Bắt bệnh không trung thực trong giáo dục: 'Bốc thuốc'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bệnh sính thành tích dẫn đến thực trạng nền giáo dục thiếu trung thực khởi phát từ nhà trường, gia đình và xã hội. Dẫu ngành đã khởi động công cuộc đổi mới căn bản và tương đối toàn diện hòng thổi luồng gió mới vào thực tiễn dạy học ở trường phổ thông nhưng lực cản vô hình vẫn hằn thêm vết lồi lõm xấu xí trên con đường tiến về khát vọng 3 thật mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra trong giáo dục.

Giỏi áp đảo, khá... cá biệt

Năm học vừa qua, nhiều trường học ở TPHCM có số học sinh đạt học lực Giỏi chiếm hơn 90%. Số học sinh có học lực khá và trung bình đếm trên đầu ngón tay. Thậm chí với khối lớp 10, có trường chỉ 1 học sinh có học lực khá, còn lại đạt học lực giỏi.

Cụ thể, năm học 2021-2022, ở khối lớp 10, Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa có 504 học sinh thì có 481 học sinh đạt học lực giỏi, tỉ lệ 95,4%. Trong khi đó, ở Trường THPT Lê Quý Đôn, lớp 10 có 398 học sinh thì có 359 học sinh đạt học lực giỏi, tỉ lệ 90,2%. Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền có 610 học sinh thì có 546 học sinh đạt học lực giỏi, tỷ lệ 89,5%. Đáng chú ý, ở Trường TH-THCS-THPT Mùa Xuân (Wellspring) có tới 98,4% học sinh lớp 11 đạt loại giỏi (62/63 em đạt giỏi, chỉ 1 học sinh khá)...

Bắt đầu từ đâu?

Các biểu hiện tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục đã và đang làm xói mòn các nguyên tắc cơ bản của giáo dục và gây tác hại lâu dài cho xã hội.

Theo nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội, ngành giáo dục cần thực hiện “5 bỏ” để giảm áp lực cho giáo viên và nhà trường như: Bỏ áp đặt chỉ tiêu thi đua, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện tham gia thi đua của tập thể, cá nhân theo quy định; Bỏ khen thưởng ở cấp cơ sở, quận, huyện, tỉnh..., chỉ giữ lại khen thưởng ở cấp Trung ương; Bỏ các cuộc thi “giáo viên dạy giỏi”, “giáo viên chủ nhiệm giỏi”, “tổng phụ trách giỏi”...; Bỏ việc “dự giờ theo chuyên đề cấp quận, huyện” vì thực tế hoạt động này không học tập được gì, thường tâng bốc hoặc soi mói lẫn nhau, phản tác dụng; Bỏ việc kiểm tra cấp phòng, cấp sở các loại sổ sách của giáo viên, của trường. Trao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục về việc này.

Bắt bệnh không trung thực trong giáo dục: 'Bốc thuốc' ảnh 1

Thế hệ tương lai cần được đánh giá đúng thực chất. Ảnh: Ulis

Còn theo cô Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội sự thiếu trung thực luôn có nguồn gốc từ nỗi sợ hãi, tính lười biếng hoặc lòng tham của con người. Thầy thích tiền, thích thành tích, trò mong điểm cao… đó là lòng tham khiến họ dạy và học gian dối; bệnh thành tích cũng là nguyên nhân chính đưa tới những phong trào chỉ để ghi tên vào báo cáo cuối năm học.

Giáo viên kém năng lực sợ bị coi thường; kém cỏi về nhân cách sợ lộ diện… đó là nỗi sợ khiến họ bịa đặt những trích ngang giả dối, học vị rởm…

Thầy lười, trò lười… nên tình trạng đạo văn, giáo án, đề thi…, ngang nhiên sử dụng sản phẩm trí tuệ của người khác vì lợi ích bản thân… diễn ra công khai. Nhìn thấy nguyên nhân, nhưng để trị tận gốc sự lười biếng, lòng tham và nỗi sợ hãi hèn đớn của con người - đó không hề là việc dễ dàng.

