Lương giáo viên thấp: Vị thế của nhà giáo chưa được tương xứng?

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ
TPO - Nhiều giáo viên hiện vẫn phải sống chật vật bằng đồng lương ít ỏi khiến thầy cô chưa thể yên tâm công tác. Câu hỏi đặt ra là, bao giờ giáo viên sống được bằng lương?

Nhiều ý kiến thắc mắc về vấn đề lương giáo viên, đặc biệt là lương giáo viên mầm non mới được tuyển dụng có trình độ đại học nhưng chỉ hưởng lương bậc trung cấp.

Lương, phụ cấp giáo viên thấp chưa tương xứng với nghề?

Hơn 20 năm trong ngành giáo dục nhưng đến thời điểm này cô Nguyễn Thị Dịu, giáo viên tiểu học ở Nghệ An vẫn chật vật với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng. Đã thế, đó là nguồn thu nhập chính trong gia đình nên nhiều lúc cô có ý định bỏ nghề sang làm công việc khác. Nhưng vì yêu nghề, mến trẻ, cô Dịu vẫn kiên trì bám trụ đến ngày hôm nay.

Là giáo viên mầm non ra trường được 6 năm, nếu đi dạy cô giáo Nguyễn Ngọc Anh (Hải Dương) sẽ được mức lương 5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, dịch COVID-19 ập đến, trường tư thục nơi cô dạy phải đóng cửa, cô làm đủ nghề để kiếm sống.

“Em nhận đến nhà trông con, làm việc nhà, nấu ăn, miễn là có thu nhập đủ sống. Chưa bao giờ thấy nghề giáo lại vất vả, phập phù như giáo viên mầm non. Đến bao giờ có giáo viên đủ sống đã là chuyện xa xỉ, lấy đâu sức nghĩ đến vị thế của nhà giáo đây?”- cô giáo này cho biết.

Cô giáo Nguyễn Thị Hương, giáo viên tiểu học ở Hòa Bình cho rằng, lương giáo viên thấp nhưng không có cách nào để bươn chải kiếm thêm thu nhập.

Cô Hương cho rằng, giáo viên miền núi có tiền phụ cấp đứng lớp nhiều hơn giáo viên miền xuôi là 15 %. Tuy nhiên, cả đời giáo viên miền núi chưa bao giờ biết kiếm thêm từ việc dạy thêm.

“Trước đây, khi đất đai còn nhiều, nhiều giáo viên chúng tôi sau giờ dạy còn về tăng gia sản xuất, nuôi thêm lợn, trồng thêm rau. Nhưng giờ đất chật, không có điều kiện tăng gia thì giáo viên chúng tôi chấp nhận cơ cực, sống hoàn toàn bằng đồng lương”- cô Hương chia sẻ.

Hồi tháng 4, bức thư của tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi nhà giáo, viên chức giáo dục cả nước đã nhận được sự đồng cảm, sẻ chia từ những giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cả phụ huynh.

Sau bức thư của tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi nhà giáo trên toàn quốc, nhiều thầy cô giáo bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ và xúc động đặc biệt là về trăn trở của Bộ trưởng trước “vị thế của nhà giáo” ngày nay.

Trong bức thư, Bộ trưởng đề cập “vị thế của nhà giáo”, với sự thấu hiểu “chúng ta mong mỏi vị thế của nhà giáo chúng ta cần phải được củng cố, sự tôn nghiêm của nghề cần phải được giữ gìn”.

Tuy nhiên, theo nhiều giáo viên họ đều đồng ý là lương quan trọng nhưng không phải yếu tố quyết định bởi vì lương có cao mà tâm không sáng, không có phương pháp thì giáo viên vẫn chỉ là thợ dạy mà thôi.

Bao giờ giáo viên sống được bằng lương?

Câu hỏi đặt ra, đến bao giờ giáo viên sống được bằng lương, được tăng lương? Tăng như thế nào để không gây gánh nặng lên ngân sách nhà nước đó mới là điều quan trọng nhất.

