TPO - Sri Lanka đã dỡ bỏ một phần lệnh giới nghiêm ban đêm có phạm vi trên toàn quốc, sau vụ tấn công tồi tệ nhất của các phần tử chống Hồi giáo gây ra, sau vụ đánh bom thảm khốc nhằm vào dịp Lễ Phục sinh.
Các nhà thờ và cửa hàng của người Hồi giáo đã bị phá hoại và phóng hỏa, trong khi 1 người Hồi giáo đã thiệt mạng. Được biết, lệnh giới nghiêm vẫn được duy trì tại các quận tây bắc, cho tới khi tình hình ổn định trong thời gian tới. Tại một số địa bàn, cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông quá khích.
Căng thẳng trong lòng Sri Lanka đã bùng phát kể từ sau vụ tấn công liên hoàn nhà thờ và khách sạn trong dịp Lễ Phục sinh, khiến hơn 250 người thiệt mạng. Phát biểu trên truyền hình, Cảnh sát trưởng Sri Lanka Chandana Wickramaratne đã đề nghị các lực lượng phải mạnh tay đáp trả lại những kẻ cuồng loạn. Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe cũng đã kêu gọi các bên kiềm chế, khẳng định tình hình bất ổn hiện nay cản trở rất nhiều đối với công tác điều tra chân tướng các vụ tấn công.
Tình trạng bất ổn tập trung tại ba quận tại thủ đô Colombo, Sri Lanka. Cụ thể, tại thị trấn Kiniyama phía tây bắc, hàng trăm người đã tràn vào một nhà thờ Hồi giáo, đập vỡ cửa sổ và cửa ra vào, đốt kinh Koran. Vụ việc do một nhóm người gây bùng phát, trong khi tìm kiếm tại địa điểm này, sau khi quân đội Sri Lanka phát hiện ra vũ khí được cất giấu kỹ tại hồ nước cách không xa nơi này. Tại thị trấn Thiên Chúa giáo Chilaw, các nhà thờ và cửa hàng Hồi giáo đã bị tấn công sau khi xảy ra tranh cãi trên mạng xã hội. Một doanh nhân 38 tuổi người Hồi giáo, là chủ nhân của bài đăng nói trên, đã bị bắt với cáo buộc kích động bạo lực.
Chính phủ Sri Lanka cho biết, các lực lượng an ninh đã sẵn sàng để kiềm chế các vụ bạo lực trên đường phố, tại các khu vực có khả năng cao bị ảnh hưởng bởi bạo lực, cũng như đề phòng các cuộc tấn công trả thù. Lãnh đạo các chính đảng cũng kêu gọi mọi người bình tĩnh, không chia sẻ các thông tin thất thiệt qua mạng xã hội. Để đảm bảo tình hình, giới chức Sri Lanka đã chặn một số mạng xã hội, trong đó có Facebook và Whatsapp, để ngăn ngừa nguy cơ bùng phát bạo lực.
Hồi giáo chiếm 10% trong tổng số 22 triệu dân tại Sri Lanka, phần lớn theo Phật giáo Nam Tông. Đám đông bạo lực đã tấn công cộng đồng Hồi giáo Sri Lanka vào tháng 3 vừa qua, khiến chính phủ phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Theo Theo BBC