Báo Mỹ viết về những thông điệp để đời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh khắp thế giới

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thiền sư Thích Nhất Hạnh, một trong những thiền sư có ảnh hưởng nhất thế giới với thông điệp về chánh niệm, từ bi, đã qua đời hôm 22/1 tại chùa Từ Hiếu ở tuổi 95.
Báo Mỹ viết về những thông điệp để đời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh khắp thế giới ảnh 1

Thiền sư Thích Nhất Hạnh năm 2019 (Ảnh: New York Times)

Nhân dịp này, các báo lớn trên thế giới đã có nhiều bài viết ôn lại cuộc đời nhiều dấu ấn của ông ở khắp các quốc gia.

Là một tác giả, nhà thơ, nhà giáo và nhà hoạt động vì hoà bình, Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở thành tiếng nói đi đầu trong phong trào “Phật giáo dấn thân”, nghĩa là đưa các nguyên tắc Phật giáo vào cải cách chính trị và xã hội.

Theo bài viết của báo New York Times, Thiền sư Thích Nhất Hạnh thông thạo tiếng Anh và tiếng Pháp, đã có nhiều chuyến đi khắp Mỹ và châu Âu và trở thành một trong những người có ảnh hưởng lớn đối với thực hành Phật giáo ở phương Tây, để thôi thúc sự theo đuổi chánh niệm. Chánh niệm được giải thích là “năng lượng của sự tỉnh giác, không quên niệm, biết rõ các pháp một cách trọn vẹn, biết rõ những gì phát sanh ngay trong mỗi giây phút của hiện tại, bây giờ và ở đây”.

Trong cuốn sách “Bình yên của mỗi bước đi: Con đường chánh niệm trong cuộc sống hằng ngày”, ông viết: “Nếu chúng ta không hoàn toàn là chính mình, thực sự trong giây phút hiện tại, chúng ta sẽ bỏ lỡ mọi thứ”.

Số người tin theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh ngày càng nhiều lên khi ông lập hàng chục tu viện và trung tâm tu tập trên khắp thế giới. Làng Mai gần Bordeaux ở miền nam nước Pháp là tu viện lớn nhất trong số những tu viện mà ông lập ra. Nơi đây đón hàng ngàn người đến thăm mỗi năm.

Năm 2018, Thiền sư Thích Nhật Hạnh trở về quê nhà ở Huế, để sống những ngày tháng cuối đời tại chùa Từ Hiếu, nơi ông đã xuất gia từ thủa niên thiếu.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh phủ nhận ý tưởng về cái chết. Ông viết trong cuốn sách “Không chết. Không sợ hãi” rằng: “Sinh ra và chết đi chỉ là khái niệm. Chúng không có thật”.

“Phật dạy rằng không có sinh, không có tử, không có đến, không có đi, không có giống nhau, không có khác biệt, không có cái tôi vĩnh viễn, không có sự huỷ diệt. Chúng ta chỉ nghĩ là có”, New York Times dẫn thông điệp từ cuốn sách của ông.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết rằng nếu hiểu điều đó sẽ có thể giải phóng con người khỏi nỗi sợ hãi và giúp họ “tận hưởng cuộc sống và đề cao nó theo một cách mới”.

Mối liên hệ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh với Mỹ bắt đầu từ đầu những năm 1960, khi ông học tại ĐH Princeton và sau đó giảng dạy tại Cornell và Columbia. Ông là người có ảnh hưởng lớn đến phong trào hoà bình ở Mỹ, là người thúc giục Mục sư Martin Luther King phản đối Mỹ tham chiến ở Việt Nam.

TS King đề cử Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho giải Nobel Hoà bình năm 1967, nhưng năm đó giải thưởng không được trao cho ai.

“Cá nhân tôi không biết ai xứng đáng hơn vị thiền sư hiền lành đến từ Việt Nam này. Những ý tưởng của ông ấy về hoà bình, nếu được áp dụng, sẽ xây dựng một tượng đài cho chủ nghĩa đoàn kết, cho tình huynh đệ trên thế giới, cho nhân loại”, TS King viết trong đề cử gửi tới Viện Nobel ở Na Uy.

Báo Mỹ viết về những thông điệp để đời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh khắp thế giới ảnh 2

Thiền sư Thích Nhất Hạnh ngồi cạnh TS Martin Luther King trong cuộc họp báo năm 1966. (Ảnh: AP)

Sau cuộc đời hoạt động trên thế giới, ông trở về Việt Nam từ năm 2005 để giảng dạy và đi thăm khắp đất nước. Trong một cuộc nói chuyện tại Hà Nội năm 2008, Thiền sư nói rằng chiến tranh Iraq là kết quả của sự sợ hãi và hiểu lầm, từ đó sinh ra bạo lực.

“Chúng ta hiểu rất rõ rằng máy bay, súng và bom không thể xoá bỏ những nhận thức sai lầm. Chỉ có lời nói yêu thương và lắng nghe từ bi mới có thể giúp mọi người sửa chữa những nhận thức sai lầm", ông nói.

Báo Mỹ viết về những thông điệp để đời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh khắp thế giới ảnh 3

Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại TP Hồ Chí Minh năm 2007. (Ảnh: AP)

Năm 2013, nhân một trong nhiều chuyến thăm đến trung tâm ảnh hưởng của phương Tây, ông đã có bài giảng tại trụ sở của Google ở Thung lũng Silicon, để gửi đi thông điệp về sự chiêm nghiệm tĩnh lặng ở nơi đi đầu trong kỷ nguyên kỹ thuật số năng lượng cao.

“Chúng ta có cảm giác rằng chúng ta bị choáng ngợp trước thông tin. Chúng ta không cần nhiều thông tin như vậy”, Thiền sư nói.

“Đừng cố gắng tìm giải pháp bằng đầu óc suy nghĩ của mình. Không nghĩ ngợi là bí quyết thành công. Và đó là lý do vì sao khi chúng ta không làm việc, thời gian đó sẽ trở nên hiệu quả, nếu chúng ta biết cách tập trung vào khoảnh khắc này”, ông nói.

Theo NYT
MỚI - NÓNG