Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung hôm 9/1 giao Hội nghị của Sở Thông tin Hà Nội đánh giá kết quả, tác dụng của việc dùng loa truyền thanh ở cấp phường. Ông Nguyễn Đức Chung cho rằng "loa phường đã hoàn thành sứ mệnh", nơi nào không còn hiệu quả thì cơ quan chức năng mạnh dạn đề xuất xóa bỏ.
Thực tế, loa phường ở Hà Nội đã là chủ đề xuất hiện trên một số báo phương Tây. "Nhiều dấu tích của thời chiến dần phai nhạt tại đất nước Việt Nam đang hiện đại hóa nhanh chóng, nhưng có một thứ vẫn còn: mạng lưới loa phóng thanh trên khắp cả nước, phát vào sáng và chiều, dù người dân có chú ý nghe hay không", phóng viên AP viết.
Reuters nhắc đến lịch sử của loa phường khi chúng được sử dụng vào thời chiến những năm 1960 và 1970 để thông báo tin tức từ tiền tuyến và cảnh báo người dân đi trú ẩn khi máy bay Mỹ ném bom.
Chương trình phát thanh hàng ngày bắt đầu bằng một giọng nam hay nữ lịch sự nói "thưa quý vị thính giả" và kết thúc bằng câu "cảm ơn các bạn đã nghe chương trình", sau khi thông báo về các chủ đề như cuộc họp Đảng ủy thành phố, phòng chống dịch cúm gia cầm, chế độ vitamin, vệ sinh và nhắc nhở tiêm phòng dại. Người cao tuổi nghe loa phường để biết thời gian nhận lương hưu, đôi khi loa phường cũng phát thanh những bài hát ca ngợi đất nước, Reuters viết.
Hãng tin cũng viết rằng hệ thống loa được sử dụng rộng rãi để cung cấp thông tin cộng đồng ở các làng quê và thị xã nông thôn, nhưng ở Hà Nội, nhiều người dân khó chịu về tiếng loa hoặc chẳng buồn nghe. Loa phóng thanh đã lỗi thời với một số người trong thời đại mà Việt Nam có băng thông rộng, kết nối Internet không dây, truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh, hàng trăm tờ báo và tạp chí.
"Có vẻ không ai trên vỉa hè đông đúc tại phố cổ Hà Nội nghe tiếng rè rè nhiều tạp âm đến từ những chiếc loa bị che khuất bởi cây xanh", Reuters viết.
AP đã phỏng vấn người dân Hà Nội và miêu tả những rắc rối mà họ gặp với loa phường.
Cứ khoảng 16h hàng ngày, bà Hoang Thi Gai ru cháu nội 5 tháng tuổi ngủ để bà đi nấu cơm chiều. Đứa bé vừa ngủ khoảng 15 phút thì tiếng loa oang oang vang lên ngay bên ngoài nhà bà. "Thằng bé khóc thét cả lên, mặt mày tím cả", bà Gai nói. "Mãi mà nó vẫn không quen được".
"Tôi phải thừa nhận rằng những người sống gần những cái loa rất khổ. Tiếng loa cứ xói vào tai họ", một quan chức địa phương tên Pham Van Hien nói.
"Thử tưởng tượng nếu nhà anh ở cạnh cái loa, ai đó trong nhà anh ốm thập tử nhất sinh mà ngày ngày được nghe bài hát Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay mà xem'", một cư dân Hà Nội tên là Tran Hung viết. "Thật kinh khủng. Nếu hàng xóm nhà tôi mà gây ồn như thế, tôi sẽ đưa họ ra tòa".
Cứ đến 7 giờ sáng, khi tiếng loa phường vang lên, cô gái Nguyen Thi Oanh lại vùi đầu vào trong chăn. "Ai mà quan tâm đến những tin họ đọc?", cô nói. "Âm thanh thì chán, nghe cứ như bị ngạt mũi".
Còn bà Nguyen Thi Phương thì vẫn nhớ tới những ký ức thời chiến. "Mỗi khi có loa báo động, chúng tôi lao xuống hầm để tránh bom", bà kể. "Những cái loa ấy đã cứu mạng bao người".
Nhưng bây giờ, chúng lại gây phiền toái, bà Phuong nói. "Đưa thông tin lên mạng là ý tưởng tốt".
Du khách nước ngoài cũng bày tỏ suy nghĩ về những chiếc loa xuất hiện trên khắp phố phường. Phóng viên ảnh Terence Carter viết trênIndependent rằng khi vợ chồng anh đến Việt Nam, hầu hết buổi sáng họ bị đánh thức vào 6h45 bởi tiếng loa phường oang oang. Anh cũng nhận xét rằng Hà Nội là một nơi luôn ồn ã, với tiếng xe máy, tiếng rao hàng của người bán rong và tiếng nhạc xập xình cùng giọng hát không mấy dễ chịu từ các quán karaoke.
"Tiếng ồn có thể kéo dài đến tận 5h sáng. Hai giờ yên tĩnh cho đến khi tiếng loa sáng vang lên là hai giờ ngủ ngon nhất của chúng tôi", anh viết.
"Loa phường là thứ đầu tiên cần được đưa vào bảo tàng lịch sử, vì chúng không còn hữu dụng nữa và hoàn toàn không cần thiết trong thời đại Internet", Reuters dẫn lời một người tên là Manh Ha nói.
"Nhưng chúng cũng có thể là thứ để nhớ về quá khứ", ông nói thêm.