Từ chuyện bức xúc ở Hải Phòng: Thi giáo viên dạy giỏi, nên dẹp bỏ?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TPO - Nhiều giáo viên cho rằng, câu chuyện mà phụ huynh ở Hải Phòng bức xúc khi học sinh kém phải ở nhà để giáo viên thi dạy giỏi không phải hiện tượng cá biệt. Nhiều trường hợp còn “lợi dụng” kì thi này để làm đẹp hồ sơ và lên chức.

Không có gì lạ

Theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục độc lập, hiện tượng giáo viên chọn một nhóm học sinh giỏi để tham gia cùng trong tiết dự thi giáo viên giỏi không có gì lạ.

Nhiều lần là giám khảo cuộc thi giáo viên dạy giỏi, nữ tiến sĩ từng chứng kiến cảnh sau tiết học, học sinh từ nơi khác kéo vào lớp và học sinh từ trong lớp chạy sang lớp khác.

"Điều này cho thấy có sự lựa chọn học sinh tham gia"- TS Vũ Thu Hương khẳng định.

Một giáo viên THCS ở một huyện ngoại thành của Hà Nội thừa nhận, một lớp học lên tới 40-50 đương nhiên ở các cuộc thi giáo dạy giỏi cấp huyện/thị xã… thì phải cho gần một nửa học sinh ở nhà. Và đương nhiên, họ sẽ cắt đi những học sinh kém hơn.

“Thông thường ở vòng thi cấp huyện/thị xã thì trường được chủ động về giáo viên. Và để đảm bảo yêu cầu cho lớp học để giáo viên thi dạy giỏi, sẽ “loại” những học sinh yếu kém ở nhà. Giáo viên được dạy học sinh của mình. Nhưng khi đến cấp thành phố, thì việc chọn học sinh sẽ bốc thăm ngẫu nhiên”- cô giáo này cho biết.

Cũng theo giáo viên này, thực sự giáo viên đã nhiều năm có kinh nghiệm, kiến thức tốt thì kì thi giáo viên dạy giỏi họ rất “ngại”: “Để một lần thi giáo viên dạy giỏi sẽ mất rất nhiều công sức. Bài chọn để thi phải là đầu tư công sức của giáo viên toàn trường, của mọi người trong tổ nhóm bộ môn. Nói thật, kì thi này nhiều giáo viên trốn không được nên lại phải thi”- giáo viên này cho hay.

Cô giáo này cũng cho biết, giáo viên thi dạy giỏi với người có kinh nghiệm, chuyên môn tốt đã khó, khổ nhưng với người thiếu kinh nghiệm, chuyên môn không tốt thì là một “cực hình”.

“Có nhiều giáo viên khi đưa ra ý tưởng bài dạy đã dở, khi đưa ra mất bao công các giáo viên trong tổ phải chỉnh sửa các lỗi từ nội dung cho tới phương pháp dạy. Rồi khi trình bày bài, nếu không biết về tin học, thì triền miên đi nhờ vả để họ trình bày, thiết kế bài giảng hộ. Thi dạy giỏi khi đó thực sự người giáo viên chỉ đóng vai người đi… diễn”- giáo viên này nhận định.

Cũng theo giáo viên này, kì thi giáo viên dạy giỏi có hai mặt. Nếu thực chất, cuộc thi sẽ khiến giáo viên trưởng thành lên và học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, với rất nhiều giáo viên đã kinh qua nhiều năm, thì kì thi này lại trở thành nỗi khổ, sự sợ hãi, mệ mỏi mỗi khi phải đi thi.

Mặt khác, cũng theo giáo viên này, có giáo viên đã “lợi dụng” kì thi giáo viên dạy giỏi để lên chức, lên quyền: “Thậm chí, có giáo viên kém năng lực đã chi cho giám khảm để…. đạt giải”- giáo viên này cho hay.

Bộ GD&ĐT đang tiến hành kiểm tra, rà soát ở Hải Phòng

Thông tin bên Bộ GD&ĐT cho biết, đoàn kiểm tra  của Bộ GD&ĐT đang làm việc tại Hải Phòng về việc “học sinh yếu được cho ở nhà trong thời gian thi giáo viên giỏi” theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Trước sự việc một số trường học ở Hải Phòng cho học sinh có học lực yếu ở nhà trong thời gian tổ chức thi giáo viên giỏi, Bộ trưởng đã chỉ đạo một tổ công tác tiến hành kiểm tra, rà soát ngay tại Hải Phòng để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, đồng thời làm căn cứ cho việc sửa đổi Thông tư 21/2010/TT-BGDĐT ngày 20/7/2010 Ban hành Điều lệ hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Cũng theo Bộ GD&ĐT, hiện nay, Bộ đang trong quá trình rà soát, sửa đổi Thông tư 21 theo hướng thiết thực, tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học có chất lượng; khắc phục triệt để việc áp dụng các quy định một cách máy móc, hình thức, gây lãng phí và tạo áp lực cho giáo viên.

Dự kiến trong thời gian tới, dự thảo Thông tư 21 sửa đổi sẽ được đăng tải trên mạng để lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân trước khi ban hành.

Bộ sẽ cắt giảm các cuộc thi, hội thi dạy giỏi trong năm 2019

Cũng theo  Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ cũng đang tích cực rà soát để cắt giảm các quy định về sổ sách, hồ sơ của giáo viên và sẽ ban hành trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng sẽ có những điều chỉnh về tiêu chí thi đua trong năm 2019 để bảo đảm thực chất, thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục.

Trước đó, trong chuyến công tác lắng nghe tâm tư nguyện vọng của giáo viên tỉnh Yên Bái cuối năm 2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ: "Các cuộc thi, hội thi dạy giỏi cũng đang gây áp lực lớn cho giáo viên. Nhiều cuộc thi mang tính hình thức. Thi đua dạy tốt học tốt là việc cần có trong mỗi nhà trường nhưng phải tốt thật, thiết thực chứ không phải gây áp lực theo hướng xấu. Từ năm ngoái, Bộ đã cắt giảm rất nhiều cuộc thi rồi, nhưng vẫn phải tiếp tục rà soát để cố gắng đưa thi đua thành việc thiết thực và hiệu quả".

Trong các bài trả lời phỏng vấn báo chí đầu năm 2019, người đứng đầu ngành Giáo dục tiếp tục khẳng định sẽ trả lại cho giáo viên thời gian làm việc chuyên môn bằng việc rà soát cắt giảm mạnh mẽ hơn nữa hồ sơ, sổ sách cho giáo viên và tiếp tục cắt giảm các cuộc thi, hội thi thiếu thiết thực và hiệu quả.

MỚI - NÓNG