'Bao nhiêu anh em bị cọp bắt'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cụ Phạm Thanh Biền, nguyên Ủy viên Khu ủy khu V, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, kể: “Ám ảnh nhất là cọp, thời đó bao nhiêu anh em bị cọp bắt”.

Cụ Phạm Thanh Biền vừa được Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức mừng thượng thượng thọ, nhân dịp cụ tròn 100 tuổi. Cụ nhiều lần kể chuyện về những năm tháng làm cách mạng; trong lần cuối cùng tôi phỏng vấn (2019), trước khi cụ ngã bệnh, nằm bất động, cụ thú thực rằng, thời đó “ám ảnh nhất là cọp”.

Già làng cứu mạng

Ngày 19/8/1955, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đóng tại khu đông của huyện Bình Sơn, vùng giáp ranh tỉnh Quảng Nam, nhận được lệnh của Khu ủy Khu V về việc “phải di chuyển”. Tỉnh ủy về nơi nào để đảm bảo bí mật, lãnh đạo cuộc kháng chiến lâu dài, trước làn sóng “tố cộng, diệt cộng” với máy chém đang trở thành biểu tượng uy hiếp tinh thần của nhiều người? Nơi Tỉnh ủy sẽ đến là rừng sâu, núi cao. Gần 70 năm về trước, đây là lãnh thổ mà loài cọp (hổ) tung hoành.

Năm 2019, ngồi ôn lại chuyện cũ, cụ Biền kể rằng, đoàn cán bộ Tỉnh ủy bắt đầu rời vùng đất ven biển và tiến về rừng; rừng dày đặc và hiểm trở. Tất nhiên, cọp là nỗi lo lắng đầu tiên của anh em, chúng còn nguy hại hơn cả bom đạn. Trên đường đi, Phó bí thư Tỉnh ủy Võ Tòng nói về một số cách để cọp sợ người, như la hét, gõ vào thùng thiếc; cọp chủ yếu nhìn về phía trước mặt…

Đoàn cán bộ đi ròng rã và khi trời sập tối thì tới xã Trà Lãnh, huyện Trà Bồng. Già làng Triều, đồng bào dân tộc Cor, khi gặp anh em cũng giải đáp một số câu hỏi về cọp. Tại địa phương thời điểm đó, đồng bào đều tạo hàng rào 2 lớp quanh nhà và dựng bằng cây lồ ô nhọn. Khi đêm xuống, hàng rào được kéo lại để cọp có về làng thì cũng chỉ có thể đứng nhìn, chứ không thể tiến vào ngôi nhà sàn.

Đang ám ảnh cọp khi lần đầu tiên chuyển cơ quan Tỉnh ủy lên rừng, nhưng đêm đầu tiên, đoàn cán bộ của Tỉnh ủy lại được già làng Triều đề nghị “không được ngủ trong nhà sàn, phải ra ngoài rẫy và ngủ trên những chiếc chòi đựng lúa, ngô”. Già Triều giải thích, địch chắc chắn sẽ đuổi theo để bắt cho bằng hết cán bộ cốt cán của tỉnh Quảng Ngãi. Đúng như dự đoán của già Triều, địch tiến lên Trà Bồng, bao vây ngôi nhà sàn, sục sạo khắp nơi nhưng chỉ bắt được chủ nhà. Chúng bực tức bắn chết chủ nhà.

'Bao nhiêu anh em bị cọp bắt' ảnh 1

Cụ Phạm Thanh Biền kể chuyện cọp ngày còn kháng chiến với tác giả, Ảnh: Văn Chương

Những ngày đầu tiên khi Tỉnh ủy chuyển từ miền biển lên tuyến rừng in sâu trong ký ức cụ Biền. Năm 2018, trong một cuộc phỏng vấn dài, ông cụ vẫn vuốt bộ râu bạc và nói giọng hài hước rằng, “nhắc thấy cọp là ngủ mơ trở lại, vì ông cọp lúc đó tinh khôn và có những hành động rất kỳ lạ”.

