Mua thuốc gì cũng bán
Khoảng 10 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại chợ thuốc tân dược Hapu. Chợ sầm uất, sôi động hơn nhiều lần so với khi còn trên phố Ngọc Khánh. Ngay dưới sân tòa nhà Hapulico, hàng trăm xe tải nhẹ, xe con, xe máy tấp nập ghé vào xếp hàng. Trên 5 tầng phía trên, quy mô chợ thuốc khiến những người mới đến đây lần đầu không khỏi ngỡ ngàng với hàng chục nghìn mặt hàng thuốc, thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế khác nhau, nội ngoại đủ cả, xếp tràn ra lối đi, cao tận trần nhà.
Trong vai một bệnh nhân mua thuốc chữa ho, chúng tôi vào cửa hàng số 116 treo biển của Công ty CP thương mại và dược phẩm Đông Nam Á. Nữ nhân viên niềm nở chào mời: “Anh mua amoxicllin nội hay ngoại? Thuốc nội giá 55 nghìn đồng/hộp, thuốc của Áo giá 150 nghìn đồng/hộp”. Trả tiền mua thuốc nhưng phóng viên phải giục nhiều lần nhân viên vẫn không đưa hóa đơn mà chỉ đưa ra tờ “Đơn hàng” không có bất cứ thông tin gì về doanh nghiệp này và đóng lên con dấu “Quân-Hà; quầy 116-Trung tâm Dược phẩm HAPU” kèm số điện thoại cố định và di động.
Vòng qua nhiều cửa hàng tại đây, không hề gặp khó khăn gì khi hỏi mua các loại thuốc kháng sinh với số lượng không hạn chế. Trên hành lang của các tầng, cả trăm người ngồi bệt xuống sàn nhà vừa đếm vừa đóng gói đống thuốc kháng sinh dễ có tới cả nghìn vỉ. “Anh mua đi, thuốc của em là chuẩn, giá thấp nhất. Anh cứ gọi đến là có”, nhân viên một quầy hàng trên tầng 3 vừa cắm cúi đếm tiền, vừa nói. Tại chợ thuốc, chúng tôi còn chứng kiến việc bảo quản thuốc cũng khá tùy tiện. Điển hình như thuốc shinpoong gentri-sone (một loại kem chữa viêm da) quy định là phải tránh ánh sáng, để ở nơi khô, nhiệt độ dưới 30 độ C nhưng xếp thành đống ngay dưới hành lang tầng 1. Tại chợ thuốc, nhóm phóng viên còn thấy mình như rơi vào mê hồn trận của các loại thực phẩm chức năng đủ loại và đều được quảng cáo bằng những lời có cánh.
Một chủ cửa hàng thuốc gần cổng Bệnh viện GTVT cho biết, anh là khách hàng lâu năm của chợ thuốc Hapu. Sau một hồi tâm sự nhờ anh chỉ cho mấy chiêu làm ăn, anh này chốt lại: “Thôi, ông đi về quê Hà Nam mà mở nhà thuốc! Ông cứ nhìn đi, hầu hết những người đến đây mua số lượng lớn hàng xe tải là người ở các tỉnh. Cả thuốc và thực phẩm chức năng về quê đều dễ kiếm hơn Hà Nội”! Chủ một nhà thuốc trên phố Xuân La (Tây Hồ) thấy tôi lớ ngớ bèn khuyên: “Anh mới đến đây đừng mua ngay, nên đi khảo giá nhiều cửa hàng. Nhìn mặt đặt tên đấy”.
Thuốc kháng sinh mua tại chợ không hóa đơn.
Buông lỏng quản lý
Tìm hiểu thực trạng hoạt động của chợ thuốc Hapu, chúng tôi càng hiểu hơn vì sao hàng loạt quy định của Bộ Y tế chỉ nằm trên giấy. Tại Văn bản số 1517 ngày 6/3/2008 do Cục trưởng Cục khám chữa bệnh (Bộ Y tế) ký ban hành nêu rõ: Danh mục thuốc phải kê đơn và bán theo đơn. Trong đó quy định thuốc kháng sinh và 30 loại thuốc, nhóm thuốc, sinh phẩm, dung dịch, hóc-môn…chỉ được bán theo đơn. Tuy nhiên, tại chợ thuốc lớn nhất cả nước ngay giữa trung tâm Thủ đô, việc mua bán thuốc kháng sinh dễ dàng chẳng khác gì mua rau, không hóa đơn chứng từ.
Đã có nhiều đoàn kiểm tra của ngành y tế đối với hoạt động của chợ thuốc Hapu. Tuy nhiên, dường như cứ sau khi các đoàn kiểm tra dời đi thì đâu lại vào đấy, thậm chí việc kinh doanh tại đây lại càng sầm uất hơn, sôi động hơn. Đại diện Công ty CP Bất động sản Hapulico là đơn vị cho thuê mặt bằng kinh doanh chợ thuốc cho biết: Hapulico chỉ là đơn vị cho thuê mặt bằng còn quản lý kinh doanh thuốc tân dược thuộc về trách nhiệm của ngành y tế. Cũng theo Hapulico, toàn bộ 5 tầng thương mại đều kinh doanh thuốc tân dược và đã cho 205 doanh nghiệp thuê, mỗi quầy hàng diện tích từ 40-50m2 và lúc nào cũng kín người thuê. Chi cục thuế quận Thanh Xuân cho hay, hoạt động tại chợ thuốc này khá sôi động và thu hút không chỉ có doanh nghiệp tại Hà Nội mà còn nhiều công ty kinh doanh dược phẩm của các tỉnh xa cũng về đây để làm ăn, thuê mặt bằng…
“Các đơn vị thuê hầu hết là doanh nghiệp. Số hộ kinh doanh không nhiều và chỉ bán thực phẩm chức năng thôi”, ông Ngô Quốc Doanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bất động sản Hapulico nói.
90% thuốc kháng sinh được bán không theo đơn
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên khẳng định, tình trạng kháng thuốc kháng sinh làm tăng thời gian điều trị, nguy cơ tử vong cao và chi phí ngày càng tăng. Nguyên nhân của tình trạng này là việc bác sĩ lạm dụng kê đơn kháng sinh và nhiều cha mẹ tự ý mua thuốc điều trị cho con. Bộ Y tế cho biết, cả người bán thuốc lẫn người mua thuốc kháng sinh để điều trị bệnh mà không cần đơn. Ampicillin, ammoxicilin, cephalexin và azithromycin là những loại kháng sinh được bán nhiều nhất mà không kê đơn, trong đó 88% là ở thành thị, 91% ở vùng nông thôn.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) thừa nhận: “Chưa có nước nào mà kháng sinh lại mua dễ như ở Việt Nam. Bộ Y tế đã có quy định yêu cầu các nhà thuốc chỉ bán kháng sinh khi có đơn của bác sĩ, tuy nhiên nhiều nơi không thực hiện, trong khi chế tài xử phạt thấp”. Theo một khảo sát tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội cho thấy, số thuốc được kê trung bình một đơn là 7,06 loại, nhiều đơn có tới 10-20 loại. Đáng chú ý, kháng sinh được sử dụng ở rất nhiều đơn thuốc, có khoa thuốc kháng sinh được sử dụng ở 100% số người bệnh.
Thái Hà