Đại biểu Quốc hội đề nghị thế nào về chính sách tiền lương cho giáo viên?

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TPO - Nhiều giáo viên trẻ phải làm thêm ngoài giờ, bán hàng online mới có thể bám trụ để giữ lửa nghề giáo. Đợt nghỉ dịch COVID-19, có giáo viên phải đi phụ hồ, đổ mối cá khô hoặc đi cấy thuê…vì nhà trường không trả lương.

Giáo viên làm đủ mọi nghề để sống

Thực tế, hệ quả của đại dịch COVID để lại rất nặng nề khiến nhiều giáo viên phải thay đổi công việc để kiếm sống.

Cô Nguyễn Thị Huyền, một giáo viên mầm non trường tư trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, cô đã phải chuyển sang bán hàng online, mang đồ từ quê xuống để bán. Mặt khác, lại phải đi tiếp thị bán bảo hiểm để kiếm thêm thu nhập nuôi con cái ăn học.

Tương tự, cô Nguyễn Thị Linh, Linh Đàm, Hà Nội cho rằng, hồi dịch mới xảy ra, trong năm 2020 thì còn có vài học sinh để trông thêm ở nhà. Tuy nhiên, sau đó, chính phụ huynh phải thắt chặt chi tiêu và gửi con về quê để ông bà trông hộ khiến cô cũng không có khoản thu nhập nào từ trông học sinh. Cô đã phải tìm mọi cách để kiếm sống từ việc đi chợ mua đồ ăn hộ các gia đình đến việc bán nem, bán cua, bán ổi,…

“Dịch COVID-19 khiến một cơ sở của trường đã đóng cửa vì không có học sinh. Nếu dịch đến hết năm nay chưa có biến chuyển, học sinh chưa đi học trở lại thì chắc chắn sẽ không có cửa cho chúng em trụ lại với nghề”- cô Linh buồn bã thừa nhận.

Đồng lương mà sống đủ chẳng giáo viên nào nghĩ đến dạy thêm

Tại nhiều diễn đàn về giáo dục, hay diễn đàn của các giáo viên không hiếm để thấy những chia sẻ về lương giáo viên còn thấp, rất khó khăn để sống.

Một giáo viên chia sẻ: Tại trường tôi công tác, đồng nghiệp có thâm niên nhất (25 năm) đang hưởng mức lương 10,5 triệu đồng/tháng. Bản thân tôi 10 năm đi dạy, ngày dạy 2 buổi, chủ nhiệm lớp cùng nhiều vị trí khác cũng chỉ 8 triệu đồng/tháng.

Một giáo viên trung bình mỗi tuần phải làm hơn 40 đầu việc. Nếu nghĩ công việc của giáo viên chỉ là những tiết dạy trên lớp và tối về soạn bài, chấm bài thì sai hoàn toàn.

Cô giáo 37 năm cống hiến, về hưu nhận 1,3 triệu đồng/tháng.

Ngày 26/10, trên trang cá nhân của cô Nguyễn Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường Mầm non Lê Duẩn (xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đăng ảnh cô Lan và quyết định nghỉ hưu của cô Lan, kèm nội dung:

"Ở Trường Mầm non Lê Duẩn (xã Cẩm Duệ) chúng tôi có một giáo viên có quyết định nghỉ hưu. Tên cô là Trương Thị Lan. Ngày vào ngành 5-9-1980, có 37 năm cống hiến, phục vụ dạy học trong bậc mầm non. Năm đóng bảo hiểm kể cả đóng lùi là 22 năm 8 tháng. Hệ số lương hiện hưởng đến ngày nghỉ hưu là 3,46. Đến ngày nghỉ hưu được hưởng số tiền 1.268.000 đồng/tháng và được Nhà nước cho bù thêm 32.000 đồng. Tổng cộng 1.300.000 đồng/tháng…”.

“Với mức lương như vậy thì thử hỏi sẽ sống sao đây?. Tôi kính mong các bộ, các ban ngành hãy vào cuộc và quan tâm đến các cô giáo mầm non trong cả nước nói chung và trường hợp của cô Trương Thị Lan của trường tôi nói riêng để khỏi thiệt thòi cho ngành học mầm non. Xin chân thành cảm ơn"- Vị hiệu trưởng này đề nghị.

