Bệnh nhân thanh lọc cơ thể kể chuyện- Kỳ cuối: Những chuyện 'chép ở bệnh viện'

Những hình ảnh này (tại các bệnh viện TPHCM) rồi sẽ phải mất đi trong một xã hội văn minh. Ảnh: Lê Nguyễn
Những hình ảnh này (tại các bệnh viện TPHCM) rồi sẽ phải mất đi trong một xã hội văn minh. Ảnh: Lê Nguyễn
TP - Nhà văn Anh Đức tức Bùi Đức Ái (vừa qua đời) ngày trước có “Một chuyện chép ở bệnh viện” giản dị mà nổi tiếng, sau dựng thành phim “Chị Tư Hậu”. Còn bây giờ, những chuyện bi hài ở bệnh viện chắc ai cũng từng trải và hình dung.

Bệnh nhân người Việt: Làng trên xóm dưới vui đáo để

Vụ thanh lọc cơ thể nghĩ phải nằm viện lâu nhưng được dăm ngày tôi đã đòi về nhà điều trị dù đi lại vẫn lảo đảo, mắt hoa. Nhà báo Thu Tâm bước vào căn phòng có 6 chiếc giường, bảo: “Phòng bệnh gì mà ồn ào như chợ vỡ”. Bà chị Thu Hà: “Ôi, vào đây mà còn xúc động những chuyện đấy, phải bơ đi chứ”.

Chưa đến 6 giờ sáng, tiếng rao lanh lảnh dọc hành lang “Ngô luộc, sắn luộc, khoai nướng đê!” như dọc toa tàu hỏa. Và giống loa phường - cứ nhè ngày nghỉ, lễ của nhân dân mà khọt khẹt rõ sớm, nào đọc danh sách nhập ngũ đợt tới, nào phát động quét xóm, quét ngõ..., làm như không ai cần ngủ nghỉ và không có lúc nào khác để tuyên truyền.

Nhưng ngô luộc, khoai nướng có thể vẫn chưa phải là đồng hồ báo thức. Đêm, mãi mới chợp mắt được tí bỗng nghe “3 rưỡi sáng rồi đấy!” ở giường đối diện, không hiểu bệnh nhân hay người nhà. Thế là lại chong chong. Dậy lúc nào cứ lẳng lặng lại còn phải tri hô.

Giường song song với tôi, hai vợ chồng suốt ngày- giống như tôi - im lặng như một nấm mồ. Chồng là bộ đội tranh thủ chăm vợ trong thời gian nghỉ phép. Còn chị trong một lúc hiếm hoi mở miệng, kể bị bệnh gì không rõ mà đầu lúc nào cũng như vỡ toác, đau kinh khủng. 

Hai tháng lê la hết Bệnh viện Việt Trì, 103 và bây giờ ở đây, không thấy đỡ. Rồi phàn nàn nho nhỏ “Ồn ào quá”. Mình chỉ tiền đình cấp, suy nhược và phình một chỗ nho nhỏ ở đĩa đệm đã thấy khiếp âm thanh tiếng động thế mà bệnh nhân nặng này phải cố chịu, đầu đã toác càng toác. 

Phải quen thôi, vì sự thật là ở đâu cũng vậy. Tôi quanh năm có những người cần thăm, thấy cái thế giới bệnh viện thật náo nhiệt! Phòng mà có tivi thì nhất, các loại người nhà tụ họp hội thảo bình luận thằng nọ con kia, “nơi thì lừa đảo nơi thì xót thương” (Truyện Kiều. Còn các nhân vật là của phim Hàn Quốc, Việt Nam, Đài Loan). 

Mùa World Cup vừa rồi vào thăm bà dì chảy máu dạ dày. Phòng hậu phẫu, mấy bệnh nhân đều nằm thở yếu ớt mắt nhắm nghiền, cần yên tĩnh cao độ thế mà đầy đàn ông nhảy cẫng, hò reo, xuýt xoa, như quán xá vỉa hè. Bảo đảm bán kết và chung kết U19 vừa rồi, khối phòng bệnh giống sân Mỹ Đình thu nhỏ, đủ màu sắc cung bậc xúc cảm!

Cái dở của người Việt là dở mà không biết mình dở, cứ hồn nhiên như cô tiên. Họ có thể nhanh nhảu giúp thay chai truyền dịch, mua hộ suất cơm, gọi hộ cô y tá nhưng bảo họ giữ yên lặng và cư xử đúng mực thì bằng chơi khó nhau! Nếu bị nhắc nhẹ, tỏ ra ngạc nhiên lắm! Đi ra đi vào giật cửa đùng đùng như muốn tháo phăng cánh hoặc chốt cửa, vào phòng vệ sinh chung làm gì - nghe nhạc hiệu đoán được hết chương trình.

