Nông thôn mới - Những bất cập và hệ lụy - Bài cuối:

Bệnh thành tích có thể “giết” nông thôn

Xã Thụy Hương (Chương Mỹ, Hà Nội) là một trong 11 xã điểm xây dựng NTM, nhưng đến nay vẫn nợ đọng hàng chục tỷ đồng về xây dựng cơ bản. Ảnh: Quốc Khánh.
Xã Thụy Hương (Chương Mỹ, Hà Nội) là một trong 11 xã điểm xây dựng NTM, nhưng đến nay vẫn nợ đọng hàng chục tỷ đồng về xây dựng cơ bản. Ảnh: Quốc Khánh.
TP - Xây một nhà văn hóa, đường làng có thể làm được ngay, thay đổi một cánh đồng không quá khó… nhưng chúng ta thiếu đi một cái gì đó, như sự gương mẫu của người lãnh đạo các cấp, sự sụt giảm lòng tin và có ý kiến lo lắng về sự mai một văn hóa, lối sống của cư dân nông thôn.

Đó là chia sẻ của ông Tăng Minh Lộc, nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) với Tiền Phong về thực trạng xây dựng nông thôn mới (NTM).

Khó tránh bệnh thành tích, chấm mút

Có phải bệnh thành tích này xuất phát từ chỉ đạo ở trên xuống, khiến các huyện, xã cuống cuồng, nhiều nơi ép dân phải đóng góp để làm NTM, thưa ông?

Cái này phải nói rõ là T.Ư chưa bao giờ coi chỉ tiêu 20% số xã NTM năm 2015 là yêu cầu bắt buộc giao cho địa phương. Nhưng các địa phương hiểu máy móc. Ngay cả những tỉnh miền núi như Sơn La, Điện Biên… cũng cố bằng được 20%. Sau khi có phản hồi từ Văn phòng T.Ư, một số tỉnh điều chỉnh, nhưng cũng chỉ hạ xuống 14-15%, không có tỉnh nào đưa xuống dưới 10% cả, trong khi thực tế, có tỉnh thậm chí 2% cũng khó đạt.

Chỉ tiêu đưa ra là cái đích đạt đến, nhưng vấn đề là đưa ra, anh phải căn cứ tình hình thực tế để “liệu cơm gắp mắm”, xây dựng đề án, kế hoạch thật sát, với tinh thần nỗ lực cao. Nhiều tỉnh tư duy rằng, cứ khai vống lên, thiếu thì chờ T.Ư bù, đó là tư duy ăn sẵn.

Bệnh thành tích này mắc từ lãnh đạo tỉnh, tỉnh lại ép xuống huyện, huyện xuống xã. Thực tế, với những hộ khá giả, đóng góp dăm ba triệu không phải quá lớn, nhưng hộ nghèo, khó khăn, đó là cả một vấn đề. Tuy nhiên, so với cách đây khoảng 4-5 năm trước, nhiều nơi còn “đè” ra bắt dân đóng góp, nhưng nay, phần lớn là dân bàn, tự quyết nhiều hơn, cán bộ bây giờ cũng rất sợ dân, chỉ xảy ra một số trường hợp đáng tiếc như ở Quảng Bình vừa qua.

Vậy, con số nợ đọng xây dựng NTM cả chục nghìn tỷ đồng vừa qua, có phải là hệ lụy của bệnh thành tích?

“Ở làng, người dân đang sợ gì? Một là sợ trộm cắp; hai là sản xuất thì sợ anh khác phá hoại, quấy phá; ba là nơm nớp tai nạn giao thông, bốn là ra đường sợ con cái mình bị kẻ khác mua chuộc; thứ năm là ra “công đường” thì sợ quan xã bênh người thân quen chằm chặp, bắt nạt mình; sáu là lo sợ lúc nào cũng bệnh tật, ung thư lúc nào không biết. Cuộc đời cũng đúng là buồn, quá khổ”. 

