Bão số 6 giật cấp 14-15: Chủ động cấm biển, cho học sinh nghỉ học

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương chủ động cấm biển, sơ tán dân khỏi khu vực nguy hiểm, cho học sinh nghỉ học để ứng phó với bão.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương chủ động cấm biển, sơ tán dân khỏi khu vực nguy hiểm, cho học sinh nghỉ học để ứng phó với bão.
TPO - Trước khả năng bão số 6 rất mạnh trên biển, sẽ đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung bộ ngày 10/11 tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương tùy thực tế để chủ động cấm biển, cho học sinh nghỉ học, sơ tán dân khỏi khu vực nguy hiểm.

Sáng 8/11, tại cuộc họp ứng phó với bão số 6, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, cùng với cơn bão số 6 (bão Nakri) ở biển Đông, hiện còn 3 cơn bão khác trên các đại dương.  

Do các hình thái này tác động nên bão số 6 rất phức tạp, cường đội thay đổi liên tục, với xu thế mạnh lên.Cùng thời điểm nay, trùng với điểm tác động của không khí lạnh trước khi bão vào, và lúc bão gần bờ lại gặp không khí lạnh tăng cường.

“Rất hiếm khi gặp cơn bão nào đi về hướng Đông lại quặt sang Tây. Rạng sáng nay 8/11, bão số 6 đã quay đầu, hướng về Tây, thắng tiến về miền Trung”, ông Khiêm nói.

Theo ông Khiêm, về cường độ, và thời điểm đổ bộ của Nhật, Mỹ, Hồng Kông, Trung Quốc đều phân tán, không thống nhất. Ngoài ra, thời điểm độ bộ cũng khác, có sự chênh lệch 6-12 tiếng giữa các đài dự báo.

Nhật Bản dự báo bão số 6 mạnh nhất là cấp 12, đổ bộ vào đất liền Nam Trung bộ vào chiều tối 10/11 với cường độ cấp 9. Đài Hồng Kông cho rằng mạnh nhất cấp 12, đổ bộ vào đêm 10/11, cường độ cấp 10. Đài của Trung Quốc dự báo mạnh nhất là cấp 12, đổ bộ sáng 11/11, với sức gió mạnh cấp 8-9. Còn phía Mỹ bão mạnh nhất cấp 12, đổ bộ sáng 11/11, cường độ cấp 9

Cơ quan dự báo khí tượng Việt Nam cho biết, khoảng 10 giờ sáng nay 8/11, bão cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 270km về phía Đông Bắc, sức gió mạnh cấp 11, giật cấp giật cấp 14.  Sau đó, bão tiếp tục hướng về đất liền, tốc độ 5-10km/h và có khả năng mạnh lên cấp 12, giật cấp 15.

Ông Khiêm cho biết, cơ quan dự báo của Việt Nam nhận định, bão khả năng mạnh nhất là cấp 12, giật cấp 15 khi vào vùng biển phía Bắc Trường Sa. Tuy nhiên, khi vào gần bờ, bão sẽ giảm khoảng 2-3 cấp, tùy theo theo sự tác tác với không khí lạnh.

Theo dự báo, khoảng ngày 10-11/11, bão khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh Quảng Ngãi đến Khánh Hòa, với sức gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-13. Bão sẽ gây mưa từ Đà Nẵng đến Ninh Thuần và Tây Nguyên.

Đang lưu ý, ngoài khơi các tỉnh Nam Trung bộ có sóng cao 7-8 mét, ven bờ miền Trung 4-6 mét, nước dâng bão kết hợp triều cường cao 2-3 mét.

“Khu vực ven biển Bình Định sóng cao 5-6 mét, Cảng Quy nhơn cao 3-4 mét, ven biển Phú Yên sóng cao 4-5 mét, nên đặc biệt lưu ý về neo đậu tàu thuyền”, ông Khiêm nói.

