BHXH tự nguyện: Giải pháp để lao động tự do tham gia và có lương hưu

0:00 / 0:00
0:00
Khi chưa có dịch COVID-19, việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện đã khó, bối cảnh dịch bệnh hoạt động này còn khó vận lần. Ảnh: L.H.Việt.
Khi chưa có dịch COVID-19, việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện đã khó, bối cảnh dịch bệnh hoạt động này còn khó vận lần. Ảnh: L.H.Việt.
Để có chỗ dựa tài chính khi về già, nhiều người làm việc ở khu vực phi chính thức đã quan tâm hơn đến các kênh tiết kiệm, tích cóp phù hợp và hiệu quả. Để dành mỗi ngày chưa tới 5.000 đồng, lao động tự do đã có thể tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện để được nhận lương hưu hàng tháng và nhiều quyền lợi khác khi hết tuổi lao động.

Trẻ lo lương hưu cho lúc già

Từng có gần 10 năm đóng BHXH bắt buộc khi làm cơ quan nhà nước, khi lui về quán xuyến gia đình và kinh doanh thêm, chị Lê Thị Hoa (Hà Nội) thường trực nỗi lo tài chính khi về già sẽ “trắng tay”. Nhìn vào vất vả của những người cao tuổi không có thu nhập, chị Hoa sợ sau này thành gánh nặng cho con cái, gia đình.

“Nghĩ tới khoản tiền lương ổn định mỗi tháng khi về già, lại sẵn có 10 năm đóng BHXH bắt buộc, tôi tìm hiểu ngay BHXH tự nguyện, và chỉ cần đóng thêm 10 năm nữa sẽ được nhận lương hưu. Giờ mình còn khoẻ, thu nhập cũng tốt nên chọn mỗi tháng đóng 1 triệu đồng, vừa tiết kiệm lại khích lệ bản thân làm việc, có thu nhập đều đặn để đóng BHXH. Sau này nếu thu nhập giảm mình sẽ điều chỉnh mức đóng linh hoạt theo”, chị Hoa cho biết.

Chị Đỗ Hồng Thuý (Thanh Hoá) cho biết, đã đóng BHXH tự nguyện cho mẹ từ khi bà 45 tuổi, mức đóng gần 650.000 đồng/tháng. Mẹ chị làm nông ở quê, không có khoản tích luỹ, bố lại mất sớm, chị biết tới BHXH tự nguyện muộn nhưng vẫn thuyết phục mẹ và anh chị đóng góp cho mẹ, để về già mẹ có lương hưu, chủ động tài chính.

Chị Thuý dự tính đóng BHXH tự nguyện cho mẹ tới khi bà đủ tuổi hưu, số năm còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ đóng 1 lần cho đủ. “Hiện mỗi tháng bỏ ra vài trăm nghìn đồng không quá ảnh hưởng đến cuộc sống của mình và anh chị em trong nhà. Sau này mẹ có lương hưu các con cháu cũng đỡ phần nào, mà bà lại chủ động chi tiêu”, chị Thuý nói.

Với nhiều người trung tuổi ở thành thị nhưng lâu nay làm việc tự do, khu vực phi chính thức, hay ở quê làm nông không tham gia bảo hiểm bắt buộc, nên người thân thuyết phục tham gia BHXH tự nguyện, con cái đóng cho cha mẹ. Nhiều người khác biết đến hình thức bảo hiểm này qua những buổi phổ biến của hội nông dân, hội phụ nữ, từ những người đã tham gia.

Với mức tham gia chỉ từ 154.000 đồng/tháng, bất kể ai còn tuổi lao động đều có thể tham gia để nhận lượng hưu khi về già. Người tham gia có thể chọn đóng hàng tháng; đóng 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng một lần; đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần; đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ tuổi nghỉ hưu theo Bộ Luật lao động nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu để đủ điều kiện nhận lương hưu.

Nỗ lực vượt dịch COVID-19

Năm 2017 (trước khi có Nghị quyết 28-NQ/TW của Trung ương về cải cách chính sách BHXH), số người tham gia BHXH tự nguyện chỉ 224 nghìn người. Ngay sau đó, với Nghị quyết 28, số người tham gia BHXH liên tục tăng. Tới năm 2019, người tham gia BHXH tự nguyện đạt trên nửa triệu.

Từ đầu năm 2020 tới nay, dù ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn là điểm sáng, với trên 1,12 triệu người (tăng hơn 466 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, chiếm 2,1% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt mục tiêu Nghị quyết 28 đặt ra).

BHXH tự nguyện: Giải pháp để lao động tự do tham gia và có lương hưu ảnh 1

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho hay, để tiếp tục phát triển BHXH tự nguyện trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát, đã yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành phối hợp với các đại lý, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp một cách linh hoạt, sáng tạo ngay từ cơ sở. Bên cạnh đó, các đơn vị cần phát huy hơn nữa vai trò tham mưu của cơ quan BHXH, huy động sự tham gia của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt cấp xã/phường trong phát triển người tham gia BHXH tự nguyện.

“Tình hình dịch bệnh có thể kéo dài và phức tạp, chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị phải xác định rõ tâm lý đối diện với khó khăn thường xuyên. Từ đó các đơn vị đưa ra các dự báo, kịch bản, xác định các nhóm lao động tiềm năng để có kế hoạch tiếp cận vận động tham gia BHXH tự nguyện hợp lý, hiệu quả”, ông Liệu nói.

Theo BHXH Việt Nam, những kết quả phát triển BHXH tự nguyện trên nhờ những nỗ lực của ngành BHXH, các cấp ngành, địa phương cùng tham gia suốt thời gian qua. Qua đó đảm bảo mạng lưới an sinh của nhà nước bảo phủ rộng hơn, đảm bảo an sinh nhân dân tốt hơn, tiến tới mục tiêu BHXH toàn dân, mọi người hết tuổi lao động đều có lương hưu.

Theo quy định hiện hành, mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức thấp nhất bằng chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn (hiện 700 nghìn đồng/người/tháng), tức 154 nghìn đồng/tháng; mức đóng BHXH tự nguyện cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (hiện 1,49 triệu đồng/người/tháng), tức 6,55 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% số tiền đóng với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác.

MỚI - NÓNG