Người con dâu chăm sóc cụ Biền là chị Lê Thị Được sau này cũng kể lại rằng, “khi nhà báo tới phỏng vấn và nhắc chuyện cọp thì tối hôm đó ông ngủ và nói cứ mơ thấy con cọp”. Vì sao cọp trở thành nỗi ám ảnh rất sâu đối với một người lính từng nhiều lần xông pha trận mạc, có mặt tại những trận chiến đầy nguy hiểm, nhất là vụ bạo loạn Sơn Hà? Sau này, cụ Biền kể rằng, đã chạm trán cọp tổng cộng 6 lần.

Cọp tinh quái

Năm 1961, trên đường đi công tác từ huyện Sơn Hà lên núi cao, cụ Biền và người lính cần vụ an ninh vũ trang tò mò khi nhìn thấy dấu vết lạ. Mọi người bám theo vì nghi là có cọp xuất hiện. Ai cũng lăm lăm súng trong tay, sẵn sàng xả đạn vào bụi rậm. Tại một hòn đá gần bờ suối, một khẩu súng AK 47 đã lên đạn và chiếc thắt lưng của bộ đội nằm ngay ngắn, nhưng không thấy ai. Sau này hỏi ra mới biết, có một đồng chí bộ đội xuống suối rửa mặt thì bị cọp vồ. Con cọp rất tinh ranh; nó tấn công ngay khi người lính rời tay khỏi khẩu súng.

Từ năm 1955 đến năm 1964, cụ Biền cùng các đồng chí đóng quân trong rừng và chứng kiến nhiều cảnh cọp vồ người. Cuối năm 1964, cụ Biền ra miền Bắc học 2 năm Trường Nguyễn Ái Quốc, sau đó lại quay về rừng núi Quảng Ngãi, Quảng Nam và lần lượt giữ nhiều cương vị khác nhau, từ Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban quân sự tỉnh, Trưởng ban miền Tây, tới Bí thư Tỉnh ủy. Cụ đi hầu hết vùng rừng núi Quảng Ngãi, nhiều lần chạm mặt cọp.

'Bao nhiêu anh em bị cọp bắt' ảnh 2

Cọp trở thành ký ức khó quên đối với những cán bộ từng công tác trong rừng. Ảnh minh họa: Global Conservation

Cụ Phạm Thanh Biền quê ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, sinh ngày 15/10/1922, được kết nạp Đảng ngày 19/12/1945. Cụ đã đi qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ ở tỉnh Quảng Ngãi. Bên cạnh nỗi hiểm nguy bởi bom đạn, những cán bộ như cụ còn phải đối mặt loài mãnh thú là cọp rừng.

Năm 1964, huyện Trà Bồng tổ chức mít tinh mừng giải phóng. Giữa âm thanh náo nhiệt của núi rừng, cọp vẫn đi vòng ngoài quan sát đám đông. Người đứng bên dưới, cọp trên sườn núi nhìn xuống, thỉnh thoảng làm đất trượt xuống dốc. Người dân địa phương ngửi thấy mùi lạ. Già làng đứng lên phát biểu và sau khi mít tinh kết thúc, già làng cùng đoàn người trở về.

Con cọp dữ bám theo đoàn người một cách dai dẳng, lúc phía trước, lúc sau lưng. Khi mọi người sơ hở thì nó lao tới cắp ngay già làng đang đi giữa đội hình. Cụ Biền kể: “Con cọp này có thói quen là không bắt người đi đầu, đi cuối, mà luôn bắt người đi giữa. Có hôm đoàn công tác treo võng nằm, anh Ngôi là Bí thư Đảng ủy xã nằm chính giữa, vậy mà nó lao vào cắp luôn cái võng của anh Ngôi rồi chạy vô rừng, mặc cho mọi người hô hét, nổ súng, nó cứ chạy”.

MỚI - NÓNG