Gần hai chục năm…
Theo bản đồ lập năm 1959, cái ao rộng 279m2 tại thửa 71, tờ bản đồ số 2, thôn Ái Mộ, xã Hồng Tiến (nay là phường Ngọc Lâm), huyện Gia Lâm (nay là quận Long Biên), TP Hà Nội thuộc quyền sở hữu của ông Nguyễn Huy Tại. Sau này, cái ao được gia đình bà Lưu Thị Sâm (hàng xóm liền kề) san lấp, chiếm dụng.
Năm 1993, sau quá trình san lấp, gia đình bà Sâm xây dựng công trình kiên cố trên diện tích nguyên là cái ao, gia đình ông Tại lập tức có đơn đề nghị chính quyền yêu cầu nhà bà Sâm trả đất cho nhà ông Tại. Sau nhiều lần cấp thị trấn hòa giải không thành, năm 1996, UBND huyện Gia Lâm ra Quyết định số 681/QĐ-UB, xác định thửa đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng của ông Tạo; ông Tạo phải đền bù công tôn tạo và hoa màu cho bà Sâm.
Gia đình bà Sâm tiếp tục khiếu nại, đến năm 2010, sau gần hai chục năm tranh chấp, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 4354/QĐ-UBND, giữ nguyên nội dung quyết định trước đấy của cấp huyện. Theo Luật Khiếu nại - Tố cáo và Luật Đất đai, trong việc giải quyết tranh chấp, đây là quyết định cuối cùng.
“Giám đốc thẩm”?
Ngày 23-9-2011, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi Bộ TN&MT, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng: Giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với UBND TP Hà Nội “kiểm tra lại việc giải quyết khiếu nại của bà Lưu Thị Sâm, đề xuất biện pháp giải quyết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.
Ngày 23-12-2011, ông Chu Phạm Ngọc Hiển - Thứ trưởng Bộ TN&MT đã ký văn bản số 4827/BTNMT-TTr, gửi Thủ tướng Chính phủ, báo cáo kết quả thẩm tra, xác minh việc giải quyết khiếu nại của bà Lưu Thị Sâm.
Văn bản của Thứ trưởng Bộ TN&MT xác định khác 180 độ với các quyết định giải quyết khiếu nại trước đấy của các cấp chính quyền TP Hà Nội: Cần bác yêu cầu của ông Tại, và công nhận thửa đất đang tranh chấp thuộc quyền sử dụng của bà Sâm.
Bất cập về thẩm quyền
Văn bản của Thứ trưởng Bộ TN&MT tuy có điểm lại quá trình giải quyết tranh chấp của các cấp chính quyền Hà Nội, song hoàn toàn không nhận định: Giải quyết như vậy đã tuân thủ đúng đủ trình tự, thủ tục, thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai chưa, trong khi đây chính là nội dung quan trọng Thủ tướng yêu cầu: kiểm tra lại việc giải quyết khiếu nại.
Văn bản này cũng không một chữ nào nhắc đến ý kiến của UBND TP Hà Nội - cơ quan được Thủ tướng yêu cầu phối hợp với Bộ TN&MT thẩm tra lại quá trình giải quyết khiếu nại trước đấy.
Như vậy, văn bản của Thứ trưởng Bộ TN&MT đã bỏ qua nhiều nội dung Thủ tướng yêu cầu, chỉ vội đi vào nhận định: đất đang tranh chấp là của bà Sâm hay của ông Tại!
Sai lệch về nội dung
Thứ trưởng Bộ TN&MT nhận định thửa đất đang có tranh chấp “gia đình ông Tại không sử dụng từ năm 1960 đến nay”, lấy đây làm cớ để bác bỏ yêu cầu đòi quyền sử dụng đất của ông Tại.
Quá trình giải quyết tranh chấp, các cấp chính quyền địa phương đã làm rõ: Trong sổ địa bạ HTX Ái Mộ lập từ năm 1959 để theo dõi ruộng đất từ năm 1959 đến 1993, tại tờ bản đồ số 1 và số 2 ghi rõ “Thửa đất số 71, diện tích 297m2 (12 thước), loại đất ao, sở hữu chủ là ông Nguyễn Huy Tại”.
Điều này phù hợp ý kiến một số cán bộ địa phương: “Gia đình ông Tại có cái ao liền kề ao của HTX Ái Mộ. Gia đình ông Tại là hộ cá thể, không vào HTX. Do bờ ao vỡ, khi HTX thả cá, có sử dụng ao của ông Tại, và nộp sản lượng cho ông.
HTX chưa bao giờ quản lý phần ao này, khi Nhà nước thu hồi đất, HTX cũng không bàn giao phần đất của gia đình ông Tại” (HTX Ái Mộ tồn tại đến năm 1991 mới giải thể).
Vật chứng, nhân chứng như vậy, không thể kết luận thửa đất tranh chấp “gia đình ông Tại không sử dụng từ năm 1960 đến nay”.
Sau khi Bộ TN&MT có văn bản trên, được biết UBND TP Hà Nội có ý kiến không đồng tình, gia đình ông Tại cũng đã có đơn khiếu nại gửi Thủ tướng Chính phủ. Đã gần hai mươi năm, vụ tranh chấp đáng lý có thể kết thúc, thì lại bất ngờ sang một “chương” mới…
Có thể nói vụ việc cho thấy việc giải quyết khiếu nại nói chung, và giải quyết tranh chấp đất đai nói riêng vẫn còn rất nhiều bất cập. Điều đó đôi khi dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc, không dừng ở tranh chấp dân sự đơn thuần mà còn có thể gây bất ổn về an ninh trật tự, rất đáng quan tâm. |