Nông thôn mới - những bất cập và hệ lụy: Khó đạt “3 cứng”

Nhà ở dân cư ở miền núi của tỉnh Quảng Trị hiện khó để đạt được nông thôn mới theo tiêu chí. Ảnh: H.T.
Nhà ở dân cư ở miền núi của tỉnh Quảng Trị hiện khó để đạt được nông thôn mới theo tiêu chí. Ảnh: H.T.
TP - Trong 19 tiêu chí của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới thì Nhà ở dân cư (tiêu chí thứ 9) là một trong những yêu cầu bắt buộc phải đạt. Song, giữa thực tế và văn bản vênh nhau quá xa! Chuyện này đang diễn ra tại 2 huyện rẻo cao của tỉnh Quảng Trị là Hướng Hóa và Đakrông.

Bao giờ đạt chuẩn nhà ở dân cư

Ông Võ Thanh, Chủ tịch UBND của 1 trong 2 huyện miền núi ở Quảng Trị thông tin rằng, phong trào xây dựng nông thôn mới hiện tỏa lan khắp các bản làng của huyện miền núi Hướng Hóa. Đồng bào vô cùng sung sướng khi làng quê mình đã chạm nhiều tiêu chí quan trọng như quy hoạch, điện, chợ nông thôn, văn hóa… Hai xã đã đạt tiêu chí nông thôn mới cuối năm 2015 là Tân Hợp và Tân Liên. Năm nay, quyết liệt cán đích ở xã “vựa chuối” Tân Long nữa. Nhưng ông Thanh trầm xuống: “Thực tế, hầu hết các xã trên địa bàn đã đạt chuẩn tiêu chí nhà ở dân cư đều nằm dọc tuyến đường 9, có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển. Trong khi đó, tại các xã vùng khó như Pa Tầng, A Xing, A Túc, Xi, Thanh, Hướng Việt, Hướng Sơn…. , số nhà ở bảo đảm tiêu chí “ba cứng” (cứng nền, cứng khung, cứng mái) thì rất khó để đồng bào với tới được”.

Chủ tịch UBND xã Tân Hợp (xã đầu tiên của huyện miền núi Hướng Hóa và là xã thứ 4 ở tỉnh Quảng Trị đạt mốc son nông thôn mới mở lễ công nhận hôm 30/9/2015), ông Võ Viết Sinh cho hay, ở xã ông có 5 thôn Tà Đủ, Lương Lễ, Tân Xuyên, Quyết Tâm và Hoàn Thành. “Bốn thôn áp đường 9 khỏi bàn đến, nhưng riêng Tà Đủ là bản đồng bào dân tộc, khó về nhà cửa lắm. Chúng tôi phải vận nội công hết sức từ 4 thôn anh em trong xã góp công góp của giúp Tà Đủ mới đạt được cái tiêu chí này”, ông Sinh nói.

Chúng tôi đến xã Pa Tầng ở Hướng Hóa, Chủ tịch UBND xã Ăm May không hề giấu giếm: “Đồng bào thấy rất khó khi gặp tiêu chí nhà ở, bởi để đạt tiêu chí đó phải đồng thời thực hiện đạt các tiêu chí về cơ cấu lao động, xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập, phát triển đời sống nhân dân… Trong khi xã mình đang mần chủ tịch đây là xã… rớt nghèo”.

Khoảng cách

Đakrông, là 1/63 huyện nghèo nhất nước, hiện chưa có xã nào đạt tiêu chí nông thôn mới. Chủ  tịch UBND huyện Đakrông Lê Đắc Quỳ cho hay, nhiều xã trên địa bàn huyện đã hoàn thành các tiêu chí được đánh giá là khó với điều kiện vùng miền núi như an ninh, y tế, thủy lợi. Song nhà ở dân cư là một tiêu chí mà 11 xã ở đây rất khó để chạm tới được. “Trước thực trạng ấy, huyện đã kêu gọi nhiều chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo. Từ năm 2011 đến 2015, toàn huyện có 939 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở với tổng kinh phí 8.467 triệu đồng; 1.345 nhà ở được xây mới và nâng cấp từ nguồn vốn tự có của dân. Nỗ lực như vậy, song tỷ lệ nhà ở dân cư đạt chuẩn tại hầu hết các xã chỉ  dưới 65%. Đến nay Đakrông chưa có xã nào đạt tiêu chí về nhà ở dân cư”, ông Quỳ nói. 

Số liệu của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới tỉnh Quảng Trị cho thấy, đến cuối năm 2015, toàn tỉnh mới có 58 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư. Ở miền núi dẫu đã nhận được sự đầu tư từ các chương trình, dự án hỗ trợ về nhà ở nhưng do dân cư phân bố rải rác, không đồng đều, chủ yếu tập trung ở các tuyến đường giao thông chính nên việc xây dựng nhà ở thiếu quy hoạch cụ thể, không có mẫu thiết kế cũng như chưa có hệ thống thoát nước theo đúng quy định. Trong khi đó, do điều kiện sống của người dân đặc biệt khó khăn, giá trị sản phẩm hàng hóa thấp, tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, tỷ lệ hộ nghèo cao… nên việc hoàn thành tiêu chí này rất khó khăn.

Tại một số xã khác, rào cản mà chính quyền và nhân dân địa phương gặp phải không nằm ở chuyện xóa nhà tạm bợ, dột nát mà vướng ở chuẩn của Bộ Xây dựng. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sĩ Đồng, Phó trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới tỉnh: “Hầu hết nhà cấp 4 trên địa bàn đã được xây dựng khá lâu và có chiều hướng xuống cấp. Song đa phần các hộ này thuộc diện neo đơn, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên không có điều kiện để tu sửa. Ở một số trường hợp, người dân đã xây dựng được nhà kiên cố, đảm bảo “ba cứng”, song xét về diện tích và khuôn viên công trình phụ trợ thì lại không đạt”.

“Theo quy định, tiêu chí nhà ở dân cư có hai nội dung chính: Không còn nhà tạm, dột nát và 80% nhà đạt chuẩn mà Bộ Xây dựng đề ra. Nhà đạt tiêu chí nông thôn mới phải đảm bảo các điều kiện diện tích nhà ở bình quân 14m2/người; kết cấu nhà phải đảm bảo “ba cứng” và có niên hạn sử dụng 20 năm trở lên. Nhà ở phải có đủ các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ sinh hoạt như điện, nước sạch, vệ sinh môi trường, giao thông đi lại…

Hiện tỉnh Quảng Trị có 16 xã chạm ngưỡng nông thôn mới (chiếm 16,3%). Song với tiêu chí nhà ở dân cư đặt ra này thì rất khó”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sĩ Đồng
MỚI - NÓNG