Bất ngờ khan hiếm sách giáo khoa: Chuyện ở xứ người

Việc in sách bài tập đi kèm SGK chỉ dùng một lần là không phù hợp. Ảnh: Như Ý.
Việc in sách bài tập đi kèm SGK chỉ dùng một lần là không phù hợp. Ảnh: Như Ý.
TP - Tại nhiều quốc gia khác, không hề có một bộ SGK cứng trong suốt năm học, học sinh có thể mượn sách ở trường và phụ huynh không phải bỏ tiền mua SGK cho con. Ðó là bức tranh về SGK khá tương phản với tình trạng hiện nay tại Việt Nam. Theo các chuyên gia giáo dục, thay vì đổ tiền vào SGK hãy đầu tư cho đội ngũ giáo viên.

Không có một bộ SGK chung cho tất cả học sinh

Có con đang học lớp 4 tại một trường tiểu học bang Queensland, Australia, chị Thu Thủy cho biết chị chỉ mua hai cuốn sách cho con là Atlat và từ điển. Mà hai cuốn sách này mua từ năm lớp 3, năm nay lớp 4 vẫn dùng nên không phải mua. Ở trường, giáo viên không dạy theo SGK. Từ chương trình quy định, học sinh có rất nhiều sách để tìm hiểu từ thư viện, internet. “Không có bộ SGK cố định. Ở  cùng một lớp nhưng lại học theo các trình độ khác nhau. Giáo viên dạy theo trình độ học sinh chứ không theo SGK. Do đó trong lớp học rất linh động” - chị Thu Thủy cho hay.

Cũng theo chị Thủy, với học sinh trước khi vào lớp 1 và học lớp 1 hoàn toàn không có SGK. Chỉ có 1 cuốn vở học từ. Mỗi tuần giáo viên cho khoảng chục từ để về học. Danh sách những từ phổ biến, xuất hiện nhiều sẽ được học đầu tiên. Tập đọc được chia theo các cấp độ khác nhau. Trong lớp có bạn mới đang học đọc cấp độ 1 (level 1) nhưng cũng có bạn đã học đến cấp độ 15, 20. Do đó, ở cấp độ nào, học sinh sẽ mượn sách theo trình độ đó. Và những cuốn sách này học sinh đều có thể mượn ở thư viện của trường.  Chị Thủy cho biết thêm, ở tiểu học, học sinh cũng học đủ các môn: Toán, tiếng Anh, Lịch sử, Địa lý, Khoa học, Nghệ thuật. Tất cả những môn này này đều không có SGK. Giáo viên cho học  sinh tìm kiếm trên mạng và thư viện. Lên cấp học cao hơn, học sinh cũng cần mua SGK. Nhưng có những trường họ dùng sách điện tử.

Còn tại Mỹ, chị Bạch Thủy Linh, bang West Virgina cho biết chị cũng không phải mua SGK cho con. Phần lớn các trường yêu cầu phụ huynh mua đồ dùng học tập. Ví dụ như 1 cái kéo, 2 lọ keo, mấy hộp bút chì, giấy lau... để dùng cả năm ở lớp. Ở lớp con chị Linh năm nay, mỗi bạn có 5  cuốn sách do trường phát gồm 2 quyển toán (1 quyển lý thuyết, 1 quyển bài tập), 1 quyển từ điển, 1 quyển về khoa học. Hầu như các bang đều được miễn phí SGK. Sách này học xong thì để vào một phòng ở trường và không mang về nhà nên hầu như bố mẹ không biết con học bằng sách gì. Chị Linh cho biết thêm, bạn chị ở bang Ohio thì cho hay mỗi phụ huynh nộp 60USD đầu năm học để mua sách cho con. Và cũng là lần đầu tiên từ khi cho con đi học chị nghe thấy phải nộp tiền mua sách.

Nhiều nước, phụ huynh không phải mua SGK

Theo chị Linh, nhiều trường ở Mỹ đồ dùng học tập phụ huynh cũng không phải mua vì Chính phủ bang có cơ chế trợ cấp. Ví dụ, trường con chị  năm nay đang học kể cả ăn sáng, ăn trưa, đồ dùng học tập cũng được miễn phí. Về nội dung học, chị Linh cho hay, mỗi cấp học có  yêu cầu khác nhau, sau đó giáo viên dựa trên kinh nghiệm của mình sẽ tìm những phương pháp khác nhau để hướng dẫn học sinh đạt được trình độ đó.

Vì vậy nên giáo viên là người có ảnh hưởng cực kỳ nhiều đến trẻ. Cô càng nhiều kinh nghiệm, càng nghiêm túc thì các con càng học được nhiều. Vì vậy nên trẻ con Mỹ biết rất nhiều, rất rộng. Nhưng không quá giỏi với điểm số cao chót vót như học sinh châu Á. Vì các con không được khuyến khích thành các thợ làm toán, làm văn.

