Ông Ngô Minh Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch - cho biết, dù mới thành lập 5 năm dưới sự hỗ trợ tích cực của các chuyên gia đến từ Bỉ, bộ môn Y học gia đình đã đạt được nhiều kết quả đáng kể trong đào tạo nhân lực, cũng như triển khai phòng khám bác sĩ gia đình cho các bệnh viện trong thành phố. Theo ông Xuân, y học gia đình là chìa khóa để cùng lúc giải quyết 2 vấn đề giảm chi phí y tế và giảm quá tải bệnh viện.
Đánh giá cao hiệu quả từ mô hình này, Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu cho rằng, muốn giảm quá tải bệnh viện thì cần phải giảm cung cấp dịch vụ y tế ở bệnh viện, tăng cung cấp dịch vụ y tế ở cộng đồng. “Đó là vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mạng lưới bác sĩ gia đình. Xây dựng mạng lưới bác sĩ gia đình là biện pháp căn cơ nhất để giải quyết tình trạng này”, bà Thu nói.
Theo Bộ Y tế, y học gia đình là chuyên khoa lâm sàng có định hướng dự phòng thông qua vấn đề khám tầm soát theo dõi các vấn đề sức khỏe cho các thành viên trong gia đình từ khi còn nhỏ cho đến cuối đời. Mô hình này đã được triển khai từ lâu ở các nước phát triển trên thế giới ngay từ những năm 1960. Từ năm 2000, Bộ Y tế đã cho phép đào tạo bác sĩ chuyên khoa y học gia đình. Tính đến tháng 6/2016, cả nước đã có 336 phòng khám bác sĩ gia đình tại 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đáng chú ý, bảo hiểm y tế cũng đã bắt đầu thanh toán cho các phòng khám bác sĩ gia đình.