Bạo lực của 'lòng tốt'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tuần cuối cùng của Nhâm Dần, muốn nói điều gì nhẹ nhõm để tiễn một năm bề bộn sắp qua, nhưng thật không dễ. Khi tin nóng chiều qua, đó là cơ quan điều tra đã khởi tố hình sự vụ tung tin sai sự thật về việc “nữ sinh viên nhảy lầu tự tử do bị xâm hại khi đang học giáo dục quốc phòng – an ninh…”. Vụ việc gây bão mạng suốt tuần qua, khiến bao người mất ăn mất ngủ.

Đây là một quyết định đúng đắn, kịp thời để công khai trước dư luận sự thật đằng sau mọi thứ đồn thổi khủng khiếp mà tác hại của nó sẽ không dễ nguôi đi ngày một ngày hai.

Theo dõi triết gia đương đại nổi tiếng Byung-Chul Han, tôi nhận ra ông cùng với Yuval Noah Harari, tác giả của Lược sử loài người, Lược sử tương lai là một cặp đôi đã chỉ ra một cách xuất sắc và đích đáng nỗi bi thiết của nhân loại hiện đại. Bi thiết, nhưng chính những khổ nhân vẫn vô tư xem đó là “hạnh phúc”.

Byung-Chul Han đưa ra một lý thuyết mới, đó là “Bạo lực của tính tích cực” (The violence of positivity). Tích cực đương nhiên là phẩm chất đặc biệt không thể thiếu, là động lực quan trọng cho mọi sự phát triển cả trong tư duy, tình cảm và hành động. Nhưng ở đây triết gia đề cập đến tình thế “tích cực quá mức” của con người trong một xã hội tân tự do, khi ai cũng tự cho mình có thể làm mọi thứ, tự mình đóng mọi vai trò, thực hiện mọi chức năng, cho đến kiệt sức, còn tai hại hơn bạo lực của sự tiêu cực. Một chứng rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) tập thể, mang phiên bản ảo giả dối của cái gọi là hạnh phúc.

Biểu hiện đơn giản nhất, đó là luôn thấy trong mọi vụ bạo lực, nổ súng hay cưa bom, đám đông vẫn lao vào quay chụp, phát trực tiếp lên mạng xã hội. Mà ngôn ngữ thời nay gọi là “hóng”.

Hàng ngàn dòng trạng thái, với hàng triệu bình luận xung quanh câu chuyện “hiếp dâm, tự tử” mới đây, là gì? Là dòng lũ hung bạo mặc sức phán xét, kết tội nhân danh “lòng tốt”, đòi hỏi “công lý” trước một sự việc mà hầu hết đều chưa biết sự thật là gì, ra sao.

Không thể phủ nhận dư luận và mạng xã hội đã góp phần vào việc thúc đẩy các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng công khai, minh bạch giải quyết nhanh mạnh nhiều vụ việc, vụ án. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với sự bất chấp sự thật, bất chấp những kiểm chứng, chọn lọc, suy xét lý trí mà mỗi người sống trong xã hội buộc phải tuân thủ.

Chúng ta tất nhiên không phải là những bậc cao đạo để sa vào sự huyền mật, nhị nguyên như công án “cây gậy mà không phải gậy” của một bậc thiền sư cách nay cả ngàn năm. Bởi trong thực tế, khi đã là sự thật của một sự việc, vấn đề thì không thể tồn tại cùng lúc một “sự thật khác”.

Bạo lực của những thứ nhân danh “lòng tốt” thiếu lý trí, thừa bầy đàn đang đẩy mỗi chúng ta đến bờ vực nguy hiểm…

MỚI - NÓNG