“Trên nền tảng của việc học thực chất, dùng người đúng theo năng lực, khi đó người tài sẽ xuất hiện, người tài sẽ được bồi dưỡng. Khi việc dùng người đúng năng lực, đánh giá đúng phẩm chất, khi đó tài năng thực sẽ nở rộ”

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

“Việc đổi mới triệt để phương pháp dạy và học, công tác kiểm tra đánh giá… là một trong những cách làm hữu ích nhất, buộc thầy và trò phải hướng tới việc dạy và học trung thực”, cô Trịnh Thu Tuyết nhận xét. Bên cạnh đó, cô Tuyết cho rằng, cần giảm thiểu những sổ sách giấy tờ nặng tính hình thức. Trong khi ý thức tự giáo dục chưa cao, kết quả giáo dục còn hạn chế, rất cần có những chế tài nghiêm khắc của ngành hoặc của luật pháp để dần khắc phục tình trạng thiếu trung thực trong giáo dục.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khi đưa ra giải pháp cấp ngành hướng đến thực hiện 3 thật thì cho biết, nói như thế không phải là toàn bộ nền giáo dục lúc này là hư rỗng. Vẫn có số đông, rất đông đang dạy thật, học thật, năng lực thật. Nhưng vẫn còn đó nhiều trường, nhiều người học có danh mà không có thực, có bằng mà không có chất, “thực không xứng danh, danh không xứng thực”.

Thủ tướng yêu cầu ngành giáo dục cần thực chất hơn, loại bỏ những tiêu cực, bệnh hình thức gây nhức nhối. Để làm được điều đó ngành giáo dục cần có sự chuyển hóa về chất.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, để có được sự chuyển hóa đó, Bộ GD&ĐT có rất nhiều việc phải làm. Trước hết, Bộ sẽ phải xem xét điều chỉnh rà soát lại nội dung dạy và học, dạy cái thiết thực, giảm và tiến tới bỏ hẳn cái hình thức, phù phiếm, vô bổ.

Bậc phổ thông thì chú trọng dạy làm người, biết tu dưỡng, sống có chí hướng, có đạo đức, dạy kiến thức cơ bản, khả năng tự thích ứng và phát triển bản thân.

Bậc ĐH thì từ khâu xây dựng chương trình, tới thiết kế chuẩn đầu ra, tới đặt từng môn học sao cho sát hợp thực tiễn. Học đi đôi với hành, thực tập thực tế cho đầy đủ, thực chất. Cần lấy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo làm nền tảng để tạo ra chất lượng. Cần nuôi khát vọng, chí hướng và tinh thần khởi nghiệp; thay đổi phương pháp để sao cho người học tiếp thu tốt nhất, thích học, biết học để làm gì, học ngành nghề phù hợp với năng lực sở trường của mình.

Học để biết, học để làm việc, học để phát triển phẩm chất năng lực bản thân chứ không phải vì điểm số, không phải học chỉ để thi, học để có bằng cấp chứng chỉ.

Ngành cũng cần phải có đội ngũ giáo viên giỏi, năng lực thực và có thu nhập xứng đáng, yên tâm với nghề. Hai điều này chính là thực lực của ngành giáo dục. Có tạo được cái thực đó mới vực được chất lượng lên, mới đề cao được thực học.

Vẫn theo người đứng đầu ngành giáo dục đào tạo, một thực tế rất quan trọng khác đang trực tiếp triệt tiêu động lực của việc học thật, thi thật chính là việc nhiều đơn vị và tổ chức tuyển người, dùng người, đánh giá người còn dựa trên bằng cấp, chưa coi trọng thực sự trình độ thực.

Nếu dùng người chỉ căn cứ theo năng lực thật, theo phẩm chất thì việc dạy và học sẽ chuyển động theo một cách nhanh chóng.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.