Nguyễn Việt Hà viết nhiều tản văn về công chức. Có chi tiết thời bao cấp, các vị đàn ông hay đến cơ quan tranh thủ tắm xong phơi quần đùi dưới gầm bàn làm việc. Phòng vệ sinh các bệnh viện bây giờ ai vào cũng thấy trăm thứ bà rằn của bệnh nhân và người nhà. Quần áo giặt xong phơi, nước rỏ tong tong. Người nhà tôi có lúc định góp một thứ đồ cá nhân vào đội hình, tôi phải cấm ngặt. 

Trong cuốn tự truyện 192 giờ, Annette Herfkens một phụ nữ Hà Lan - người sống sót duy nhất trong tai nạn máy bay ở Khánh Hòa hơn hai chục năm trước, kể lại chặng chị sống ở London và ấn tượng với cách người Anh hành xử cực kỳ tôn trọng khoảng không riêng của người khác.

“Trên tàu điện ngầm, người Anh luôn sẵn sàng cuộn tờ Financial Times của họ lại trong một mảnh bé xíu chỉ để tôn trọng không gian riêng khoảng 5 inch vuông của hành khách khác. Họ cũng sẽ chẳng bao giờ bất thình lình lùi lại hay nói chuyện - khi tàu dừng lại, cho dù có dừng những nửa tiếng đi chăng nữa. 

Khi trời nóng đổ lửa vào mùa hè, mồ hôi nhễ nhại trên từng khuôn mặt đầy cam chịu, những vị hành khách người Anh này thà cứ mặc áo khoác còn hơn là cởi nó ra để bạn thấy những đốm lấm tấm trên chiếc áo sơ mi của họ”. 

Phòng, hành lang, sân bệnh viện nhà ta thì vừa giống phòng ngủ với bộ đồ hoa trên hoa dưới, quần đùi may ô, vừa giống nhà ga bến bãi, đường chợ. Nói năng tự nhiên, oang oang như ở cánh đồng, chuyện nhà chuyện người nở như ngô rang. Đã phải nhập viện, chăm bệnh nghĩa là cơ khổ rồi, song có lúc lại thấy, không ngoa khi nói người Việt hạnh phúc, lạc quan nhất thế giới. Bởi khổ mà đâu biết mình khổ.

Bệnh viện: Thế giới của những người thông thái

Cô em Kiều Bích Hương - Việt kiều Bỉ mới sinh con gái, kể lại cuộc đi đẻ thật quá ở thiên đường. Mới đẻ run lẩy bẩy đã phải tắm, họ sợ mình ngã nên y tá vào buồng tắm lau người, cúi xuống lau chân, quỳ xuống mặc quần lót cho. Và đó là nước Bỉ.

Bệnh nhân thanh lọc cơ thể kể chuyện- Kỳ cuối: Những chuyện 'chép ở bệnh viện' ảnh 1

Có người bạn - Tuấn, người của WHO một thời gian làm phó giám đốc Bệnh viện Vinmec, nói: “Bọn tớ quan niệm bệnh nhân không chỉ là bệnh nhân mà còn là khách hàng của mình, chứ không phải là những người chịu ơn mình”. Khổ nỗi chi phí tầm quốc tế của những nơi này, đâu phải ai cũng kham nổi. 

Ở Việt Nam, bạn ổn cho đến khi bạn phải vào bệnh viện, hoặc có việc đến cửa quan, đáo tụng đình.

Nguyễn Việt Hà vừa nhắc trên kia kể, cháu anh mới sinh nở ở Vinmec, chi phí khoảng hơn 2.000 đô, “ổn lắm”. Cô em họ tôi cũng vừa vượt cạn ở một bệnh viện quốc tế khác, vào FB thấy cô khoe được gặp cứu tinh cho nên ca đẻ dễ hơn. 

Tôi chưa nói với nó nhưng thầm nghĩ ca mổ thường, không có gì phức tạp, trị giá mấy chục triệu mà gọi “cứu tinh” thì có khi cứu tinh chưa chắc đã phải là một nhân mối nào đó. Tự bao giờ không rõ, chúng ta đã vơi đi niềm tin ở hoa hồng, tin ở những điều tốt đẹp dù rằng rất muốn?

Giữa bệnh nhân với nhau cũng vậy. Hồi tôi nằm Viện C, thấy cô giường bên nhờ một người trong phòng “Ra cổng thấy chồng chị mặc thế này thì nhắn hộ là...”, nói đoạn dúi mấy chục nghìn. Tôi mới ngứa miệng chõ sang “Trên đời này không còn ai giúp được ai cái gì một cách vô tư và không công nữa à”.

