Bão số 11 hướng về Bắc Trung bộ, không được chủ quan

Bão số 11 hướng về Bắc Trung bộ, không được chủ quan
TPO - Trước khả năng bão số 11 sẽ vào Bắc Trung bộ, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương không được chủ quan trước cơn bão 11, phải sẵn sàng phương án cao nhất để giảm thiểu thiệt hại.
Bão số 11 hướng về Bắc Trung bộ, không được chủ quan ảnh 1

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường lưu ý, các địa phương vừa trải quả đợt mưa lũ lịch sử, càng không được chủ quan với bão số 11 nhằm hạn chế thiệt hại.

Chiều 14/10, tại cuộc họp  Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - ông Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp ứng phó với bão số 11.

Theo trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, lúc 16 giờ hôm nay (14/10), bão 11 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 590km về phía đông đông bắc với sức gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 13.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và còn mạnh lên. Đến 16 giờ ngay mai (15/10), bão cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 280km về phía đông, với sức gió gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 15.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông có mưa bão; gió mạnh cấp 7-9, sau tăng lên cấp 10-12, giật cấp 15. Biển động dữ dội. Vùng biển vịnh Bắc bộ (bao gồm các đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ), khu vực biển Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm các đảo Hòn Ngư, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 6, từ ngày mai (15/10) tăng lên cấp 7, giật cấp 9; biển động mạnh.

Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên) phía Bắc từ vĩ tuyến 15; phía Đông kinh tuyến 110.

Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, bão số 11 là cơn bão dị thường, với nhiều nhận định về hướng đi và cường độ khác nhau giữa các đài dự báo.

Bão số 11 hướng về Bắc Trung bộ, không được chủ quan ảnh 3 Nhiều khả năng bão số 11 sẽ đổ bộ vào các tỉnh Bắc Trung bộ và gây mưa diện rộng

Cơ quan dự báo khí tượng Việt Nam cho rằng, bão số 11 khả năng cao sẽ chuyển hướng tây tây bắc, sau khi đi vào đảo Hải Nam, bão sẽ vào vịnh Bắc bộ và dịch chuyển về phía Nam rồi suy yếu dần.

Ông Cường nhận định, bão sẽ đạt cường độ mạnh nhất trước khi vào quần đảo Hoàng Sa mạnh cấp 12-13, giật cấp 16; khi vào đảo Hải Nam ở cường độ 12-13; khi vào vịnh Bắc bộ bão giảm xuống ở cấp 8-9.

Dù chưa xác định khu vực đổ bộ của bão số 11 khi vào đất liền, tuy nhiên, nhưng theo ông Cường, nhiều khả năng bão số 11 ảnh hưởng trực tiếp vào khu vực Thanh Hóa - Quảng Trị, ở cường độ cấp 7, giật cấp 9. Đồng thời, bão số 11 sẽ gây một đợt mưa lớn trên diện rộng.

Không được chủ quan

Đến chiều nay, Biên phòng tuyến biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Phú Yên đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 74.438 tàu, thuyền/298.232 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 11 để chủ động phòng tránh hoặc di chuyển vòng tránh thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Trong khi đó, theo Tổng cục Thủy lợi, hầu hết các hồ chứa đã tích đầy nước. Trong đó khu vực Bắc bộ có 138 hồ chứa xung yếu (64 hồ lớn, 74 hồ nhỏ). Khu vực Bắc Trung bộ có 83 hồ chứa xung yếu (15 hồ lớn, 68 hồ nhỏ). Các tỉnh có nhiều hồ xung yếu như Thanh Hóa 20 hồ, Nghệ An 19 hồ, Hà Tĩnh 16 hồ...

Trước tình hình trên, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai yêu cầu không được chủ quan với bão số 11. “Chúng ta đang trải qua trận mưa lũ lịch sử, cơn bão số 11 rơi vào đúng thời điểm này rất đáng lưu ý. Dù chưa xác định được chính xác tâm bão đổ bộ, tuy nhiên bão vào theo phương án nào chúng ta cũng phải chuẩn bị ứng phó với tinh thần cao nhất”- ông Cường nói.

Ông Cường yêu cầu, căn cứ vào bản tin dự báo gần nhất để thông báo cho các địa phương nắm được tình hình rồi mới lệnh cấm biển để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền.

“Trọng tâm công tác ứng phó là ở các đới bờ các tỉnh miền Trung; mưa lớn, trung bình đều phải chuẩn bị cao độ. Ngoài ra, tập trung vào việc khắc phục hậu quả mưa lũ vừa qua, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn những người còn mất tích”- ông Cường nói.

Với tình trạng đất đá nhiều khu vực đã “no” nước, hàng nghìn hồ đang đầy nước và xả tràn, đặc biệt là tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…Bộ trưởng Cường lưu ý, chỉ cần một lượng mưa khoảng 100mm là rất nguy hiểm, dễ xảy ra sự cố. Do vậy, tất cả các hồ xung yếu lớn nhỏ, yêu cầu địa phương theo dõi chặt chẽ, lập tức có các phương án đối phó với mưa lũ.

97 người chết, mất tích do mưa lũ

Theo báo cáo nhanh của các địa phương, đến chiều 14/10, mưa lũ đã làm 60 người chết (Sơn La 6 người, Yên Bái 7 người, Hòa Bình 20 người, Thanh Hóa 15 người, Nghệ An 9 người, Hà Nội 2 người va Quảng Trị 1 người). Tới nay còn 37 người còn mất tích (Sơn La 2 người, Yên Bái 17 người, Hòa Bình 13 người, Thanh Hóa 5 người).           

Về sự cố sạt lở đất vùi lấp 4 hộ dân với 18 người ở xóm Khánh xã Phú Cường (huyện Tân Lạc, Hòa Bình) hiện đã tìm thấy 11 thi thể nạn nhân. Các lực lượng chức năng tiếp tục tìm kiếm 7 người còn mất tích.

Đến nay 19 xã của Hòa Bình vẫn đang bị cô lập do giao thông chưa được khắc phục: Đồng Nghê, Suối Nánh, Mường Tuổng, Đồng Chum, Mường Chiềng, Giáp Đắt, Tân Pheo, Tiền Phong, Vầy Nưa, Đoàn Kết, Trung Thành, Yên Hòa, Đồng Ruộng (huyện Đà Bắc); các xã Yên Bồng, Khoan Dụ, Lạc Long, Cố Nghĩa, Hưng Thi, An Bình (huyện Lạc Thủy).

Tại Thanh Hóa còn 35 xã  của 7 huyện vẫn đang bị ngập; Ninh Bình còn 8 xã tại Nho Quan và Gia Viễn bị ngập.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.