'Bầu' Kiên rơi lệ trong lời nói sau cùng

“Bầu” Kiên xin phép được đọc lời nói sau cùng tại tòa
“Bầu” Kiên xin phép được đọc lời nói sau cùng tại tòa
TP - Sau 10 ngày xét xử, hôm qua (11/12), phiên xử “bầu” Kiên cùng đồng phạm dừng lại với phần “lời nói sau cùng” của các bị cáo. Thay vì bản bào chữa hùng hồn như phiên sơ thẩm, bị cáo Kiên đã nghẹn ngào nói về những người thân của mình…

“Con cảm ơn bố về những trận đòn…”

Quá trình xét xử, “bầu” Kiên luôn làm cho những người theo dõi tòa bất ngờ bởi những tình huống ngoài dự kiến. Thay vì bản bào chữa hùng hồn, chiều qua, trong lời nói sau cùng trước khi HĐXX vào phần nghị án, ông Nguyễn Đức Kiên đã nghẹn ngào nói về gia đình, về những trận đòn của bố, công lao của mẹ, sự chịu đựng của người vợ sau những cơn sóng gió...

Xin trích đoạn: “35 năm làm việc, tôi chưa từng cầm giấy để nói, nhưng để tránh không kìm nén được cảm xúc, tôi xin đọc lời nói sau cùng. Tôi không nói về nhân thân, về những việc đã làm. Tôi chỉ xin cảm ơn bố mẹ tôi, những nhà giáo đã nuôi tôi khôn lớn. Tôi tự hào vì những đóng góp của bố mẹ tôi cho sự nghiệp nước nhà. Con cảm ơn bố vì những trận đòn mà nhờ nó con đã trưởng thành, đứng vững đến hôm nay. Xin cảm ơn bạn bè đã giúp đỡ trong lúc khó khăn nhất”.

“Đặc biệt, tôi xin cảm ơn vợ tôi, là người chưa bao giờ kinh doanh, đã phải đứng ra gánh vác công việc, chăm lo gia đình trong 27 tháng qua... Tòa án là cơ quan tố tụng nơi thực hiện công lý. Tôi hy vọng qua diễn biến phiên tòa, HĐXX sẽ nhận định đúng sai, bảo vệ quyền công dân, tránh oan sai. Tôi luôn tin tưởng vào Đảng, Nhà nước. Tôi lấy lại niềm tin vào tòa phúc thẩm, các vị thẩm phán quan tâm hỏi han sức khỏe của tôi. Cách điều hành điềm tĩnh của HĐXX đã giúp tôi nói lên sự thật. Tất cả những điều tôi nói ngày hôm nay là mong muốn tôn trọng pháp luật tuyệt đối” - bị cáo Kiên tiếp.

“Đã đến lúc tôi mong nhận được sự cảm thông”

Trong lời nói sau cùng của mình, “nhân vật thứ hai” Lý Xuân Hải (cựu Tổng giám đốc Ngân hàng ACB) cho rằng đã bị oan ức và mong nhận được sự cảm thông. 

Bị cáo Hải nói: “Đã đến lúc tôi mong nhận được của quý vị sự cảm thông. Với những gì tôi đã trình bày và chưa trình bày hết, tôi gửi đến HĐXX 3 lời khẩn cầu: Xem xét giúp tôi tất cả nội dung tôi đã trình bày về việc tôi không cố ý làm trái, hậu quả không xảy ra, không thể xảy ra, về việc tôi có phải là đối tượng mà cái lỗi tôi làm ra hay không, hay nó là tội khác. Tôi cũng đặc biệt một lần nữa xin được kêu oan với 4 hành vi mà tôi không làm mà hiện nay tôi đang phải đối mặt, trả giá với 4 hành vi ấy. Tôi không chỉ đạo anh Hòa (Kế toán trưởng ACB – PV) gửi tiền, tôi không hề bàn bạc, không chỉ đạo bất kỳ gì ngoài đồng ý cấp hạn mức đầu tư cổ phiếu, tất cả những gì còn lại tôi không biết. Tôi mong HĐXX, Viện kiểm sát xem xét giúp tôi, trong việc này tôi là người có công dừng việc này lại, cuối cùng tôi lại trở thành người có tội về việc mà không phải do tôi làm”.

Bị cáo Hải phân tích thêm: “Ở đây có 3 yếu tố: tôi không có động cơ làm trái, không có ý thức làm trái và không thể làm trái. Trong gia đình, tôi là người nối dõi, tôi không bao giờ làm gì sai vì cha mẹ tôi đã hy sinh cả cuộc đời để tạo dựng nên. Tôi kể hoàn cảnh gia đình để mong HĐXX có cơ sở nào đó để nếu đã kỹ thì kỹ thêm một chút nữa. Trong trường hợp HĐXX xem xét tôi có tội, hãy dành cho tôi một cơ hội để tôi sớm được quay về. Xin sớm được cho cái tôi trở về với gia đình tôi chăm sóc con nhỏ”.

Bị cáo Kiên đề nghị xác nhận tư cách của mình trong ACB

Trong phần tự bào chữa, bị cáo Kiên đề nghị cơ quan công tố xác định lại tư cách cũng như tầm ảnh hưởng của mình tại ACB. Theo đó, ông Kiên đặt ra hàng loạt câu hỏi, hướng về phía vị đại diện Viện KSND Tối cao: “Thưa ông kiểm sát viên, tôi có phải cổ đông lớn không? Đề nghị xác nhận, với chức danh Phó chủ tịch hội đồng sáng lập, Phó chủ tịch HĐQT tôi có quyền chi phối hoạt động của ACB không? Đề nghị Viện kiểm sát xác nhận lại, HĐQT ACB có phải cơ quan quản trị, điều hành cao nhất ở ACB hay không? Xác nhận lại, có phải Viện kiểm sát thừa nhận tôi không phải là người có chức năng quyền hạn để đưa ra quyết định ở ACB? Tôi có phải chủ mưu trong hành vi cố ý làm trái hay không?”.

Liên quan đến chủ trương ủy thác tiền gửi, bị cáo Kiên cho rằng, đã không dự họp, thảo luận, không liên quan và không có ý kiến. Cho rằng chủ thể của tội danh Cố ý làm trái phải là người có chức sắc, “bầu” Kiên phản pháo: “Không có bộ luật nào quy định người không có chức vụ quyền hạn phải chịu về hành vi cố ý làm trái”.
14h thứ hai (15/12), Tòa tuyên án.

Cuối cùng, ông Kiên đề nghị Tòa tuyên mình vô tội: “ Trong 35 năm tôi là một công dân. Là một người đam mê làm việc, tôi chỉ mong muốn được trở lại với những hoài bão, để tiếp tục đóng góp cho xã hội. Tôi không phải là sân sau của bất kỳ ai, tôi chỉ làm ăn và đam mê bóng đá. Tôi chỉ mong HĐXX hủy bản án sơ thẩm, tuyên tôi vô tội”.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.