Giáo viên này chia sẻ, họ làm việc vất vả lắm, từ hồ sơ cho đến việc chấm bài đánh giá nhận xét, sổ sách khá cồng kềnh. Thời gian trống còn phải lên tiết dự giờ, gửi giáo án hàng tuần, nhận xét sách vở học sinh, nhận xét trên cổng thông tin, biên bản họp các kiểu…

Chưa kể, giáo viên phải đối mặt với rất nhiều áp lực từ cấp trên, phụ huynh, học sinh. Một gia đình dạy một đứa con cũng đã mệt, trong khi giáo viên phải quản lý 40, 50 học sinh. Mỗi em lại một tính cách, ý thức và tiếp thu khác nhau.

“So với khối lượng công việc giáo viên phải làm, thì tiền lương nhận được không xứng đáng, quá bèo bọt. Trong khi với mức thâm niên 10 năm, 20 năm, những người làm việc trong lĩnh vực khác hoàn toàn có thể mua nhà, mua xe”- giáo viên này chia sẻ.

Cũng theo giáo viên này, thương nhất là các em mới vào nghề chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng. Nhiều giáo viên trẻ phải làm thêm ngoài giờ, bán hàng online…mới có thể bám trụ lại đất Hà Nội hay TP.HCM. Đợt nghỉ dịch COVID-19, tôi được biết có đồng nghiệp phải đi phụ hồ, đổ mối cá khô hoặc đi cấy thuê…vì nhà trường không trả lương.

Trong khi ngành nghề khác được phép làm thêm, tăng thu nhập từ công việc chuyên môn, thì người giáo viên vẫn bị lên án, chỉ trích vì dạy thêm.

Nếu giáo viên được trả lương cao, tôi tin rằng chẳng thầy cô nào muốn đi dạy thêm. Lấy ví dụ như giáo viên trường tư thục, trường quốc tế nhận lương mỗi tháng 15 – 20 triệu đồng nên họ không có nhu cầu dạy thêm là phải thôi”- giáo viên này khẳng định.

Giáo viên này chia sẻ chỉ khi nhà giáo yên tâm sống được bằng đồng lương, họ mới có thể dồn hết tâm trí vào bài giảng cho học sinh. Với mức lương hiện nay, nhà giáo phải chân trong, chân ngoài là điều dễ hiểu.

Lương giáo viên mầm non rất thấp

Phát biểu thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 9/11, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) đã đề cập về vấn đề dạy học trong bối cảnh COVID-19.

Qua phản ánh về tình hình dạy học COVID ở các địa phương cho thấy dù ngành giáo dục các địa phương đã cố gắng rất nhiều, nhưng chất lượng giáo dục là khó bảo đảm.

Mặt khác, cơ sở giáo dục ngoài công lập đang có nguy cơ ngừng hoạt động, nhất là các cơ sở giáo dục mầm non vì không thể dạy học trực tuyến. Kéo theo đó là tình trạng giáo viên mầm non ngoài công lập bị mất việc, phải chuyển đổi sang công việc khác để có thu nhập.

Và khi đã có thu nhập bằng công việc khác thì việc kéo các cô quay trở về nghề rất là khó. Vì lương giáo viên mầm non hiện rất thấp.

Thực tế trên đây cho thấy nguy cơ thiếu trường học điểm nhóm giữ trẻ, thiếu giáo viên mầm non là điều có thể xảy ra ở nhiều địa phương trong thời gian tới.

Do vậy, vị đại biểu này đề nghị Chính phủ và các địa phương cần rà soát, đánh giá đúng thực trạng và nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập khôi phục hoạt động, nhất là các cơ sở giáo dục mầm non, tư thục, các nhóm trẻ gia đình, đồng thời nghiên cứu chính sách tiền lương hợp lý cho nhà giáo, nhất là giáo viên mầm non, vốn là lĩnh vực hoạt động đặc thù nhưng hiện nay lương đang thấp nhất.

Cũng phát biểu nội dung liên quan đến giáo dục, đại biểu Nguyễn Thị Yến - Bà Rịa - Vũng Tàu nêu thực tế, đối với năm học 2021-2022 vẫn còn xảy ra tình trạng thiếu giáo viên do không có nguồn để tuyển dụng hoặc hợp đồng theo quy định chuẩn của Luật Giáo dục năm 2019.

"Để đảm bảo đủ giáo viên giảng dạy trong năm học này, đề nghị các bộ liên quan có giải pháp tạm thời cho các địa phương được ký hợp đồng với giáo viên thỉnh giảng theo kiểu cũ để đáp ứng yêu cầu hiện tại, nhằm khắc phục tình trạng có học sinh nhưng thiếu giáo viên, đồng thời sớm có hướng dẫn lộ trình thỉnh giảng giáo viên theo chuẩn mới, đại biểu Nguyễn Thị Yến nêu.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.