Về lượng mưa,theo ông Khiêm, hoàn lưu của bão kết hợp không khí lạnh có thể gây mưa to dến rất to từ ngày 9-12/11 tới, lượng mưa 200-400 mm, đặc biệt trọng điểm mưa từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa, Tây Nguyên. Lũ trên các sông ở khu vực trên ở báo động 2-3.  Các sông ở Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Tây Nguyên, Ninh Thuận có thể xuất hiện lũ báo động 1-2.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục tưởng Phòng chống thiên tai cho biết, đến nay các lực lượng đã thông báo, hướng dẫn cho hơn 47.300 tàu, với trên 243.000 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão để phòng tránh.

Tuy nhiên, vẫn còn 112 tàu/2.818 người đang hoạt động, neo đậu tại khu vực nguy hiểm, trong đó 108 tàu của Quảng Nam, Bình Định, Quảng Ngãi đang neo đậu tại các đảo thuộc khu vực quần đảo Trường Sa. Cùng đó, 4 tàu của Bình Định đang neo dù và một số di chuyển khỏi khu vực nguy hiểm.

Bão số 6 giật cấp 14-15: Chủ động cấm biển, cho học sinh nghỉ học ảnh 1 Dự báo đường đi của bão số 6

Tại cuộc họp, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cơn bão số 6 là dị thường, và cấp độ lớn, gây sóng cao, gió lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, ở mức độ nghiêm trọng với tuyến biển Nam Trung bộ.

Ông Cường lưu ý, các địa phương, lực lượng toàn bộ tuyến biển tiếp tục keo gọi, thông báo cho 112 tàu di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm. Toàn bộ tuyến lồng bè, rất gay, vì đây là trọng điểm vùng nuôi, vì sóng to gió lớn, dễ gây mất an toàn tính mạng.

Bộ trưởng Cường cũng lưu ý các địa phương lên kịch bản chi tiết, cụ thể, ứng phó với bão, trong đó tàu vận tải vãng lãi, và khách du lịch hiếu kỳ xem bão, nhất là thời điểm đổ bộ của bão vào Chủ nhật, ban đêm, thời gian lưu bão lâu...

Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu kiểm đếm, hướng dẫn các tàu thuyền trú tránh an toàn, đặc biệt là khi neo đậu rồi cũng phải hướng dẫn sắp xếp, neo đậu, tránh hiện tượng đắm, lật tại neo đậu, nhất là bài học ở cảng Quy Nhơn thời gian qua.

Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương, căn cứ tình hình thực tế để chủ động cấm biển, cho học sinh nghỉ học.  Chủ động sơ tán khẩn cấp người dân, khách du lịch khỏi khu vực nguy hiểm, đặc biệt trên lòng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, khu vực trũng, ngập sâu, khu vực nguy cơ lũ quét, sạt lở… cần thiết phải cưỡng chế để đảm bảo an toàn.

Với hệ thống hồ đập thủy lợi, thủy điện, đặc biệt là công trình hư hỏng, đang thi công, hồ đã đầy nước, Phó Thủ tướng giao cho Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương phối hợp với địa phương để đôn đốc, chỉ đạo, trong đó lưu ý vấn đề xả lũ. “Đây là khu vực địa hình dốc, mưa lớn sẽ nước sẽ dễ gây lũ quét, ngập úng, nên rất nguy hiểm”, Phó thủ tướng nói.

Riêng khu vực Khánh Hòa, Phó Thủ tướng lưu ý, không được chủ quan, đặc biệt là bài học từ bão số 12 năm 2017, gây thiệt hại rất lớn. Phó Thủ tướng cũng giao Bộ TN&MT chỉ đạo sát công tác dự báo cơn bão, tránh việc dự báo vống thông tin.

MỚI - NÓNG
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
TPO - Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 dự kiến từ ngày 1/1/2025 đến ngày 9/1/2025 sẽ hoàn thành tính năng đọc thẻ căn cước, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip quét thẻ tại thiết bị đầu đọc ở các cổng soát vé để đi tàu điện metro số 1 trong giai đoạn miễn phí.