Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Không phó thác sách giáo khoa cho nhà xuất bản và tác giả

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong phiên chất vấn sáng 11/11, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng GD&ĐT nói rõ vấn đề sạn, lỗi trong sách giáo khoa.

Theo ĐB Trần Công Phàm (Bình Dương), nhiều cử tri nói sách giáo khoa còn nhiều lỗi và sạn, có những phần thiếu tính khoa học. Ý kiến đó đúng không? Nếu đúng, Bộ trưởng đã và sẽ làm gì để nâng cao chất lượng sách giáo khoa?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, để có được bộ sách giáo khoa chất lượng cần nhiều yếu tố, trong đó người biên soạn rất quan trọng. Đó còn là quy trình biên soạn, tổ chức thẩm định, dạy thực nghiệm,...

Bộ trưởng cho biết thời gian qua, Bộ GD&ĐT đang sửa đổi Thông tư 33 quy định về biên soạn, thẩm định và xuất bản sách giáo khoa. Văn bản này đang lấy ý kiến trên mạng.

Bộ trưởng cho rằng, chủ trương là Bộ GD&ĐT giám sát, đồng hành cùng nhóm tác giả ngay từ đầu, không đợi nhóm tác giả, nhà xuất bản mang bản mẫu đến bộ thẩm định. Bộ GD&DT cần theo sát chứ không chỉ phó thác cho các nhà xuất bản, nhóm tác giả.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế hỏi, bộ sách khoa học tự nhiên, tiếng Việt của NXB Giáo dục Việt Nam có một số điểm thiếu tính khoa học và giáo dục. Trong đó, môn học tích hợp trong chương trình sách giáo khoa mới đang nảy sinh tình trạng một môn học có ba giáo viên được lên lớp, do chuyên môn giáo viên khác nhau.

"Về lâu dài Bộ GD&ĐT đang điều chỉnh về quy trình, điều kiện để đảm bảo sách giáo khoa có chất lượng ngày càng cao hơn", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời, khi có các ý kiến về sách giáo khoa, hội đồng chuyên môn đã trao đổi với các đơn vị, kịp thời điều chỉnh, sửa chữa nội dung trước khi đến tay học sinh. "Về lâu dài Bộ GD&ĐT đang điều chỉnh về quy trình, điều kiện để đảm bảo sách giáo khoa có chất lượng ngày càng cao hơn", ông Sơn nói.

Trong phần tranh luận, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng câu trả lời của bộ trưởng về một số bài học thiếu tính khoa học, giáo dục trong sách giáo khoa chưa thuyết phục.

Bà Thúy cho rằng, học sinh đã mua và học sách giáo khoa chứ không phải đã được chỉnh sửa trước khi xuất bản. Do đó, dư luận trông chờ vào giải quyết dứt điểm, kịp thời, minh bạch của Bộ GD&ĐT, cần có sự trả lời trước công luận càng sớm càng tốt.

Bà Thúy cho rằng tập thể tác giả, NXB Giáo dục Việt Nam phải có trách nhiệm lắng nghe, giải trình trước công luận và đưa ra hướng khắc phục. Bộ GD&ĐT là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt sách giáo khoa, trách nhiệm trước hết là của hội đồng thẩm định do bộ thành lập, đến cơ quan tham mưu của bộ, lãnh đạo bộ.

Đại biểu Thúy tranh luận, việc phê duyệt sách giáo khoa là của nhiệm kỳ trước nhưng trách nhiệm quản lý Nhà nước là xuyên suốt. Vì vậy, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cần chỉ đạo NXB Giáo dục Việt Nam và tập thể tác giả nói trên trả lời công luận. Nếu có sai sót, lãnh đạo Bộ phải chỉ đạo sửa chữa, khắc phục, xử lý theo thẩm quyền.

Bộ trưởng GD&ĐT cho biết ghi nhận ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy và sẽ có những chỉ đạo cụ thể trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG