Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội cho biết, trong những tháng học sinh dừng đến trường học trực tuyến ông rất mong mỏi ngày được mở cổng trường. Thế nhưng khi được TP cho phép học sinh đi học trở lại, phụ huynh lại mong muốn tạm dừng thêm một thời gian.
Trường tiến hành khảo sát ý kiến phụ huynh ở 2 cơ sở, trong đó có nơi chỉ có 26% phụ huynh đồng ý cho con tới trường, có nơi tỉ lệ này chỉ đạt 17%. Do đó, ông đành đóng cửa trường, cho thầy trò tiếp tục dạy học trực tuyến. “Sau khi học sinh tiêm xong mũi thứ 2, trường sẽ tiếp tục lấy ý kiến học sinh về việc mở cửa trường học để dạy trực tiếp”, ông Khang nói.
Đại diện cả 2 cơ sở của Trường THCS- THPT Lương Thế Vinh cũng cho biết, riêng học sinh khối 12 của trường có tới 1.900 em, trong đó nhiều phụ huynh bày tỏ mong muốn lùi kế hoạch đi học trở lại. Do đó, nhà trường đợi học sinh tiêm xong mũi 2 (dự kiến ngày 16/12) và có đủ kháng thể mới cho các em đi học lại từ đầu tháng 1/2022.
Tại quận Cầu Giấy, hệ thống các trường THPT ngoài công lập cũng có đề xuất gửi về Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT về việc lùi thời gian mở cổng trường. Tại quận Nam Từ Liêm, chỉ có Trường Lômônôxốp là đơn vị ngoài công lập đón học sinh đi học theo đúng kế hoạch của Sở GD&ĐT Hà Nội.
Ngoài ra, các trường THPT hiện vẫn đang dạy học trực tuyến như: THPT Hoàng Long, THPT Thực nghiệm, Trường Quốc tế Hà Nội…
Trong khi đó, hệ thống các trường THPT công lập tại Hà Nội đến thời điểm này đa số đã cho học sinh lớp 12 đi học. Có những trường nằm trong khu vực có tình hình dịch phức tạp, nhiều học sinh ở trong khu phong toả không thể đến trường như THPT Trần Nhân Tông nhưng vẫn mở cửa đón học sinh với quan điểm: "Có 1 học sinh vẫn tổ chức dạy học trực tiếp song song với dạy trực tuyến".
Trường THPT Phan Đình Phùng có tỉ lệ học sinh đến trường đạt 91,33%; THPT Đinh Tiên Hoàng 96%; THPT Phạm Hồng Thái đạt tỉ lệ 94,3%; THPT Nguyễn Trãi đạt tỉ lệ học sinh đi học là 95,16%.... Đa số học sinh chưa đi học là do các em thuộc diện F1, F2, gia đình nằm trong khu phong toả.
Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú nói rằng hiện nay trường chỉ có hơn 80% học sinh lớp 12 đi học. Tuy nhiên quan điểm của trường là khi TP đã cho phép dù ít hay nhiều đều tổ chức dạy học trực tiếp nhằm đáp ứng nhu cầu của các em.
Cần tổ chức dạy học linh hoạt
Về thực trạng một số trường ngoài công lập chưa cho học sinh đi học vì phụ huynh có ý kiến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, ông Phạm Xuân Tiến, cho hay tại cuộc họp với lãnh đạo các trường THPT mới đây, Sở GD&ĐT đã quán triệt chỉ đạo: Hiệu trưởng các trường phải có trách nhiệm, một mặt cần tăng cường công tác tuyên truyền tới phụ huynh về công tác phòng chống dịch của trường để giúp phụ huynh yên tâm, mặt khác phải giúp gia đình và học sinh hiểu giá trị của việc các em được đi học trực tiếp.
Khi UBND TP đã quyết định cho học sinh đi học trực tiếp thì các cơ sở giáo dục cần thực hiện nghiêm túc và đáp ứng nhu cầu được đến trường của học sinh. Có những phụ huynh mong muốn chưa cho con đến trường nhưng cũng có nhiều người muốn con được đi học, vì vậy các trường cần linh hoạt trong phương thức dạy học để đạt hiệu quả cao nhất.
“Học sinh đến trường học tập sẽ đạt hiệu quả cao cũng như công tác phòng dịch nghiêm túc của các nhà trường sẽ lan tỏa và giúp thay đổi quan điểm đối với những phụ huynh và học sinh còn e ngại học trực tiếp”, ông Tiến nói.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng cho biết, đơn vị đánh giá cao các trường dù có ít học sinh đến trường vẫn tổ chức dạy học trực tiếp đồng thời linh hoạt có các hình thức dạy học khác nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của học sinh trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Cách làm của Trường THPT Trần Nhân Tông là điển hình cho nỗ lực để trường học có thể dần mở cửa trở lại.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cũng nói thêm, từ đầu tháng 11, địa phương thí điểm cho học sinh khối 9 ở huyện Ba Vì đi học trực tiếp an toàn. Sau đó, mở rộng kế hoạch học sinh tựu trường ra 18 huyện, thị xã cho thấy học sinh phấn khởi, chất lượng học tập tốt hơn. Kết quả đó là căn cứ để TP cho phép học sinh khối 12 của 30 quận, huyện đi học trực tiếp.
Đến nay, toàn TP có 64.000 học sinh khối 9 và khối 12 đang học trực tiếp. Một số trường duy trì song song 2 phương thức dạy học đảm bảo thích ứng linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, nhà trường chú trọng tinh giản chương trình, tập trung vào nội dung cốt lõi đồng thời chủ động rà soát kết quả học trực tuyến và bổ sung kiến thức cần thiết, tránh gây áp lực quá tải với học sinh.