Vụ máy bay Air France rơi:

Bắt đầu khoanh vùng hộp đen

Bắt đầu khoanh vùng hộp đen
TP - Hiện nay hai thiết bị dò ánh sáng và âm thanh dưới nước của Mỹ đang được vận chuyển ra vùng biển nơi chiếc máy bay A-330-200 rơi. Hai thiết bị này có khả năng phát hiện được ánh sáng từ chiếc hộp đen phát ra ở độ sâu 6.100 m nước.

Đến tối ngày 9/6 đội tìm kiếm Brazil cho biết, thêm tám thi thể nạn nhân chuyến bay AF-447 và tấm cánh đứng của đuôi chiếc máy bay Airbus A-330-200 đã được vớt lên tàu.

Hãng tin Mỹ AP cho biết, thông tin về việc trục vớt tấm cánh đứng của đuôi máy bay gặp nạn đã được Không lực Brazil đưa lên mạng Internet.

Các chuyên gia cho rằng việc vớt được nhiều thi thể nạn nhân và mảnh vỡ đuôi máy bay sẽ cho các thông tin vô cùng quí giá về vị trí hộp đen và nguyên nhân vụ tai nạn.

Từ mảnh đuôi vỡ

Tấm cánh đứng của đuôi máy bay phản lực có tác dụng giữ cho mũi máy bay không rung lắc gật gù theo hướng tiến, lùi cũng như kiểm soát các chuyển động ngang của máy bay.

Hộp đen ghi tình trạng kỹ thuật và âm thanh trong khoang hành khách của máy bay A-330-200 được đặt ở phần gần đuôi máy bay. Do vậy việc vớt được tấm cánh đứng đuôi máy bay này giúp xác định được tương đối chính xác vị trí hộp đen khoang hành khách của chiếc máy bay xấu số đang chìm dưới đáy Đại Tây Dương.

Hiện nay hải quân Pháp cử tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử  Emeraude đang trên đường tới hiện trường máy bay rơi để hỗ trợ việc vớt các hộp đen. Dự kiến tàu này sẽ tới nơi vào cuối tuần này. Tàu ngầm nói trên có thiết bị hiện tín hiệu phát ra từ chiếc hộp đen máy bay dưới đáy Đại Tây Dương.

Từ vết rách của tấm đuôi dựng đứng trên máy bay, Giáo sư William Waldock giảng dạy môn điều tra tai nạn máy bay tại Đại học Hàng không Embry-Riddle ở thành phố Prescott, bang Arizona, Hoa Kỳ cho rằng vết rách xé sang hai bên cho thấy nhiều khả năng máy bay bị nổ trên không trung trước khi lao xuống biển.

Ông cho rằng nếu máy bay bị vỡ do va chạm với mặt nước biển, các mảnh vỡ sẽ bị xé nhỏ. Trên tấm cánh đứng của đuôi thu được không hề có vết cháy nhưng Giáo sư Waldock cho rằng điều đó cũng không đủ để khẳng định rằng máy bay có bị cháy, nổ trước khi rơi hay không.

Thông thường khi khoang hành khách bị cháy, nổ khi đang bay, lửa ít khi lan tới phần cánh đuôi. Việc nghiên cứu các vết rạn nứt và xé rách trên tấm cánh đuôi sẽ cho biết cường độ và phương của lực đã tác động gây vỡ phần đuôi máy bay.

Khám nghiệm tử thi

Việc phẫu thuật các tử thi nạn nhân của vụ tai nạn máy bay này cũng cho nhiều thông tin quí giá về nguyên nhân khiến máy bay rơi. Theo ông Peter Goelz, cựu Tổng Giám đốc Cục An toàn Vận tải Quốc gia, Hoa Kỳ, việc khám nghiệm các tử thi sẽ biết được vị trí ngồi của hành khách này trên máy bay.

Các vết thương, vết xây xước trên cơ thể nạn nhân cho biết nhiều thông tin về tình trạng máy bay lúc gặp nạn. Phẫu thuật các tử thi sẽ biết được nguyên nhân gây chết đối với nạn nhân.

Chẳng hạn nếu tìm thấy dấu hiệu chết do ngạt nước có thể suy đoán nạn nhân còn sống sau khi máy bay rơi xuống biển. Nếu trong phổi các nạn nhân có các khí độc, có thể nghĩ ngay đến việc máy bay bị cháy, nổ khi đang bay. Nếu trên các mảnh vỡ, vật dụng, quần áo, thân thể các nạn nhân dính thuốc nổ, có thể xác định ngay được nguyên nhân tai nạn là bị đánh bom khủng bố.

Ông Peter Goelz cho biết, hồi năm 1996, các chuyên gia điều tra nguyên nhân vụ tai nạn máy bay của hãng TWA chuyến bay TWA 800 rơi xuống biển ngoài khơi Long Island, New York, Hoa Kỳ, tìm được nguyên nhân tai nạn nhờ khám nghiệm tử thi.

Khi đó, các chuyên gia nhận thấy những nạn nhân ngồi trong hàng ghế số 30 đều bị bỏng chớp nhoáng. Kết hợp với các vết nứt vỡ thân máy bay và nhiều thông tin khác, các nhà điều tra khẳng định chính xác nguyên nhân tai nạn bắt đầu từ mũi máy bay. Theo đó, mũi máy bay bị vỡ và lửa từ thùng nhiên liệu đã bị thổi về phía sau táp vào những hành khách ngồi trên hàng ghế số 30.

Còn ba tuần để vớt hộp đen

Hiện nay hai thiết bị dò ánh sáng và âm thanh dưới nước của Mỹ đang được vận chuyển ra vùng biển nơi chiếc máy bay A-330-200 rơi. Mỗi thiết bị này dài 1,5 m nặng 32 kg. Dự kiến một chiếc sẽ được đưa lên tàu chiến của Brazil, chiếc kia lên tàu của Pháp.

Hải quân Mỹ cho biết hai thiết bị này có khả năng phát hiện được ánh sáng từ chiếc hộp đen phát ra ở độ sâu 6.100 m nước. Mỗi thiết bị được nối với nhiều dây cáp và dây điện rồi được thả chìm sâu xuống nước để các tàu kéo đi.

Trên tàu, 10 chuyên gia kỹ thuật sẽ điều khiển thiết bị đó thông qua máy tính đặt trên tàu nổi. Khi tìm được vị trí hộp đen máy bay, dự kiến tàu thám hiểm đại dương Pourquoi Pas của Pháp sẽ thực hiện việc trục vớt hộp đen. Tuy nhiên, việc trục vớt hộp đen phải rất khẩn trương vì các số liệu trong hộp đen chỉ còn lưu giữ được ba tuần nữa.

MỚI - NÓNG