kiểm soát gắt gao nhất ADX.
Lịch sử ADX
Kể từ khi mở cửa năm 1994, ADX không chỉ là nhà tù siêu an ninh liên bang duy nhất, mà còn là ví dụ điển hình nhất cho thấy hệ thống nhà tù hình sự Mỹ đặc biệt khắc nghiệt.
Trong suốt lịch sử Mỹ, có nhiều ý kiến khác nhau về việc làm thế nào với những phạm nhân thuộc hạng "tồi tệ nhất trong số những kẻ tồi tệ nhất". Cuối thế kỷ XVIII, Mỹ đã dùng hình thức biệt giam để thay thế cho nhục hình.
Hình thức biệt giam lần đầu tiên được một nhóm có tên "Hội giảm bớt đau đớn trong nhà tù công Philadelphia" kêu gọi năm 1787.
Tại một cuộc họp do chính trị gia Benjamin Franklin tổ chức, người ta đã kêu gọi xây dựng "ngôi nhà hối cải" với mục đích tạo ra sự cô độc để xoa dịu tâm trí tội phạm. "Ngôi nhà hối cải" này sẽ thay thế cho các hình thức trừng phạt nơi công cộng không nhân văn như treo cổ, đóng gông, cùm, phạt roi…
Theo ý tưởng này, tù nhân ở một trại cải tạo thuộc bang Philadelphia mở cửa năm 1892 hoàn toàn bị cô lập với nhau trong các phòng giam có ánh sáng trời, nhà vệ sinh, lối ra sân tập thể dục riêng ngoài trời. Ở ngoài sân, họ làm nhiều công việc khác nhau, ăn các bữa trong ngày và đọc Kinh thánh.
Các bang khác cũng thử mô hình này nhưng nhanh chóng từ bỏ. Năm 1890, Tòa án Tối cao ra phán quyết phản đối sử dụng hình thức biệt giam với các tử tù ở Colorado với lý do nhiều tù nhân chỉ sau khi bị biệt giam dù trong thời gian ngắn đã lâm vào tình trạng nửa đần độn, dẫn tới khả năng họ bị điên loạn bạo lực, tự tử. Số tù nhân chịu đựng được cảnh biệt giam thì hầu như không cải tạo được mấy.
Ý tưởng biệt giam nhanh chóng bị quên lãng mãi cho đến đầu những năm 30 thế kỷ trước, những tên tội phạm khó cải tạo nhất trong hệ thống liên bang đã bị biệt giam trên một nhà tù quân sự cải tạo ở đảo Alcatraz.
Đến năm 1963, nhà tù này phải đóng cửa vì chi phí duy trì một nhà tù trên đảo quá tốn kém. Vài năm sau, nhiều tù nhân trên đảo Alcatraz đã được chuyển tới một trại cải tạo liên bang ở Marion, bang Illinois và bị biệt giam.
Sau khi trại cải tạo ở Marion xảy ra vụ tù nhân giết chết 2 cai tù, trại đã được nâng cấp thành nhà tù biệt giam toàn diện, hiện đại đầu tiên ở Mỹ. Toàn bộ nhà tù trở thành một đơn vị biệt lập.
Từ năm 1989, các bang ở Mỹ bắt đầu xây trại cải tạo biệt lập của riêng mình theo mô hình của thành phố Marion. Việc các bang sử dụng lại hình thức biệt giam xảy ra vào thời kỳ Mỹ tống giam hàng loạt tội phạm và đóng cửa các cơ sở nhà tù chăm sóc sức khỏe tâm thần trên diện rộng.
Từ đó, mô hình nhà tù siêu an ninh như Marion trở thành phương pháp tối ưu nhất để kiểm soát số lượng tù nhân ngày càng đông với tâm lý ngày càng bất ổn.
Gộp các tù nhân bình thường và tù nhân có vấn đề về sức khỏe tâm thần vào chung nhà tù khiến nước Mỹ có một mạng lưới nhà tù hà khắc hơn bao giờ hết. Các tù nhân cấp bang và liên bang bị biệt lập trong các nhà tù này và chịu những cách đối xử khiến nhiều người phải sốc.
Theo báo cáo năm 2014 của Tổ chức Ân xá Quốc tế, hơn 40 bang ở Mỹ có nhà tù siêu an ninh.
Một số tù nhân khét tiếng tại nhà tù ADX.