Thật ra tăng lương giai đoạn này thì rất khó, khi mà việc tăng lương hiện nay không phải do Bộ GD&ĐT quyết định được, phải dựa trên nguồn nhân lực, nhân sự của ngành, việc tính toán cân đối ngân sách của Bộ Tài chính, Chính phủ,…

Một giáo viên dạy Địa lý ở TP.HCM cho rằng, vẫn biết lương giáo viên rất thấp. Việc dạy thêm ở môn phụ là rất khó khăn nếu muốn tăng thu nhập.

“Làm thế nào để nâng cao vị thế của người thầy trong xã hội khi ngành giáo dục có sự phân biệt giáo viên chính, giáo viên phụ, biên chế và hợp đồng?”, giáo viên này đặt câu hỏi.

Bản thân giáo viên này cũng chia sẻ, cô rất buồn khi phụ huynh và học sinh coi những môn học như mỹ thuật, âm nhạc, thể dục, giáo dục công dân, công nghệ…là những môn phụ.

Cũng theo giáo viên này, hiện nay chúng ta muốn đổi mới, muốn có nền giáo dục tốt thì chất lượng sẽ quyết định bởi người thầy. Nhưng vị thế và mức sống của người thầy hiện nay ngày còn rất thấp thì sao tuyển được những người tâm huyết.

“Do vậy việc đầu tiên mà ngành giáo dục cần thay đổi đó là nâng cao đời sống của giáo viên. Và điều quan trọng nhất là lương phải đảm bảo để giáo viên đủ sống, yên tâm dạy học, yên tâm với nghề”, giáo viên này mong muốn.

Bà Vũ Thu Hương, một nhà nghiên cứu giáo dục độc lập cho rằng, giáo dục là quốc sách. Muốn tăng lương cho giáo viên thì cần đừng dồn tiền cho các dự án, quay trở lại tiền trả lương cho giáo viên thì sẽ đỡ áp lực hơn.

Mặt khác, theo bà Hương, không nên giữ học phí ở mức quá thấp như bây giờ. Việc hầu như không thu phí cũng là điều không ổn.

“Mức học phí tăng lên 200 nghìn/ học sinh/ tháng sẽ lập tức có nguồn tiền để hỗ trợ lương giáo viên ngay.

“Sự tăng tiền học phí hơn so với hiện nay không gây ra nghèo đói cho các gia đình nhưng nếu để tiền học thấp, các gia đình sẽ càng coi thường công sức của giáo viên hơn”- bà Hương chia sẻ.

Cũng theo bà Hương, nếu giáo viên không đủ sống bằng lương mà phải làm thêm đủ thứ nghề để kiếm sống thì giáo viên sẽ không có thực tâm dạy học và đánh giá mọi thứ theo quyền lợi của mình.

Phó Thủ tướng chỉ đạo sửa quy định bổ nhiệm, xếp lương giáo viên. Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 324/TB-VPCP ngày 3/12/2021 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về các vấn đề Đại biểu Quốc hội chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, liên quan tới việc đổi mới, sắp xếp, nâng cao chất lượng các đơn vị sự nghiệp công lập cả về đầu mối trường lớp, số lượng, chất lượng giáo viên, cán bộ quản lý theo tinh thần Nghị quyết 19; biên chế giáo viên, chế độ phụ cấp đối với giáo viên vùng cao; chính sách cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Về việc rà soát, sửa đổi các văn bản quy định theo thẩm quyền của Bộ GD&ĐT liên quan đến việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, xếp lương giáo viên, Phó Thủ tướng yêu cầu: Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan khẩn trương, rà soát để sửa đổi các Thông tư số: 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 02/02/2021 của Bộ GD&ĐT quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, trong các trường tiểu học công lập, các trường trung học cơ sở công lập, các trường trung học phổ thông công lập cho phù hợp với các quy định tại Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm công bằng; không có sự chênh lệch quá lớn về chức trách, nhiệm vụ giữa các hạng chức danh nghề nghiệp, nhất là về tiêu chuẩn đạo đức.

Về biên chế đội ngũ giáo viên, Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính rà soát biên chế đội ngũ giáo viên, xây dựng và đề xuất lộ trình sắp xếp, tinh giản biên chế phù hợp với yêu cầu thực tiễn và bảo đảm nguyên tắc “ở đâu có học sinh thì phải có giáo viên”. Bộ Nội vụ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền.

MỚI - NÓNG