Bệnh viện Chợ Rẫy bác thông tin khan hiếm tiểu cầu trầm trọng

Tiểu cầu sau khi được hiến chỉ sử dụng trong vòng 5 ngày
Tiểu cầu sau khi được hiến chỉ sử dụng trong vòng 5 ngày
TPO - Thời gian qua, xuất hiện những thông tin cho rằng bệnh viện Chợ Rẫy đang khan hiếm tiểu cầu trầm trọng, làm dấy lên lo ngại cho các bệnh nhân. Tuy nhiên, trao đổi với báo chí ngày 25/7, TS.BS Lê Hoàng Oanh - Phó giám đốc Trung tâm truyền máu Chợ Rẫy khẳng định, bệnh viện không hề thiếu tiểu cầu.

Theo TS.BS Lê Hoàng Oanh, tiểu cầu là một trong những thành phần tế bào máu, có chức năng cầm máu và đông máu, rất cần cho những bệnh nhân giảm tiểu cầu, ung thư, rối loạn chảy máu… Tiểu cầu có được bằng cách lấy máu từ cánh tay và đưa vào máy, chỉ có tiểu cầu được tách riêng ra, phần máu còn lại (bao gồm hồng cầu, bạch cầu, huyết tương) sẽ được truyền trả lại cho người hiến.

Đời sống của tiểu cầu rất ngắn, nếu trong cơ thể người thì chỉ tồn tại khoảng 10 ngày; còn nếu đưa ra bên ngoài để bảo quản thì chỉ 5 ngày. Sau khoảng thời gian trên tiểu cầu sẽ tự động chết. Chính vì vậy nên bệnh viện phải luôn duy trì được nguồn tiểu cầu để đảm bảo số lượng phục vụ cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, việc duy trì nguồn tiểu cầu này cũng không thể quá lớn, vì nếu dự trữ quá nhiều, sau 5 ngày không truyền hết sẽ phải hủy bỏ rất lãng phí. Còn nếu duy trì quá ít sẽ không đủ đáp ứng cho người bệnh.

“Dù hiện nay đang trong mùa dịch bệnh sốt xuất huyết, nhưng Trung tâm truyền máu huyết học bệnh viện Chợ Rẫy vẫn còn lưu 70 khối tiểu cầu trong kho để đáp ứng việc chữa trị cho bệnh nhân. Việc thiếu tiểu cầu tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ trước đến nay chưa từng xảy ra. Tại Trung tâm truyền máu Chợ Rẫy có lúc cũng xảy ra tình trạng thiếu tiểu cầu như khi có nạn nhân bị tai nạn hàng loạt như tai nạn giao thông nhưng luôn được điều tiết được ngay sau đó” - BS Oanh khẳng định.

Hiện nay, cả nước chỉ có 5 trung tâm truyền máu lớn có máy tách tiểu cầu. Ngoài Trung tâm truyền máu Chợ Rẫy còn có thêm 4 nơi khác là Trung tâm truyền máu Hà Nội, Trung tâm hiến máu Huế, Trung tâm hiến máu Cần Thơ và Bệnh viện truyền máu huyết học TPHCM.

Tại bệnh viện Chợ Rẫy đã có từ 400-500 người sẵn sàng hiến tiểu cầu. Trước khi hiến tiểu cầu, bác sĩ sẽ kiểm tra, xét nghiệm sàng lọc viêm gan B, HIV và một số bệnh xã hội khác. Hiến máu thì 3 tháng nhưng sau khi hiến tiểu cầu từ 3 - 4 tuần có thể hiến lại.

TS.BS Oanh cũng thừa nhận, nguồn tiểu cầu cố định hiện nay của bệnh viện khó có thể mở rộng, vì chỉ gói gọn trong khoảng 500 người cố định trên. Nếu những người này tử vong thì bệnh viện cố gắng tìm thêm những người khác để bổ sung nhưng cũng sẽ rất khó.

Một bất cập hiện nay là đối với người hiến chuyên nghiệp chỉ nhận được khoảng 400.000 đồng khi hiến tiểu cầu đơn và 700.000 đồng khi tiểu cầu đôi. Thực tế tiểu cầu đang có một vai trò rất quan trọng với con người. Nếu thiếu tiểu cầu sẽ gây ra tình trạng xuất huyết, đặc biệt là xuất huyết não dẫn đến tử vong. Tuy nhiên với số tiền trên, người dân rất khó có thể mặn mà để đăng ký hiến tiểu cầu – các chuyên gia y tế chia sẻ.

Trong số các bệnh thì sốt xuất huyết là bệnh có nhu cầu truyền tiểu cầu cao. Thường khi bị sốt xuất huyết, nhất là bước vào giai đoạn sốc sốt xuất huyết, lượng tiểu cầu xuống rất thấp cần truyền tiểu cầu để cứu sống bệnh nhân. Dù theo quy định, bệnh nhân có lượng tiểu cầu dưới 10.000/mm3 buộc phải truyền tiểu cầu, nhưng thực tế khi bệnh nhân có lượng tiểu cầu dưới 50.000/mm3 các bác sĩ đã chỉ định truyền tiểu cầu để đảm bảo an toàn tính mạng của người bệnh.

Theo các bác sĩ, mặc dù vậy hiến tiểu cầu không phải như hiến máu có thể phát động rộng rãi và hiến ở mọi nơi. Với tình hình thực tế trên, trong thời gian tới việc thiếu hụt tiểu cầu là điều khó tránh khỏi. Đây sẽ là mối hiếm họa cho người bệnh, nhất là các bệnh nặng sẽ không có cơ hội được cứu sống.

MỚI - NÓNG