Vấn đề dạy thêm xuất phát từ thực trạng là lương của giáo viên quá thấp, rất nhiều giáo viên coi dạy thêm như kế mưu sinh. "Cần nhìn thẳng vào vấn đề này để giải quyết thấu đáo. Qua hai năm đại dịch vừa rồi, giáo viên cũng cần cứu trợ", đại biểu Nguyễn Công Long từng bày tỏ trong phiên chất vấn đại biểu Quốc hội hồi tháng 11 vừa qua.
Đồng lương không đủ sống nên phải nghĩ đến dạy thêm?
Tại nhiều diễn đàn về giáo dục, hay diễn đàn của các giáo viên không hiếm để thấy những chia sẻ về lương giáo viên còn thấp, rất khó khăn để sống. Nhiều giáo viên trẻ phải làm thêm ngoài giờ, bán hàng online mới có thể bám trụ để giữ lửa nghề giáo. Đợt nghỉ dịch COVID-19, có giáo viên phải đi phụ hồ, làm nghề may,…vì nhà trường không trả lương.
Một hiệu trưởng trường THCS ở Hà Nội chia sẻ, tại trường bà công tác, đồng nghiệp có thâm niên nhất (24 năm) đang hưởng mức lương 10 triệu đồng/tháng. Có giáo viên sinh năm 1986 đi dạy 16 năm rồi hưởng mức lương 5,8 triệu đồng/ tháng. Còn nếu giáo viên mới ra trường thì hưởng mức lương hơn 3 triệu đồng/ tháng.
“Với mức lương như vậy, làm sao đủ sống. Nhất là trong 1, 2 năm nay ảnh hưởng của dịch, nhiều giáo viên trẻ phải dạy thêm, làm thêm ngoài giờ, thậm chí bỏ việc"- vị hiệu trưởng này cho hay.
Nhiều giáo viên chia sẻ, so với khối lượng công việc giáo viên phải làm, thì tiền lương nhận được không xứng đáng. Vì ngoài lương thì họ ít khi có khoản thu nhập ngoài như các ngành nghề khác. Trong khi với mức thâm niên 10 năm, 20 năm, những người làm việc trong lĩnh vực khác hoàn toàn có thể thu nhập cao hơn nhiều. Chưa kể, giáo viên phải đối mặt với rất nhiều áp lực từ cấp trên, phụ huynh, học sinh.
Một giáo viên dạy Hóa 21 năm trong nghề chia sẻ, hiện cô là giáo viên bậc 2, được thăng hạng mấy năm rồi nhưng lương của cô được hơn 7 triệu. Nhà có 3 con đang học từ bậc trung học đến đại học nên thu nhập của cô cộng với chồng không đủ lại phải làm thêm công việc ngoài.
Giáo viên này chia sẻ, cô làm việc vất vả lắm, từ hồ sơ cho đến việc chấm bài đánh giá nhận xét, sổ sách khá cồng kềnh từ việc gửi giáo án hàng tuần, nhận xét sách vở học sinh, nhận xét trên cổng thông tin, biên bản họp các kiểu…
Nhưng với thu nhập của cô hiện nay, cô phải về nhà làm phụ nghề may với chồng: “Đến với nghề giáo, phần nhiều giáo viên không mong thu nhập để giàu sang nhưng ít ra cũng đủ sống. Đằng này, nhiều lúc tôi tủi thân chứ, sáng làm cô giáo, nhưng chiều lại như một công nhân nhà máy”- giáo viên này cho hay.
Trong khi ngành nghề khác được phép làm thêm, tăng thu nhập từ công việc chuyên môn, thì người giáo viên vẫn bị lên án, chỉ trích vì dạy thêm.
Nhiều giáo viên khi được hỏi, họ đều cho rằng, nếu giáo viên được trả lương cao, tôi tin rằng chẳng thầy cô nào muốn đi dạy thêm: “Tôi nghĩ nếu giáo viên nhận lương mỗi tháng được chục triệu đồng trở lên th họ toàn tâm toàn ý dạy học, không có nhu cầu dạy thêm”- giáo viên này khẳng định.
Giáo viên này chia sẻ chỉ khi nhà giáo yên tâm sống được bằng đồng lương, họ mới có thể dồn hết tâm trí vào bài giảng cho học sinh. Với mức lương hiện nay, nhà giáo phải chân trong, chân ngoài, “chia 5 xẻ 7” sức lực cũng là điều dễ hiểu.
Giáo viên dạy thêm: Có tội hay không tội, xấu hay không xấu?
Theo Thạc sĩ Võ Thị Kim Hiệp, giáo viên môn Địa lý trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM cho rằng, thực tế là vì lương thấp nên nhiều giáo viên phải dạy thêm, làm thêm kiếm thu nhập.
Tuy nhiên, theo cô Hiệp, học sinh chỉ đi học những môn như Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh, Hóa, Lý,… chứ những môn như Địa lý, Lịch sử mấy học sinh đi học thêm. Vì thế, nhiều giáo viên phải đi kiếm việc khác ngoài chuyên môn của mình.
Nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, cô giáo Nguyễn Hồng Hạnh, giáo viên dạy Ngữ Văn của một trường THPT chia sẻ rằng, không phải giáo viên nào cũng muốn dạy thêm. Nhưng thực tế là thu nhập từ nghề giáo quá thấp so với đời sống hiện nay.
“Chính học sinh, phụ huynh tìm đến giáo viên để xin học thêm vì chương trình học nặng, kéo theo bệnh thành tích, chạy theo điểm số nếu không học thêm thì không yên tâm. Thậm chí, nhiều học sinh đi học cả 2, 3 giáo viên khác nhau"- cô Hạnh cho hay.
Về vấn đề này, một hiệu trưởng một trường THCS ở Hà Nội cho rằng, nếu thực sự giáo viên chờ đợi từ lương thì chắc chắn không đủ sống. Dạy thêm cũng chỉ là ở một số môn như Tiếng Anh, Toán, Ngữ Văn, Hóa, Vật lý chứ các môn như Lịch sử, Địa lý thì chẳng thể có cơ hội.
Theo vị hiệu trưởng này, nếu cấm dạy thêm đồng nghĩa với việc “dập tắt” một phần kiếm kế sinh nhai của giáo viên.
Hiệu trưởng này đặt vấn đề, các nghề khác được làm thêm tại sao lại bắt giáo viên không dạy thêm bởi bà cho rằng, thực tế có cung thì mới có cầu. Rõ ràng, nhiều phụ huynh, học sinh có nhu cầu đi học thêm.
“Bao năm qua tôi cảm giác là khi giải quyết vấn đề này chúng ta không nhìn rõ được căn nguyên câu chuyện. Cứ không giải quyết được là tính cách cấm”- vị hiệu trưởng này nêu quan điểm.
Cũng vị hiệu trưởng này chia sẻ, ngay như ở trường bà, chính phụ huynh đặt vấn đề học thêm cho con em họ thì giáo viên, nhà trường mới tổ chức lớp.
“Thử nghĩ xem, năm ngoái ở trường tôi, mỗi buổi học thêm một môn thu của học sinh 21.000 đồng. Trong một năm học 3 môn thì cả năm một học sinh chỉ tầm hơn 2 triệu một chút. Phụ huynh tự thấy cần thiết cho con mình đi học, vậy mà sao giáo viên dạy thêm luôn bị lên án, cứ như tội đồ vậy”- vị hiệu trưởng này chia sẻ.
“Đúng là có việc dạy thêm chui, lôi kéo học sinh vào các lớp học vô hình chung làm mất đi hình ảnh cao quý của nghề giáo. Tuy nhiên, cần công bằng đánh giá tác dụng của dạy thêm của những lớp học thực chất đối với học sinh như thế nào. Vì nếu học sinh đi học vì mong muốn thực sự của từng em, sự mong muốn dung nạp thêm kiến thức thì không phải là xấu và không đáng bị lên án đến như vậy”- vị hiệu trưởng này nêu quan điểm.
Trong phiên chất vấn hồi tháng 11, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng GD&ĐT nói rõ về vấn đề dạy thêm.
Theo đại biểu này, từ trước đến nay, chúng ta tiếp cận vấn đề dạy thêm như một vấn nạn của xã hội và xử lý theo cách là cấm. Có nơi còn tổ chức mật phục bắt quả tang giáo viên dạy thêm, đưa lên báo chí. Cách ứng xử với các nhà giáo như vậy không phù hợp. Tôi cho rằng không nên có tư duy như cũ, là cái gì không quản được thì cấm.
Đại biểu này cho rằng, nên đánh giá tác dụng của dạy thêm trong đời sống như thế nào? Nó xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của phụ huynh, học sinh. "Con em chúng tôi trưởng thành, đỗ đạt, đi làm cũng một phần là nhờ học thêm. Chứng tỏ nó có tác dụng chứ không phải không", ông dẫn chứng.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn giải thích, trước đây, Bộ GD&ĐT có thông tư quy định việc dạy thêm và học thêm, nhưng nếu đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thì mới điều tiết được. Năm 2016, Luật Đầu tư bỏ dạy thêm ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên nhiều điều trong thông tư không còn hiệu lực.
Bộ GD&ĐT đang đề nghị bổ sung dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. "Còn nếu giáo viên dạy thêm cho học sinh, bớt nội dung cần dạy trên lớp, dạy cho nhóm riêng biệt thì đây là vấn đề đạo đức công vụ, đạo đức nhà giáo, cần phải cấm. Dạy trực tuyến đã căng thẳng, nếu giáo viên dạy thêm theo cách này thì mới là điều cần lên án", Bộ trưởng Sơn nói.
"Ngành y được làm thêm mà giáo dục không được làm thêm. Có nơi còn tổ chức mật phục bắt quả tang giáo viên dạy thêm, cách ứng xử với các nhà giáo như vậy không phù hợp...", ĐBQH Nguyễn Công Long nêu quan điểm.