Sáng 11/11, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội.
Theo Bộ trưởng, gần hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã làm đảo lộn và tàn phá tất cả các lĩnh vực của đời sống, trong đó giáo dục và đào tạo là lĩnh vực chịu ảnh hưởng rất nặng nề.
Việc học tập trực tuyến, học truyền hình trong điều kiện hạ tầng còn rất rất nhiều khó khăn, thiếu thốn đã gây ra nhiều hệ lụy và ảnh hưởng tiêu cực. Học sinh căng thẳng, mệt mỏi, thầy cô cực nhọc và áp lực, phụ huynh bức xúc, xã hội lo lắng.
Đề cập vấn đề dạy thêm, học thêm trực tuyến, đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) cho rằng, thực tế gần đây xuất hiện tình trạng dạy thêm, học thêm trực tuyến. Học sinh bị ép học thêm. Cử tri bức xúc kiến nghị Bộ cần thanh tra việc dạy thêm, học thêm trực tuyến.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng GD&ĐT nêu rõ, việc dạy thêm học thêm trong trạng thái bình thường đã là không được, nhất là trong bối cảnh học sinh phải học trực tuyến đã rất căng thẳng.
Bộ trưởng đề nghị các địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.
Dạy thêm, giải quyết thế nào?
Tham gia tranh luận về vấn đề dạy thêm, đại biểu Nguyễn Công Long nói rằng, theo như Bộ trưởng trả lời thì quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn là cấm dạy thêm trực tuyến.
"Tôi hiểu rằng như vậy là quan điểm của ngành giáo dục về vấn đề này là phải cấm. Tôi đồng tình với Bộ trưởng là phải cấm dạy thêm trực tuyến, vì lợi ích của các cháu. Nhưng nếu chỉ cấm thì chưa giải quyết được căn nguyên của vấn đề", ông Long nói.
Ông phân tích, từ trước đến nay "chúng ta tiếp cận vấn đề dạy thêm như một vấn nạn của xã hội và xử lý theo cách là cấm. Có nơi còn tổ chức mật phục bắt quả tang giáo viên dạy thêm, đưa lên báo chí. Cách ứng xử với các nhà giáo như vậy không phù hợp. Tôi cho rằng không nên có tư duy như cũ, là cái gì không quản được thì cấm", ông Long nêu quan điểm.
Ông cho rằng, nên đánh giá tác dụng của dạy thêm trong đời sống như thế nào? Nó xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của phụ huynh, học sinh. "Con em chúng tôi trưởng thành, đỗ đạt, đi làm cũng một phần là nhờ học thêm. Chứng tỏ nó có tác dụng chứ không phải không", ông dẫn chứng.
"Có đại biểu ví von tại sao ngành giáo dục cấm dạy thêm mà y tế không cấm bác sĩ làm thêm ở ngoài. Vậy tôi đặt vấn đề lại là tại sao ngành y được làm thêm mà giáo dục không được. Tôi cảm giác là khi giải quyết vấn đề này chúng ta không nhìn rõ được căn nguyên câu chuyện", ĐBQH Nguyễn Công Long.
Tại phiên chất vấn hôm qua, có đại biểu ví von tại sao ngành giáo dục cấm dạy thêm mà y tế không cấm bác sĩ làm thêm ở ngoài. "Vậy hôm nay tôi đặt vấn đề lại là tại sao ngành y được làm thêm mà giáo dục không được. Tôi cảm giác là khi giải quyết vấn đề này chúng ta không nhìn rõ được căn nguyên câu chuyện", ông Long nêu quan điểm.
Cả nước có 38.000 giáo viên phổ thông tiểu học. Vấn đề dạy thêm xuất phát từ thực trạng là lương của giáo viên quá thấp, rất nhiều giáo viên coi dạy thêm như kế mưu sinh. "Cần nhìn thẳng vào vấn đề này để giải quyết thấu đáo. Qua hai năm đại dịch vừa rồi, giáo viên cũng cần cứu trợ", đại biểu Long bày tỏ.
Trả lời câu hỏi của ĐBQH Nguyễn Công Long, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn giải thích, trước đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thông tư quy định việc dạy thêm và học thêm, nhưng nếu đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thì mới điều tiết được. Năm 2016, Luật Đầu tư bỏ dạy thêm ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên nhiều điều trong thông tư không còn hiệu lực.
Bộ Giáo dục đang đề nghị bổ sung dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. "Còn nếu giáo viên dạy thêm cho học sinh, bớt nội dung cần dạy trên lớp, dạy cho nhóm riêng biệt thì đây là vấn đề đạo đức công vụ, đạo đức nhà giáo, cần phải cấm. Dạy trực tuyến đã căng thẳng, nếu giáo viên dạy thêm theo cách này thì mới là điều cần lên án", Bộ trưởng Sơn nói.
Sáng 11/11, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội với 4 nhóm vấn đề chính là:
- Việc bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch Covid-19.
- Công tác dạy và học trực tuyến bảo đảm hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền.
- Phương án thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
- Giảm tải chương trình học cho học sinh ra sao; công tác an toàn trường học, y tế học đường để học sinh, sinh viên có thể trở lại trường học.