Chị Phương, từng có con học từ mầm non đến lớp 2 ở Washington DC, Mỹ cho hay, chị ngạc nhiên khi về Việt Nam. Ngày còn ở bên Mỹ, đầu năm học mới, phụ huynh không phải chuẩn bị SGK cho con mà chỉ chuẩn bị đồ dùng học tập theo danh sách trường gửi về. Còn SGK không trường nào giống trường nào. Mỗi tiểu bang là một bộ SGK. Thậm chí trong cùng khối lớp việc đó cũng rất linh hoạt. Trường có bộ tiêu chí để xem học sinh cuối năm học cần đạt được  tiêu chí gì thì sẽ lựa chọn sách để dạy đạt theo tiêu chí đó. “Những môn như văn hóa, nghệ thuật chẳng hạn, giáo viên hướng dẫn cho học sinh đọc sách ở thư viện. Nên không phải chỉ 1 cuốn sách duy nhất. Trong tuần học chủ đề nào thì giáo viên sẽ liệt kê khoảng vài cuốn sách để học sinh đọc. Thầy sẽ dạy theo những cuốn sách đó” - chị Phương cho hay. Khi về Việt Nam chị được giáo viên hai lần yêu cầu mua thêm một cuốn sách gì đó, hôm thì đạo đức, hôm thì mỹ thuật. Mà không phải tìm ở một nhà sách là có, đi mấy nhà sách mới mua được.

Tại Pháp, một số phụ huynh tiểu học cũng cho biết họ không phải mua SGK. Học sinh chỉ cần chuẩn bị vở, sau đó đến lớp giáo viên sẽ phát những tờ giấy có nội dung học. Học xong, học sinh dán tờ giấy đó vào vở tuần tự cho đến hết năm học. Tại Nhật, phụ huynh học sinh cũng không phải bỏ tiền mua SGK.

Việt Nam nghèo nhưng lãng phí

Từng là một giáo viên, được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu, cô Tô Thụy Diễm Quyên,  chuyên viên phụ trách Chương trình Giáo dục (Trung tâm Thông tin và Chương trình Giáo dục thuộc Sở GD&ĐT TPHCM) cho biết, ở nước ngoài, người dân không mua SGK. “Học sinh dùng xong để lại thư viện cho người khác dùng dù đất nước họ rất giàu. Không có chuyện SGK mua mười đồng rồi bán ve chai một xu như Việt Nam” - cô Quyên nói.

Theo cô Quyên, thế giới hiện đại là dạy cho đứa trẻ biết cách tư duy về vấn đề, cách giải quyết vấn đề. Với mục tiêu giáo dục ở thế kỷ 21 thì kiến thức chỉ là cái kênh để  hình thành ra kỹ năng. Kiến thức sẽ lạc hậu theo thời gian. Khi soạn xong một bộ SGK và in ra thì lượng lớn kiến thức trong đó đã lạc hậu. Vì vậy, nếu đứa trẻ có tính chủ động, thì không cần cung cấp nó cũng có kiến thức. Do đó, nhiệm vụ của cấp quản lý, hoạch định chính sách về giáo dục chỉ cần đưa ra mục tiêu chung:  Ở tiểu học đứa trẻ cần hiểu biết những gì và mức độ như thế nào, cấp độ THCS ra sao… Còn sử dụng giáo trình nào, kiến thức ở đâu thì phải do người dạy và người học quyết định. Họ chỉ có barie để kiểm soát được kiến thức, kỹ năng đứa trẻ đạt được và xem có phải hỗ trợ thêm  khi đứa trẻ tốt nghiệp hay không mà thôi.

“Còn vẫn chạy theo SGK tức là vẫn chú trọng  việc lấy kiến thức là mục tiêu chứ không phải kỹ năng là mục tiêu. Trước đây, có  người nói một bộ SGK có tuổi thọ trong 10 năm. Nhưng bây giờ nói câu đó thì thấy nó không hợp lý nữa. Do đó, các nước tiên tiến hiện nay không đổ tiền vào làm SGK. Họ để cho tư nhân làm, không cần dùng tiền của nhà nước” - cô Tô Thụy Diễm Quyên nhấn mạnh. 

“Đổ vào đó một số tiền rất lớn mà nó chỉ có giá trị trong 2, 3 năm thì đó là một đầu tư không khôn ngoan. Nên đầu tư số  tiền đó vào phát triển đội ngũ giáo viên. Giáo viên phải biết tiếng Anh, phải tra cứu tài liệu, phát triển. Yếu tố con người mới quan trọng chứ không phải yếu tố cơ sở vật chất. Không phải đầu tư để viết SGK mà phải đầu tư vào đội ngũ” - cô Diễm Quyên nhấn mạnh.    

N.H 

MỚI - NÓNG