Ngay sau khi kết thúc cuộc bầu cử các cơ quan chính quyền tại 2 nước Cộng hoà tự phong - Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DNR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LNR)– vùng Donbass mạn Đông –Nam Ukraine ngày 2/11, trên trang web của Bộ Ngoại giao Nga xuất hiện bản thông báo ghi nhận cuộc bầu cử diễn ra có tổ chức và tỷ lệ cử tri đi bầu cao.
Bản thông báo nêu rõ: “Chúng tôi tôn trọng ý nguyện của nhân dân miền Đông – Nam” Ukraine nhưng không có một lời nào nói về việc công nhận DNR và LNR. Nói cách khác, Nga chỉ tôn trọng cuộc bầu cử chứ không công nhận kết quả cuộc bầu cử. Cách nói này của phía Nga đã khiến dư luận không khỏi băn khoăn.
Khi được hỏi tại sao Mátxcơva chỉ tôn trọng chứ không thừa nhận kết quả cuộc bầu cử tại DNR và LNR, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga là ông Dmitri Peskov trả lời: “Tạm thời không thể nói được gì thêm”. Còn khi được hỏi tại sao mới một tuần trước đó, Ngoại trưởng Sergey Lavrov còn cho biết Mátxcơva sẽ công nhận kết quả cuộc bầu cử ở Donbass, một quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao Nga chỉ đáp lại ngắn gọn:” Đó là chuyện đã lâu rồi”.
Vậy những nguyên nhân gì đã khiến Mátxcơva không công nhận kết quả cuộc bầu cử, cũng tức là không công nhận sự tồn tại của DNR và LNR? Theo nhận định của giới báo chí Nga, có thể kể ra một số nguyên nhân chính.
Thứ nhất, Mátxcơva không muốn phá vỡ những thỏa thuận đã phải vất vả mới đạt được, trước hết là thỏa thuận về ngừng bắn được ký kết ở Minsk giữa đại diện của Kiev và đại diện của lực lượng nổi dậy. Điều quan trọng đối với Mátxcơva lúc này là không để cuộc chiến lại bùng phát khiến tình hình càng khó giải quyết hơn.
Thứ hai, Mátxcơva muốn chờ kết quả cuộc gặp các nhà lãnh đạo khối EC sắp diễn ra bàn về các lệnh trừng phạt chống Nga cũng như chờ kết quả Hội nghị Thượng đỉnh khối APEC sẽ diễn ra vào giữa tháng 11 tại Bắc Kinh. Cũng không thể bỏ qua lời đe dọa xiết chặt các biện pháp trừng phạt mà EC đã đưa ra sau khi Ngoại trưởng Lavrov tuyên bố sẽ công nhận kết quả cuộc bầu cử tại Donbass. Tình hình kinh tế đang ngày càng khó khăn khiến Nga phải hết sức thận trọng.
Nhưng nguyên nhân quan trọng hơn hết khiến Mátxcơva chưa thể công nhận chủ quyền của DNR và LNR là do cả 2 nước Cộng hòa tự phong này đều chưa đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của một nhà nước độc lập. Chẳng hạn, cả DNR lẫn LNR đều không có đường biên giới riêng, không có nhân dân riêng, không có các thiết chế Nhà nước và chưa có sự phân quyền giữa các nhánh quyền lực.
Một số ý kiến cho rằng về lâu về dài, Mátxcơva vẫn muốn DNR và LNR nằm trong thành phần của Ukraine. Hiện nay, DNR và LNR tuy nằm trên lãnh thổ Ukraine nhưng đã trở thành những “tiền đồn thân Nga” và trong tương lai rất có thể sẽ xuất hiện thêm những “tiền đồn” tương tự. Chẳng hạn, đó là các thành phố Kharkov, Odessa và một vài thành phố miền Đông, nơi mà trong cuộc bầu cử Quốc hội Ukraine hôm 26/ 10, đông đảo cử tri đã dồn phiếu cho Khối Đối lập (tiền thân là Đảng các khu vực của cựu Tổng thống Yanukovich) và Đảng Cộng sản. Với sự tồn tại của những “tiền đồn thân Nga” như vậy, Nga sẽ ngăn chặn được nguy cơ Ukraine biến thành một quốc gia chống Nga và vẫn có thể tác động đến tình hình Ukraine.