Theo PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc bệnh viện K, Viện trưởng Viện nghiên cứu phòng chống ung thư: Theo số liệu của Ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAL) và ước tính của ghi nhận ung thư Việt Nam, Việt Nam có khoảng 94.000 người chết vì ung thư/năm. Có 172 quốc gia được báo cáo thì tỷ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam là quốc gia đứng thứ 78, xếp theo tỷ lệ tử vong từ cao xuống thấp. Như vậy, thông tin từ nhiều bài báo gần đây cho rằng Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ tử vong do ung thư cao nhất thế giới là không chính xác.
Cũng như các nước trên thế giới, số người mắc bệnh ung thư ở Việt Nam đang có xu hướng ngày một tăng nhanh, từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 ca năm 2010 và dự kiến sẽ vượt 190.000 ca vào năm 2020. Bệnh gặp ở mọi tầng lớp xã hội, mọi lứa tuổi, mọi khu vực địa lý và mọi ngành nghề khác nhau. Cùng với sự tiến bộ nói chung của nền Y học thế giới và Việt Nam, tại Bệnh viện K, trình độ và kỹ thuật phát triển đã giúp tỷ lệ bệnh nhân được chẩn đoán sớm và điều trị ung thư hiệu quả đã tăng lên rõ rệt.
Về ý kiến cho rằng “Phác đồ điều trị ung thư bằng truyền hóa chất hiện nay quá lỗi thời và lạc hậu, không hiệu quả dẫn đến số bệnh nhân tử vong nhiều; hóa chất chưa tìm diệt được tế bào ung thư đã tàn phá lục phủ ngũ tạng của người bệnh dẫn đến tử vong”, PGS.TS Trần Văn Thuấn khẳng định, đây là phát biểu không có cơ sở khoa học.
Các hướng dẫn của các tổ chức ung thư hàng đầu thế giới như Viện Ung thư quốc gia Hoa Kỳ, Hội Ung thư châu Âu khẳng định hoá trị vẫn là một trong các phương pháp quan trọng điều trị ung thư. Bên cạnh có thể điều trị khỏi một số ung thư, hóa trị có thể ngăn chặn được tiến triển của ung thư, giúp cải thiện triệu chứng và kéo dài thời gian sống thêm cho người bệnh ung thư. Các độc tính của hoá trị hầu hết có thể kiểm soát được. Nếu chỉ định đúng, hợp lý, hoá trị sẽ mang lại hiệu quả điều trị và các tác dụng phụ có thể chấp nhận được hay nói cách chuyên môn là người bệnh dung nạp được điều trị.
PGS.TS Lê Văn Quảng, Trưởng Bộ môn Ung thư, Trường Đại học Y Hà Nội, Trưởng khoa Ngoại A (Bệnh viện K), cho biết, hiện nay có thể chia các phương pháp điều trị ung thư thành 4 nhóm chính, các phương pháp này đã được thử nghiệm, có minh chứng rõ ràng và đã được các trung tâm ung thư trên toàn thế giới áp dụng.
- Điều trị phẫu thuật: Chỉ định cho ung thư giai đoạn khối U khu trú. Phẫu thuật là phương pháp hiệu quả nhất để điều trị triệt căn ung thư giai đoạn sớm
- Điều trị xạ trị là sử dụng tia bức xạ ion hóa để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị là phương pháp căn bản và thiết yếu để điều trị ung thư, WHO xếp xạ trị là một trong các phương pháp quan trọng nhất để điều trị và kiểm soát ung thư. 50-70% bệnh nhân ung thư có chỉ định xạ trị. Chỉ định xạ trị tùy theo loại ung thư, giai đoạn bệnh, type mô bệnh học... Xạ trị có thể tiến hành điều trị đơn thuần hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị khác như phẫu thuật, hóa chất.
- Điều trị hoá chất là sử dụng các thuốc gây độc tế bào nhằm tiêu diệt tế bào ung thư. Nghiễm nhiên độc cho tế bào ung thư nhiều hơn độc cho tế bào lành của cơ thể. So với hiệu quả đem lại, các tác dụng phụ do hoá trị là có thể chấp nhận và kiểm soát được. Hoá trị chỉ định chủ yếu cho ung thư giai đoạn di căn, sau đó là vai trò bổ trợ cho ung thư giai đoạn khu trú sau điều trị tại chỗ, có nguy cơ cao tái phát di căn
- Điều trị nhắm đích (Targeted therapy) là sử dụng các thuốc ngăn chặn sự phát triển và lan rộng của tế bào ung thư bằng cách cản trở các phân tử đặc hiệu liên quan đến quá trình sinh ung thư và sự phát triển của khối u. Bởi vì các nhà khoa học gọi các phân tử này là phân tử đích (moleculer targets), nên các phương pháp điều trị ngăn cản chúng gọi là điều trị nhắm đích phân tử (moleculerly target therapies). Bao gồm các kháng thể đơn dòng (monoclonal antibody – mab) và các thuốc phân tử nhỏ (small-molecule drugs, inhibitor – ib).
Không tự điều trị bằng phương pháp chưa được kiểm chứng
Về quan điểm đưa ra điều trị ung thư bằng phương pháp thực dưỡng của GS. Ohsawa theo quy luật cân bằng âm dương, PGS.TS Quảng nhấn mạnh, phương pháp thực dưỡng Ohsawa cũng như một hình thức ăn chay. Nhìn tổng thể những người ăn chay do không ăn thịt nên sẽ ăn nhiều rau xanh, trái cây và ngũ cốc hơn những người ăn bình thường. Nếu đảm bảo đầy đủ năng lượng thì đây cũng là chế độ ăn tốt vì ăn nhiều rau, hoa quả, từ lâu đã được khoa học y học thừa nhận dự phòng một số một số loại ung thư, đặc biệt ung thư đại trực tràng. Nhưng chế độ ăn chưa bao giờ được thiết kế nghiên cứu như một phương pháp điều trị đặc hiệu ung thư. Do vậy lựa chọn chế độ ăn nào đó và coi đó là phương pháp điều trị ung thư, là một sai lầm và dĩ nhiên sẽ không mang lại hiệu quả.
Còn với quan điểm không ăn thịt, đường, sữa để không nuôi tế bào ung thư phát triển được, TS Thuấn cho biết quan điểm này không có cơ sở khoa học. Với bệnh nhân ung thư, các bác sĩ thường khuyên ăn chế độ đầy đủ chất dinh dưỡng bao gồm vitamin, nước, khoáng chất, đường, đạm, chất béo. Ngoài ra cần giữ cân năng hợp lý, hạn chế uống rượu, không hút thuốc lá và tập thể dục đều đặn. Một số khuyến cáo hướng dẫn nên ăn chủ yếu các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, chứ không phải hoàn toàn kiêng thịt, cắt bỏ hoàn toàn thịt trong khẩu phần ăn hàng ngày. Nếu người bệnh muốn chọn chế độ ăn chay, phải đảm bảo rằng đây là một chế độ ăn chay lành mạnh, đa dạng, phong phú và cung cấp đầy đủ năng lượng. Nếu người bệnh không được cung cấp đủ năng lượng sẽ dẫn đến gầy sút, suy kiệt, không đủ sức khoẻ để chống chọi với bệnh tật cũng như không đáp ứng được các phương thức điều trị ung thư đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hoá trị.