Ngày 10/1, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức góp ý với Bộ Giáo dục và Đào tạo một số vấn đề mà Bộ dự kiến tiếp thu và xin ý kiến để chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).
Góp ý về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng: “Tôi đề xuất lương giáo viên được xếp ngang với lương của lực lượng vũ trang chứ không chỉ cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”.
GS Trần Hồng Quân cho rằng, chúng ta đừng viển vông rằng cứ tuyên dương nghề giáo là nghề cao quý là đủ mà cần phải có thái độ của xã hội. Cụ thể là đãi ngộ đúng mức.
Nên tăng lương theo từng vị trí việc làm
Trước đề xuất lương giáo viên được xếp ngang với lương của lực lượng vũ trang chứ không chỉ cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp của GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nhiều nhà giáo cho rằng, đề xuất khó khả thi vì sẽ gây sức ép rất lớn đến ngân sách nhà nước.
Thầy Đào Tấn Đạt, giảng viên trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng, đề xuất khó khả thi. Mặt khác, công việc của hai ngành nghề này khác hẳn, làm sao lại lương sẽ tăng bằng nhau.
Mặt khác, cũng theo thầy Đạt, không phải giáo viên nào cũng tốt, nhiều giáo viên dạy vẫn chán và còn chửi mắng học sinh.
Thầy Đạt đề xuất, nếu ngân sách có tiền tăng lương, thì lương phải theo vị trí việc làm, dựa trên cơ sở lao động chứ không phải đến hẹn lương tăng mà trách nhiệm vẫn như thế. Tiêu chí để đánh giá việc tăng lương cho giáo viên bao gồm: thời gian, độ khó, trách nhiệm, hiệu quả. Như vậy, chính mới hợp lý được.
Cô giáo Đỗ Thị Dung, giáo viên trường THCS Dương Liễu, Hà Nội cho rằng, việc tăng lương cho giáo viên thì giáo viên nào cũng mong mỏi. Nhưng cô Dung cho rằng, đề xuất này rất khó thực hiện được.
“Lương cao thì hấp dẫn với giáo viên, đương nhiên rồi. Nhưng đồng tình với đề xuất của GS Trần Hồng Quân là nếu có tăng lương phải đi đôi với việc tăng chất lượng giáo viên”- cô Dung chia sẻ.
Còn cô giáo Đình Thị Thủy, giáo viên của một trường THPT ở Hà Nội cho rằng, đương nhiên tăng lương thì giáo viên nào cũng mong muốn. Nhưng đề xuất sẽ khó khả thi.
Cô Thủy cho rằng, việc tăng lương đi đôi với việc đòi hỏi năng lực, trình độ sẽ có sức hút lâu bền.
Tuy nhiên, cũng theo cô Thủy, xã hội , phụ huynh, học sinh đang nhìn nhận với nghề giáo có sự thay đổi. Lương thấp, vị thế nghề giáo không được như xưa nên việc sinh viên ngại chọn nghề giáo cũng dễ hiểu.
“Tôi cho rằng lương bổng vẫn là yếu tố quan trọng, tiền đề để giáo viên có thể tận tâm và có đủ lòng thủy chung với nghề”- Cô Thủy nhấn mạnh.
Tăng lương cao, dễ tiêu cực?
Thầy Đào Tấn Đạt, giảng viên trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng, tăng lương là điều kiện cần nhưng là chưa đủ hấp dẫn với giáo viên.
Theo thầy Đạt, hiện nay, môi trường làm việc áp lực và sa sút uy tín khiến nhiều sinh viên không muốn vào ngành sư phạm.
“Nên nếu chỉ lương cao mà môi trường không tốt, vị thế nhà giáo không được như xưa thì tăng lương nhiều người cũng không ham”- Thầy Đạt nhấn mạnh.
Cô giáo Đình Thị Thủy, giáo viên THPT ở Hoài Đức cho rằng, việc tăng lương là điều kiện cần để nghề giáo phải có tình yêu, tâm huyết với nghề. Trong bất cứ nghề gì, nhất là nghề đào tạo con người thì chỉ dạy giỏi thôi chưa đủ.
“Tăng lương cũng là một tiêu chí, nhưng tăng ở mức độ nào là một vấn đề. Nếu bằng lực lượng vũ trang, thì khi đó, việc thi tuyển cũng khắt khe và tuyển chọn phải như lĩnh vực công an, quân đội, khi đó mới công bằng. Lúc đó mới hấp dẫn”- Cô Thủy nhấn mạnh.
Cũng theo cô Thủy, nếu tăng lương cao, có hấp dẫn thì lại dẫn theo tiêu cực, chạy trọt để vào ngành. Nếu xử lý không cẩn thận thì sẽ lặp lại cái vòng luẩn quẩn.
“Như tôi giờ lương sau 17 năm ra trường, lương là 7 triệu nhưng dạy thêm để đủ sồng. Nếu chỉ có lương cố định thì sẽ phải làm nghề khác nhưng muốn tồn tại thì phải dạy thêm để cộng vào mới có động lực. Cứ nói tâm huyết mà không đủ nhu cầu cho mình, cho con thì cũng khó”- cô Thủy nói.
Cũng theo cô Thủy, khi ngoài lương cơ bản, có tiền cộng cả dạy thêm mới thấy tạm ổn và thích đi dạy. Vì thế, lương không cao, phải làm thêm, nhưng vẫn thích đi dạy, đó là tôi lấy niềm vui đó bù đắp vào.