Đôi lúc chờ mua thuốc ở quầy của bệnh viện, thấy có người phụ nữ tần ngần. Xem đơn thì thấy chỉ vài trăm nghìn. Định ngỏ ý giúp xong rồi lại nghĩ nhỡ lừa đảo, khổ nhục kế thì sao. Thỉnh thoảng vẫn bị chặn ở chỗ chờ đèn xanh đèn đỏ “giúp tôi ít tiền mua xăng, mua vé tàu về quê”, nhìn kỹ thấy cũng đáng ngờ lắm.

Về bệnh viện, đầu tiên phải nói, dù nhiều người kêu ca, tôi vẫn thấy chi phí khám chữa bệnh ở ta quá rẻ. Và so với ngân sách thì chất lượng như vậy là tốt rồi. Nhà thơ - bác sĩ Vũ Quần Phương từng kể tôi nghe con số khiếp khủng khi phải vào bệnh viện ở Mỹ.

“Mình đau một thứ, vào viện, họ gõ những thứ khác xem có ổn không, hỏi mình có muốn chụp chiếu, chữa không, mình cứ vô tư gật là chết tiền! Phải cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định khám chữa cái gì đó”.

Cảm nhận nữa, luôn luôn, đó là khâm phục những người làm trong môi trường này. Đồng nghiệp điều trị ở khoa hồi sức cấp cứu một viện lớn, chúng tôi vào thăm, thấy mấy chục người thập tử nhất sinh nằm tênh hênh một dãy dài. Chúng tôi bỏ dép, đeo khẩu trang vào thăm người của mình. Một bác sĩ ra bấm rồi nói nhỏ: Ai có con nhỏ về nhà không được bế con ngay và nhớ thay quần áo. Khỏi phải dặn cũng biết bởi nhìn đã “ghê” rồi chưa kể nán lại, thế mà có những người quanh năm ngày tháng sống trong bầu không khí như vậy. 

Hà Nội mấy bệnh viện nức tiếng, chuyên môn nức tiếng. Đó cũng là một lý do khiến dân ngoại tỉnh coi Hà Nội là đất thánh, có bị sao cũng nhằm Hà Nội mà trực chỉ. Nhưng tôi ước gì những con người quan trọng mặc blouse ở đó đừng quá kiệm lời mỗi bận khám chữa. Ước họ cho bệnh nhân hiểu, bệnh nhân đang được lắng nghe thực sự chứ không bị sự quá tải chi phối. Ước họ không quan niệm ai vào đây cũng đều là những bệnh nhân thông thái - sau khi đã là người tiêu dùng thông thái, người cha người mẹ thông thái. 

Không phải ai cũng rành đường đi nước bước mà có thể rất lớ ngớ, nhà quê ra tỉnh, hoặc do cả đời mới đến đây đôi lần. Cho nên nếu có muốn nghe giải thích kỹ càng bệnh tình của mình, đường hướng chữa trị, tư vấn cặn kẽ cho người nhà, muốn gặp riêng gặp chung, ắt không phải việc quá đáng.

Hôm khai giảng đầu tháng, tôi viết bài Nghĩ về Robin Williams trong ngày khai giảng. Khi viết những dòng này tôi cũng nghĩ về Robin Williams người vừa tự kết thúc cuộc đời ở tuổi 63, lần này là về vai Patch Adams trong phim cùng tên. Bác sĩ Patch do Williams đóng “Quan tâm cách mà con người đối mặt những khó khăn trong cuộc sống, và tôi muốn giúp họ giải quyết chúng”. 

Lúc đầu gặp những ca quái đản - tâm thần thì biết rồi đấy - anh cũng thót hết cả mình, sau đó với mỗi người anh đều có cách riêng để “giúp đối mặt khó khăn”. Nhập cuộc như một người đồng bệnh tương lân. Với chẳng hạn một bệnh nhân nữ cao tuổi luôn mơ mình sẽ được tắm trong cái bồn đầy mỳ Ý, cuối phim anh để bà thỏa nguyện - cái bồn đó ngập mỳ Ý hẳn hoi, và ra đi với nụ cười hạnh phúc trên môi.

Nói ở Việt Nam, bạn ổn cho đến khi bạn có chuyện gặp công an, vào cửa quan và vào bệnh viện là còn lạc quan, chưa tính những nguy cơ khác. Và hãy vào bệnh viện mà xem, chúng ta đã gây cho nhau và gây cho mình những loại tật bệnh, tai nạn khó lường nào. Thấy nhiều điều nữa. Và chữ “ổn” hóa ra quan trọng đến thế.

MỚI - NÓNG