Bắt đầu 10 ngày kiểm tra trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu

Bắt đầu 10 ngày kiểm tra trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu
TPO - Từ hôm nay (12/3), Tổng cục Đường bộ sẽ bắt đầu kiểm tra, giám sát hoạt động thu phí tại trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu trong thời gian 10 ngày. Vậy, đoàn kiểm tra sẽ giảm sát những gì? Dự án này ra sao, nhà đầu tư là ai?

Cục Quản lý Đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ), vừa có quyết định kiểm tra, giám sát đối với trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ cầu Rạch Miễu (QL60 thuộc địa bàn tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre), do Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu quản lý và khai thác.

Với lưu lượng giao thông rất lớn, cầu Rạch Miễu là con đường huyết mạch nối các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh... với TPHCM. Đây được đánh giá là 'con gà đẻ trứng vàng' với các nhà đầu tư. 

Đoàn kiểm tra, giám sát do ông Nguyễn Đình Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đường bộ IV làm trưởng đoàn với sự tham gia của đại diện Cục An ninh Kinh tế tổng hợp (Bộ Công an), đại diện Cục Thuế tỉnh Bến Tre. Trong vòng 10 ngày, bắt đầu từ ngày 12 - 22/3, đoàn kiểm tra sẽ kiểm tra, giám sát công tác thu và doanh thu đối với trạm trên.

Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát công tác thu phí và doanh thu đối với trạm thu phí cầu Rạch Miễu, các nội dung như: Tiền lẻ đổi trả, xé vé và thu hồi vé, bán vé ngoài cabin, lữu trữ thông tin, dữ liệu hình ảnh, kiểm đếm xe thực tế để so sánh...

Đoàn kiềm tra lập biên bản, kiến nghị xử lý theo quy định. Trong quá trình thực hiện, trưởng đoàn kiểm tra được quyền thay đổi, bổ sung thành viên để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát thuộc thẩm quyền quản lý của Cục Quản lý Đường bộ IV.

Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT có nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn khu vực trạm thu giá trong quá trình đoàn kiểm tra, giám sát; cử tối thiểu 3 lãnh đạo và 3 cán bộ có trách nhiệm thay mặt công ty tham gia giám sát và ký biên bản xác nhận doanh thu của từng ca (mỗi ca 2 người).

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý Đường bộ IV, mục đích của việc kiểm tra, giám sát nhằm đánh giá doanh thu thực tế tại trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ, hệ thống thiết bị thu giá nhất là công nghệ thu giá đang áp dụng. Qua đó kiến nghị các cơ quan quản lý liên quan có biện pháp khắc phục những tồn tại, khuyết điểm, xử lý vi phạm (nếu có) góp phần nâng cao tính minh bạch trong công tác thu phí đường bộ.

Dự án BOT cầu Rạch Miễu được khởi công ngày 30/4/2002, chính thức thi công vào tháng 7/2004, thông xe kỹ thuật tháng 8/2008 và bắt đầu thu phí từ ngày 2/4/2009.

BOT cầu Rạch Miễu gồm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 là phần cầu và đường dẫn (dài 8,3km), sau đó Bộ GTVT ký hợp đồng với nhà đầu tư bổ sung giai đoạn 2 với các đoạn tuyến kết nối khác lên cầu và mở rộng, nâng cấp QL60 (tổng chiều dài 22,3km).

Tổng mức đầu tư toàn dự án hơn 3.055 tỷ đồng, sau quyết toán giảm còn 2.939 tỷ đồng. Hiện giai đoạn 1 đã quyết toán tổng giá trị 1.187 tỷ đồng, còn giai đoạn 2 đang quá trình xây dựng.

Trong phần vốn giai đoạn 1, vốn nhà đầu tư 350 tỷ đồng, vốn nhà nước hỗ trợ 711 tỷ đồng.

Giai đoạn 1 ban đầu có thời gian thu phí thu hồi vốn là 19 năm 10 tháng, sau duyệt điều chỉnh và quyết toán thời gian thu phí còn 13 năm 5 tháng. Giai đoạn 2 dự kiến thời gian thu phí 14 năm 8 tháng.

Ban đầu, nhà đầu tư dự án này là Liên danh gồm: Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 (Cienco1), Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 6 (Cienco6) và Công ty CP Đầu tư 577 (thành viên Cienco5). Với doanh nghiệp dự án là Cty BOT cầu Rạch Miễu.

Năm 2014, cả 3 ông lớn Cienco của Bộ GTVT bất ngờ rút lui. Thay vào đó, Công ty CP Thương mại Nước giải khát Khánh An thế chân Cienco1 nắm 51% cổ phần; 49% còn lại thuộc về Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (Mã chứng khoán: CII). Sau đó, CII mua lại 2% cổ phần của Khánh An để nắm chi phối 51% vốn.

CII hiện là nhà đầu tư một số dự ân giao thông như: Xa lộ Hà Nội, cầu Bình Triệu 2, BOT Ninh Thuận...  Còn Công ty Khánh An biết tới khi tham gia mua cổ phần tại Cienco1.

Trước đó, vào năm 2018, trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu từng bị một số lái xe tập trung phản đối, với cách dùng tiền lẻ trả tiền phí qua trạm...

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.