Ông Tăng Minh Lộc

Việc nợ đọng hàng nghìn tỷ đồng trong xây dựng NTM đến bây giờ, một phần ngoài câu chuyện thành tích, còn là do anh em ở xã tính toán chưa sát. Hiện các xã hoàn thành NTM, khoảng 30% là không còn nợ nần gì, còn lại phổ biến, mỗi xã nợ 2-3 tỷ đồng. Tuy nhiên, ở các xã, nguồn tiền NTM trông chờ nhiều vào việc bán đất. Các xã đều quy hoạch khu đất để bán, nếu nơi nào bán được, giá cao thì ổn, nhưng cũng có nơi “bắc nước chờ gạo”, định giá rồi, nhưng giá đất lại tụt, hoặc không bán được. Nợ đọng một phần cũng từ chỗ đó. Còn chuyện cán bộ ở một số địa phương dựa vào hạ tầng, đất đai để “chấm mút” là có.

Thưa ông, nhìn lại 19 tiêu chí NTM, phải chăng nó là những “khuôn vàng thước ngọc” và quá cứng nhắc?

Ở đây, phải hiểu rằng, việc đưa ra các chuẩn đó, chỉ là mốc để đánh giá, còn mục tiêu cao nhất chính là nâng cao đời sống cho cư dân nông thôn. Với bộ tiêu chí đó, tuỳ vùng miền, ông ở đồng bằng có thể 3 năm, nhưng ông miền núi là 9-10 năm chẳng hạn, đó là chuyện bình thường. Thực ra, Trung Quốc họ làm mô hình mẫu từ năm 2000, là để thay đổi tư duy của người Trung Quốc, rằng NTM phải như thế để phấn đấu, còn anh có thể làm 3 năm sau, hay năm 50 sau cũng không sao. Nhưng đã làm là phải thế.

Ngẫm lại, ở mình, có phải bắt làm NTM ngay đâu. Ở Lai Châu, dù có 10 năm nữa, ông mới đạt 20% NTM cũng không sao, nhưng phải làm chuẩn. Đương nhiên, lãnh đạo phải nỗ lực để triển khai.

Bệnh thành tích có thể “giết” nông thôn ảnh 1

Ông Tăng Minh Lộc.

Rất sợ một nông thôn “chết”

NTM  làm thay da đổi thịt các làng quê, nhưng nhiều người cảm thấy ở đó đang trở nên ngột ngạt, bức bối, có một sự gì bất an?

NTM với nhiều góc nhìn, nhưng tôi nghĩ, có 3 yếu tố còn khiếm khuyết lớn là: Môi trường ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng, chưa có gì để chặn đứng; đạo đức, lối sống văn hóa và an ninh nông thôn chưa tốt. So với câu chuyện nợ đọng, ba vấn đề trên mới là chuyện lớn. Như văn hóa, ngay cả bản thân tiêu chí “Gia đình văn hóa” cũng bị lạm dụng, có nơi 90% là “Gia đình văn hóa”, nhưng “trộm cắp như rươi”. Hay tiêu chí người nông dân theo tiêu chí văn minh NTM, Hội Nông dân cũng chưa đưa ra được tiêu chí…

Với vấn đề môi trường, chúng ta chỉ mới biết đến mùi hôi thối, chưa có thống kê về không khí, nước tác động lên sức khỏe thế nào. Chỉ biết là làng ung thư nhiều hơn, bệnh viện lúc nào cũng đông đúc… Không có nước sạch, cũng không thể có được thực phẩm sạch. Rác thải hiện mới ở khâu dọn dẹp, cho vào một chỗ, còn khâu xử lý vẫn rất nan giải.

Khi công cuộc NTM đang diễn ra, thì ở nhiều nơi vẫn xuất hiện những “ngôi làng rỗng”, chỉ còn người già, trẻ em, lao động chính là những thanh niên đều tha phương, ra đô thị kiếm sống, ông nghĩ sao về tình trạng này?

Thanh niên không muốn ở làng, chỉ thích ra đô thị là xu thế không cưỡng nổi, cả thế giới cũng thế. Ở nông thôn mà không có lao động là nông thôn chết và mãi nghèo. Hiện đúng là nhà nước đang bí về quy hoạch, không biết khu vực này thì nên sản xuất cái gì? Quan trọng là phải thu hút doanh nghiệp công nghiệp gần địa phương, giải quyết việc làm. Thanh niên có thể vừa làm công nhân, vừa làm ruộng. Những vùng làm nông nghiệp cần kết hợp với doanh nghiệp đưa được cây trồng, vật nuôi có lợi thế về với dân.

Xin cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.