Mua sắm xe công sao cho hợp lý và tránh tình trạng gia tăng số lượng xe công đột biến là chủ đề từ lâu đã được dư luận quan tâm. Nếu như năm 2012, gần 2.400 xe công mới được mua với giá trị trên 2.700 tỷ đồng, thì năm 2013, con số này tương ứng giảm 1 nửa theo chính sách cắt giảm chi tiêu của Chính phủ.
Tuy nhiên tại diễn đàn Quốc hội kỳ này, không ít đại biểu vẫn băn khoăn về các biện pháp mà Bộ Tài chính áp dụng để siết chặt quản lý việc mua sắm xe mới. Bên cạnh đó, việc số lượng xe mua tới 1.300 chiếc năm 2013 được cho là vẫn còn quá nhiều, khi mà chúng ta phải siết chặt chi tiêu từ ngân sách.
Ngoài ra, biện pháp được trông chờ để giảm xe công là khoán số xe thì lại chưa bắt buộc, nên dù Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 59 vào năm 2007 cho phép các chức danh từ
Trao đổi với PV VOV, ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho rằng, cần phải sớm thực hiện bắt buộc đối với quy định khoán xe công và đưa số xe công về mức 10.000 xe.
1.300 tỷ đồng mua xe công
PV: Chủ trương của chúng ta là tiết kiệm chi tiêu ngân sách, trong đó có việc hạn chế mua thêm các xe công. Tuy nhiên năm 2013, theo báo cáo của Bộ Tài chính thì có gần 1500 xe công mới được mua sắm với số tiền trên 1.300 tỷ đồng. Một số đại biểu quốc hội phàn nàn rằng mức mua sắm thế là vẫn quá nhiều. Vậy ông giải thích thế nào về điều này?
Ông Trần Đức Thắng: Chủ trương mua sắm xe ô tô công đã được nêu trong các chính sách được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành và được thực hiện rất nghiêm túc trong thời gian vừa qua. Năm 2013, với số lượng xe mua mới trên 1.000 xe thì đây chủ yếu là xe chuyên dùng phục vụ công tác đặc thù, hầu như không có xe phục vụ công tác cho chức danh và phục vụ công tác chung.
PV: Điều mà những người đóng thuế quan tâm là vậy nhà nước có công cụ gì để kiểm soát điều như ông vừa nói, ví dụ như về số lượng, giá xe có vượt tiêu chuẩn hay không, vì hiện nay chỉ 1 số xe được mua với mức 1,1 tỷ đồng nhưng số lượng ít, còn đa phần mua ở mức 900 triệu đồng/xe.
Ông Trần Đức Thắng: Tại Quyết định số 59 và 61 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định rất rõ về mức giá được mua xe đối với từng chức danh phục vụ công tác. Cơ quan tài chính của Bộ Tài chính cũng thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi rất chặt chẽ với việc này. Do vậy hầu như không có chuyện mua xe vượt giá, vượt tiêu chuẩn định mức. Hiện nay, các cơ quan đơn vị chỉ được mua sắm xe ô tô phục vụ công tác trong trường hợp đã được bố trí dự toán và mua sắm cũng theo giá mà đã được quy định. Trong trường hợp mua xe vượt giá quy định thì cơ quan kho bạc, cơ quan thuộc Bộ Tài chính thực hiện chức năng kiểm soát chi, sẽ không thực hiện thanh toán đối với các trường hợp mua vượt giá.
Do vậy, trong thời gian vừa qua, chỉ có 1 số ít cơ quan đơn vị có nguồn kinh phí, ví dụ như kinh phí sự nghiệp, việc kiểm soát không hoàn toàn qua kho bạc, đã có một vài trường hợp mua vượt giá. Tất cả những trường hợp này, Cục Quản lý công sản cũng đã phát hiện và có chấn chỉnh, thu hồi đối với số tiền mua vượt, đồng thời xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc mua sắm vượt giá quy định.
Khó thực hiện khoán xe công
PV: Hiện nay so với các nước trong khu vực thì đầu xe của chúng ta trên số cán bộ được phép sử dụng xe công thì cao hơn mức trung bình của các nước trong khu vực. Mục tiêu của chúng ta là phải giảm số đầu xe này. Có một biện pháp mà Thủ tướng đã quy định trong Quyết định số 59 là khoán xe công từ 2007, tuy nhiên cho đến nay việc thực hiện vẫn đạt thấp. Vậy lý do tại sao, thưa ông?
Ông Trần Đức Thắng: Số lượng xe công ở nước ta hiện nay so với các nước trong khu vực và thế giới là ở mức khá cao. Riêng xe ô tô ở các cơ quan hành chính, đơn vị xử nghiệp, chưa kể xe an ninh quốc phòng, là có khoảng 37.000 xe, đây là số liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia của Bộ Tài chính.
Quyết định số 59 và 61 của Thủ tướng đã có quy định về khoán xe ô tô công đối với các chức danh được sử dụng ô tô phục vụ công tác. Tuy nhiên, quy định khoán xe này chỉ mang tính khuyến khích, không bắt buộc. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu để sửa đổi quy định hiện hành về xe ô tô công. Chúng tôi cũng đang soạn dự thảo báo cáo Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ cho phép quy định theo hướng bắt buộc, khoán xe ô tô đối với một số chức danh, nhất là đối với xe phục vụ công tác chung.
