Giáo viên ngoại thành ‘mệt phờ’ vừa dạy trực tiếp vừa dạy thêm trực tuyến cho học sinh

0:00 / 0:00
0:00
Học sinh ngoại thành đi học trở lại. Ảnh minh họa
Học sinh ngoại thành đi học trở lại. Ảnh minh họa
TPO - Theo nhiều hiệu trưởng, nhiều giáo viên tại một số trường ngoại thành Hà Nội thừa nhận, sau khi học sinh lớp 9 được tổ chức dạy học trực tiếp, nhà trường đang gấp rút lên kế hoạch ôn tập, bổ trợ kiến thức cho học sinh lớp 9.

Giáo viên mệt phờ vì vừa dạy trực tuyến, vừa dạy trực tiếp

Cô Nguyễn Thị Định, giáo viên dạy Hóa của một trường THCS ở Phú Xuyên, Hà Nội cho rằng, trong một vài tuần đầu dạy học trực tuyến, giáo viên rất mệt vì vừa phải ổn định lớp, vừa phải dạy kiến thức mới cho học sinh và phải bồi đắp lại kiến thức cũ mà ở thời gian học trực tuyến học sinh không nắm chắc.

Cũng theo cô Định, thời gian học trực tuyến, mỗi tiết học giáo viên đều mất một khoảng thời gian nhất định để ổn định lớp, thời gian thực học chỉ còn khoảng 30-35 phút. Để đảm bảo kiến thức cho học sinh, đặc biệt là học sinh cuối cấp, các thầy cô giáo dạy các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ đã tự nguyện dạy bổ trợ miễn phí vào buổi chiều cho các em.

“Như vậy, thay bằng chỉ học một buổi trực tuyến như thời gian trước thì khi học trực tiếp giáo viên phải làm việc bằng hai để bổ sung kiến thức cho các em nếu không thi lên lớp 10 rất đáng lo lắng”- cô Định chia sẻ.

Cô Đỗ Thị Hương, giáo viên dạy Toán ở Hoài Đức, Hà Nội cho biết, qua một tuần học sinh học trực tiếp thì có rất nhiều khó khăn, thách thức với các học sinh và giáo viên.

Theo cô Hương, sở dĩ học sinh không thể chắc kiến thức vì một tiết học trực tuyến phải rút ngắn hơn, học sinh thì đa số sử dụng học bằng điện thoại, chỗ ngồi học của học sinh không đủ tập trung, nhiều học sinh nhắn tin, chơi điện tử, trong giờ học.

“Lớp học của tôi có 34 học sinh nhưng chỉ có 3 học sinh học trực tuyến bằng máy tính xách tay. Mặt khác, mạng chậm, trong một tiết chỉ 30-45 phút thì có học sinh bị ra khỏi lớp liên tục đến gần chục lần, giáo viên vừa dạy vừa phải cho học sinh vào lớp nên thời gian thực học không được bao nhiêu dẫn đến kiến thức của học sinh rơi rụng trầm trọng”- cô Hương cho hay.

Tại trường THCS Tản Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội, cô Đỗ Thị Nhân Sinh, phó hiệu trưởng cho biết, từ ngày 8/11, toàn trường có 6 lớp khối lớp 9 trở lại học trực tiếp. Bên cạnh các hoạt động đảm bảo về phòng chống dịch, trường còn đặc biệt quan tâm tới việc bồi dưỡng kiến thức cho học sinh cuối cấp chuẩn bị thi vào lớp 10.

Cũng theo cô Sinh, 3 lớp đi học buổi sáng thì chiều lại học trực tuyến ở nhà với ba môn Toán, Ngữ Văn và Tiếng Anh để chắc kiến thức với mỗi buổi tương đương 2-3 tiết, mỗi môn một buổi trong tuần.

Cô Sinh cho rằng, học sinh khối lớp 9 trên toàn thành phố Hà Nội năm nay có những thiệt thòi, khó khăn khi trải qua 2 năm liền có thời gian dài học trực tuyến, không được đến trường.

“Mọi năm đi học bình thường dạy học sinh lớp 9 giáo viên áp lực thì nay dạy trong tình hình dịch vẫn căng thẳng thì giáo viên cũng như học sinh càng áp lực, vất vả hơn”- cô Sinh chia sẻ.

Bà Đỗ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Khai, Hoài Đức, Hà Nội cũng cho biết, toàn trường có 3 lớp 9 đã đến trường học trực tiếp từ ngày 24/11.

“Trong thời gian này, chúng tôi tiếp tục duy trì việc học bổ trợ miễn phí vào buổi chiều với học sinh lớp 9, rà soát, phân loại, đánh giá học lực học sinh để có kế hoạch ôn tập phù hợp với từng em”, cô Dung cho biết.

Về kế hoạch dạy và học với học sinh lớp 9, cô Dung cho biết, trong thời gian học trực tuyến, Ban giám hiệu đã yêu cầu các giáo viên dạy chắc kiến thức cơ bản của chương trình chính khóa, bên cạnh đó, sau mỗi buổi học, thầy cô giáo đều giao bài tập để học sinh tự hoàn thành sau đó tiếp tục chữa bài.

Mong học sinh các khối sớm trở lại trường

Bà Đỗ Thị Nhân Sinh, phó hiệu trưởng Trường THCS Tản Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội cho biết, nhà trường rất lo lắng cho chất lượng học sinh lớp 9 năm nay vì đây là lứa học sinh chịu ảnh hưởng dịch bệnh 3 năm liên tiếp, phải học trực tuyến kéo dài, chất lượng dạy học không thể bằng trực tiếp.

Bà Sinh cũng cho biết, học sinh lớp 9 đã tiêm gần 100% vào ngày chủ Nhật tuần trước và dự kiến một vài ngày tới học sinh lớp 7,8 sẽ được tiêm xong.

“Dù việc đi học trong tình hình dịch căng thẳng rất vất vả nhưng vẫn mong học sinh tất cả các khối sớm được đến trường chứ việc học trực tuyến chất lượng không như ý muốn nên khi quay lại trường vẫn phải vừa học trực tiếp vừa học trực tuyến rất vất vả cho giáo viên"- bà Sinh cho hay.

Tương tự, bà Đỗ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Khai, Hoài Đức, Hà Nội, cho rằng, với tình hình dịch bệnh như hiện nay nhưng giáo viên và nhà trường rất mong học sinh các khối khác có thể sớm quay trở lại trường.

“Học sinh lớp 7,8 của trường vừa được tiêm xong vào ngày hôm qua (30/11). Hy vọng học sinh sẽ sớm được trở lại trường để học sinh và giáo viên được học tập trung chứ nhiều giáo viên dạy cả khối 9 và khối 7,8 rất vất vả vì vừa phải dạy trực tuyến vừa dạy trực tuyến”- bà Dung chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.