Năm 2022, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển sinh như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
Năm 2022, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển sinh như thế nào?
TPO - Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thông báo dự kiến phương thức tuyển sinh đại học chính quy năm 2022.

Theo đó, dự kiến 60-70% chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá tư duy dự kiến tổ chức sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại Hà Nội và một số cơ sở giáo dục đại học khác.

Phương thức tuyển sinh

Xét tuyển tài năng: 20 - 30% tổng chỉ tiêu

Gồm các phương thức sau: xét tuyển thẳng học sinh giỏi theo quy định của Bộ GD&ĐT; xét tuyển dựa trên các chứng chỉ quốc tế SAT, ACT, A-Level; xét tuyển dựa trên kết quả và thành tích học tập phổ thông kết hợp phỏng vấn.

Điều kiện dự tuyển: thí sinh được công nhận tốt nghiệp THPT, riêng đối với phương thức xét tuyển dựa trên các chứng chỉ quốc tế SAT, ACT, A-Level và xét tuyển dựa trên kết quả và thành tích học tập phổ thông kết hợp phỏng vấn thì điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10, 11 và 12 đạt từ 8,0 trở lên.

Phương thức xét tuyển thẳng học sinh giỏi theo quy định của Bộ GD&ĐT và xét tuyển dựa trên kết quả và thành tích học tập phổ thông kết hợp phỏng vấn chỉ áp dụng đối với thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2022.

Xét tuyển theo kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy: 60 - 70% tổng chỉ tiêu

Thí sinh chọn các phần thi tương ứng của Bài thi đánh giá tư duy để đăng ký vào các chương trình đào tạo, cụ thể như sau:

Đăng ký xét tuyển tất cả các chương trình: Toán – Đọc hiểu – Tiếng Anh và Khoa học tự nhiên hoặc Toán – Đọc hiểu – Khoa học tự nhiên; Đăng ký xét tuyển các ngành Elitech, Kinh tế quản lý, Đào tạo quốc tế, Ngôn ngữ Anh: Toán – Đọc hiểu – Tiếng Anh. Ngành ngôn ngữ Anh có môn chính là tiếng Anh (khi xét tuyển được tính hệ số 2) *Điều kiện đảm bảo chất lượng (áp dụng cho năm tuyển sinh 2022 và 2023­): thí sinh có điểm trung bình chung 6 học kỳ của mỗi môn học ở bậc THPT từ 7.0 trở lên thuộc 1 trong những tổ hợp môn sau:

- Toán, Lý, Hóa

- Toán, Lý, Ngoại ngữ

- Toán, Hóa, Sinh

- Toán, Văn, Ngoại ngữ

- Toán, Hóa, Ngoại ngữ

Từ năm 2024 xét theo điểm trung bình chung học tập của các môn học ở bậc THPT (trừ các môn GD Quốc phòng - An ninh, Giáo dục thể chất), mỗi kỳ đạt 7,0 trở lên.

Xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT 2022: 10 - 20% cho một số chương trình đào tạo có tổ hợp xét tuyển A00, A01, A02, B00, D01, D07, D26, D28 và D29.

Điều kiện đảm bảo chất lượng: thí sinh có điểm trung bình chung 6 học kỳ mỗi môn học THPT trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 7,0 trở lên (hoặc tổng điểm trung bình 6 học kỳ của 3 môn học từ 42,0 trở lên), được công nhận tốt nghiệp THPT và có điểm thi tốt nghiệp THPT đạt ngưỡng điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển do Trường quy định.

Năm 2022, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục áp dụng hình thức xét tuyển dựa trên các chứng chỉ quốc tế SAT, ACT và A-Level cho tất cả các chương trình đào tạo.

Đối với hình thức xét tuyển dựa trên kết quả và thành tích học tập phổ thông kết hợp phỏng vấn, những thí sinh sau đây có thể đăng ký dự tuyển:

Được chọn tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hoặc đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn HSG cấp tỉnh/thành phố các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin, Ngoại ngữ (lớp 10, 11, 12);

Được chọn tham dự Cuộc thi KHKT Quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức;

Học sinh hệ chuyên (gồm chuyên Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học, Ngoại ngữ) của các trường THPT và THPT chuyên trên toàn quốc, các lớp chuyên, hệ chuyên thuộc các Trường đại học, Đại học quốc gia, Đại học vùng;

Được chọn tham dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia vòng thi tháng, quý, năm;

Các thí sinh có chứng chỉ IELTS (academic) quốc tế 6.0 trở lên (hoặc chứng chỉ tiếng Anh khác tương đương) được đăng ký xét tuyển vào các ngành Ngôn ngữ Anh và Kinh tế - Quản lý.

Năm 2022: 7500 chỉ tiêu với 59 chương trình đào tạo

Theo thông báo của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, năm 2022, tổng chỉ tiêu dự kiến là 7500.

Chương trình đào tạo: dự kiến tiếp tục tuyển sinh 59 chương trình như năm 2021. Các chương trình đào tạo mới sẽ được thông báo trong tháng 3/2022.

Thí sinh có chứng chỉ IELTS (Academic) 5.0 trở lên có thể sử dụng để quy đổi điểm tiếng Anh để xét tuyển các tổ hợp A01, D01, D07 và các tổ hợp xét tuyển theo Kỳ thi đánh giá tư duy (thông qua hệ thống quy đổi của Nhà trường).

Điều kiện ngoại ngữ (tiếng Anh) đối với các chương trình tiên tiến, chương trình đào tạo quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh: sẽ áp dụng chuẩn đầu vào từ năm 2023.

Kỳ thi đánh giá tư duy dự kiến tổ chức tại thời điểm sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Thí sinh có thể đăng ký thi thử (theo hình thức online tại chỗ hoặc online trên máy tính tại phòng thi) trong khoảng thời gian từ tháng 12/2021 đến tháng 4/2022 theo đường link https://test.hust.edu.vn (chi tiết sẽ được thông báo sau).

Thông tin về Kỳ thi đánh giá tư duy

Kỳ thi dự kiến tổ chức sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại Hà Nội (Trường ĐHBK Hà Nội) và một số cơ sở giáo dục đại học khác.

Bài thi đánh giá tư duy có thời lượng tối đa 270 phút, nội dung gồm các phần: Toán: bắt buộc (trắc nghiệm, tự luận), thời lượng 90 phút Đọc hiểu: bắt buộc (trắc nghiệm), thời lượng 30 phút Tự chọn 1 (trắc nghiệm): Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh), thời lượng 90 phút Tự chọn 2 (trắc nghiệm): Tiếng Anh, thời lượng 60 phút Thí sinh có thể chọn 1 hoặc cả 2 phần tự chọn nếu muốn đăng ký xét tuyển với nhiều tổ hợp khác nhau.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ công bố tổ hợp xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy trong Đề án tuyển sinh năm 2022.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.