Trong tổng số 37.000 xe, có khoảng 26.000 xe phục vụ công tác chung, xe phục vụ chức danh chỉ có khoảng 2.000 xe. Cục Quản lý công sản đang có định hướng: đối với xe phục vụ công tác chung tại một số vùng miền có thể sử dụng được xe cá nhân, dịch vụ xe công cộng thì sẽ quy định khoán số xe. Cũng theo tính toán của Cục Quản lý công sản, nếu thực hiện khoán xe đối với 26.000 xe công tác trong thời gian tới, mỗi năm ngân sách cũng sẽ tiết kiệm chi được hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, với thực tế hiện nay tính trên cơ sở chi phí cho 1 km xe công với giá bình quân của xe taxi, mỗi năm ngân sách nhà nước sẽ tiết kiệm được khoảng 1.500 tỷ đồng.
PV: Vậy, cụ thể thì Bộ Tài chính khi nào sẽ trình dự thảo này để sớm đi vào thực tiễn, thưa ông?
Ông Trần Đức Thắng: Khoán xe là quy định cần phải làm, song cũng phụ thuộc vào nhiều điều kiện như xe dịch vụ công. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn phải đạt yêu cầu quan trọng nhất là đảm bảo hoạt động của các cơ quan nhà nước, cán bộ phục vụ công tác. Tuy nhiên những nơi như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, những thành phố lớn có dịch vụ xe công tốt, trước mắt có thể áp dụng đối với những khu vực đó. Còn những địa bàn vùng sâu vùng xa thì có lẽ phải để một thời gian nữa. Việc này cần nghiên cứu kỹ để có thể đưa ra một lộ trình thực hiện phù hợp.
PV: Ông vừa cho biết là chúng ta có thể tiết kiệm được khoảng 1.500 tỷ đồng, một số tiền rất lớn nếu sớm thực hiện khoán xe công. Tuy nhiên, 26.000 xe sử dụng chung sẽ được sử dụng vào việc gì, hoặc sẽ thanh lý như thế nào? Bên cạnh đó, còn những lái xe, những người hưởng lương từ ngân sách, vậy 1.500 tỷ đồng đã trừ đi khoản lương cho họ hay chưa?
Ông Trần Đức Thắng: Đây cũng là một vấn đề cần tính đến trong quá trình thực hiện. Ngay tại Quyết định 59 và 61 của Thủ tướng cũng đã có những quy định về việc thành lập đoàn xe phục vụ chung. Ví dụ trên một địa bàn, một tỉnh, ta gộp chung toàn bộ những xe đó vào để cung cấp dịch vụ đối với xe công. Theo đó, ngoài hoạt động phục vụ cho các cơ quan nhà nước, các chức danh đủ tiêu chuẩn sử dụng, thì loạt xe công đó có thể sử dụng cho các dịch vụ xã hội.
Sau khi những xe công đó hết khấu hao, ta sẽ chuyển loạt xe đó sang sử dụng cho dịch vụ cung cấp xe cho các cơ quan nhà nước bình thường. Có thể mở ra một đơn vị sự nghiệp hoặc thậm chí một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xe công cho nhà nước và các tổ chức cá nhân khác có nhu cầu sử dụng.
Giám đốc Sở vẫn có xe công đưa đón đi làm
PV: Các chức danh được quy định sử dụng xe công đã rất rõ. Ví dụ như từ cấp Chủ tịch tỉnh, Bí thư hay Phó bí thư thì mới được có xe riêng đưa đón đi làm. Tuy nhiên ở một số địa phương vẫn có chuyện là Giám đốc các sở ngành vẫn có xe đưa đón đi làm. Vậy ở góc độ đơn vị quản lý công sản, ông có bình luận gì?
Ông Trần Đức Thắng: Quy định của Thủ tướng đã nêu rõ, ngoài xe phục vụ công tác chung, các xe phục vụ chức danh đối với các địa phương thì ngoài Hà Nội, TP HCM, các tỉnh còn lại với chức danh từ Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Phó bí thư được sử dụng xe ô tô đưa đón đi làm. Còn các chức danh khác thì không được đưa đón mà chỉ được bố trí phục vụ khi đi công tác.
Tuy nhiên, theo phản ánh của báo chí, cũng như qua kiểm tra, Cục Quản lý công sản đã phát hiện ra còn một số địa phương vẫn bố trí xe cho các chức danh như Phó chủ tịch tỉnh, trưởng các sở, ban, ngành,… Việc đó là không đúng theo quy định của Thủ tướng.
Trước tình trạng này, với tư cách là cơ quan tham mưu, ban hành chính sách thì Cục Quản lý công sản cũng thường xuyên tuyên truyền chính sách đến các cơ quan, đơn vị được sử dụng xe để làm sao bố trí, sử dụng cho đúng.
Tuy nhiên, chúng tôi rất mong có sự vào cuộc, giám sát của người dân và các cơ quan báo chí để phản ánh kịp thời với những trường hợp bố trí sử dụng xe không đúng mục đích, nhằm đạt mục tiêu quản lý sử dụng, tiết kiệm hiệu quả theo đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
PV: Xin chân trọng cảm ơn ông!
Nếu bắt buộc khoán xe công, ngân sách nhà nước sẽ tiết kiệm được tới 1.500 tỷ đồng mỗi năm, một số tiền rất lớn trong thời điểm ngân sách công còn hạn hẹp. Do vậy cần sớm quy định bắt buộc về khoán xe công, có lẽ việc thí điểm ở những thành phố lớn là bước đi hợp lý. Song quan trọng hơn là kỷ luật ngân sách, kỷ luật sử dụng tài sản nhà nước phải được thực hiện nghiêm, trong đó có việc sử dụng xe công tại địa phương và bộ ngành