"Phiên bản sạch sẽ của địa ngục" Thành phố Florence ở Colorado đã vận động hành lang ráo riết để có thể xây một nhà tù siêu an ninh 60 triệu USD trong thành phố. ADX ra đời từ đó. Nhà tù liên bang này có thể chứa 500 tù nhân trong 8 khu vực. Tù nhân ở trong các xà lim dài 3,5 mét, rộng 2 mét, tường bê tông dày, cửa trượt kép bằng kim loại. Các tù nhân không thể nhìn thấy nhau. Phòng giam có một cửa sổ cao 2,4 mét nhưng chỉ rộng 10 cm, chỉ cho phép tù nhân nhìn thấy một khoảng bầu trời bé xíu bên ngoài. Mọi công việc vệ sinh, tắm rửa đều ở trong phòng giam. Phần lớn phòng giam đều có tivi, sách báo. Tù nhân ADX được ra ngoài tập thể dục tối đa 10 tiếng mỗi tuần, hoặc là tập một mình bên ngoài hoặc là tập trong phòng. Mọi bữa ăn đều được đưa qua một khe cửa nhỏ. Mọi giao tiếp giữa tù nhân với cai tù, bác sĩ tâm lý, giáo sĩ đều thực hiện qua khe cửa này. Mỗi ngày họ chỉ nghe được vài tiếng từ người khác. Robert Hood, một cai tù ở ADX từ năm 2002 đến 2005, cho biết, khi mới đến đây nhận công việc, anh đã sốc trước môi trường quá khắc nghiệt trong nhà tù: không âm thanh, không bữa ăn tập thể, không thấy bóng dáng tù nhân đi lại. Hood cho biết, ADX không phải là nơi được xây cho con người, không phải là nơi cải tạo. Tù nhân phải ở trong phòng giam 23 tiếng mỗi ngày. Hood ví ADX là "phiên bản sạch sẽ của địa ngục". Cách đây 5 năm, việc kiện Cục Nhà tù liên bang là điều có vẻ không tưởng. Nhưng hiện tại, vụ kiện Cục Nhà tù liên quan tới ADX lại ở vào thời điểm thuận lợi nhất khi mà chính quyền ngày càng kiểm soát chặt chẽ việc các nhà tù sử dụng thái quá hình thức biệt giam. Thượng nghị sĩ Dân chủ Dick Durbin ở bang Illinois đã điều trần lần đầu tiên về vấn đề này vào năm 2012. Tại đó, giáo sư tâm lý Craig Haney thuộc Đại học California cho biết, tỷ lệ tù nhân biệt giam bị tâm thần ở mức cao gây sốc, khoảng 1/3 số tù nhân. Một số nhà tù tỷ lệ này còn là 50%. Riêng với ADX, nhà tâm lý học pháp y Doris Gundersen ở Denver sau khi đánh giá 45 tù nhân ở đây đã kết luận rằng 70% mắc ít nhất một bệnh tâm thần nghiêm trọng. Sự trống vắng trong các nhà tù biệt giam khiến một số tù nhân rơi vào trạng thái "bấp bênh bản thể học", tức là họ không chắc họ có tồn tại không và nếu có tồn tại thì không biết mình là ai. Tù nhân sẽ mất trí và tự làm hại mình. Có tù nhân nuốt lưỡi dao cạo, có tù nhân ăn cả phân của mình. Một tù nhân cứa cổ tay tự tử và bị phạt bằng cách không được xem TV, nghe đài nhiều tuần. Người khác cứa cổ bằng dao cạo và được đưa tới bệnh viện cấp cứu. Khi bị đưa lại phòng giam anh ta lại bị bắt dọn dẹp máu của mình. Hậu quả khủng khiếp của biệt giam ngay cả với những người không có dấu hiệu bất ổn tâm lý đã khiến các nghị sĩ phải chú ý. Năm 2014, bang New York cấm để người vị thành niên và tù nhân bị tâm thần bị cô lập. Thành phố New York cấm biệt giam người dưới 21 tuổi. Thống đốc bang Colorado đã ký một dự luật tương tự.
Thay đổi bất ngờ
Quay trở lại với vụ kiện của Dự án Tù nhân D.C chống lại Cục Nhà tù, bà Golden cho rằng vụ kiện này dù ở thời điểm thuận lợi nhưng nhiều khả năng phải kéo dài và cần nhiều kinh phí. Bà đã nhờ Công ty luật nhiều kinh nghiệm Arnold&Porter và luật sư Ed Aro hỗ trợ.
Từ cuối năm 2011, bà Golden cùng luật sư Aro đã tiến hành một loạt cuộc đối thoại với Cục Nhà tù và đề xuất thay đổi chính sách trong ADX và đổi lại họ sẽ rút đơn kiện. Tuy nhiên, Cục Nhà tù không những không đồng ý mà còn không thừa nhận vấn đề của ADX.
Mùa thu năm 2013, tòa án từ chối bác vụ kiện theo đề nghị của Cục Nhà tù. Sau đó, Cục Nhà tù đã có một động thái ngạc nhiên là đồng ý dàn xếp để bà Golden và luật sư Aro thôi kiện - động thái gần như chưa từng xảy ra trước đây.
Bà Golden và ông Aro đã đề xuất 27 điểm cần thay đổi và đưa cho Cục Nhà tù, trong đó có yêu cầu cụ thể về chẩn đoán, điều trị cho tù nhân và thành lập ban giám sát để theo dõi việc thực hiện các yêu cầu này.
Sau một năm đàm phán, đến đầu năm 2015, bà Golden cho hay họ sắp đạt được thỏa thuận. Song song với quá trình đàm phán, Cục Nhà tù cũng đơn phương tự thay đổi ADX. Họ cho thực hiện một chương trình sức khỏe tâm thần, tuyển thêm nhà tâm lý cho nhà tù, mở thêm cơ sở mới dành cho tù nhân tâm thần ở Atlanta, chuyển nhiều tù nhân ra khỏi ADX.
Khi nghe tin về thay đổi ở ADX, cai tù Robert Hood đã xin trở lại đây làm việc trước khi về hưu. Ông thấy nhà tù thay đổi đáng ngạc nhiên. Ông cho rằng cũng như hai nhà tù "tiền nhiệm" là Alcatraz và Marion chỉ tồn tại khoảng 30 năm, nhà tù ADX cũng sắp đến lúc chung số phận khi đã hơn 20 tuổi.