Gần như 100% trường đại học ở Hà Nội vẫn chưa mở cửa đón sinh viên trở lại. Ở các địa phương khác, tùy tình hình dịch COVID-19, nơi sinh viên được học trực tiếp, nơi vẫn phải học trực tuyến.
Mở cửa 1 tháng rồi lại đóng
Đầu tháng 10, các trường ĐH, khoa thành viên của ĐH Thái Nguyên mở cửa đón sinh viên học trực tiếp. Các trường thành viên đã khảo sát, phân loại người học theo vùng (vùng xanh, vàng, cam, đỏ). Tuy nhiên, đầu tháng 11, dịch COVID-19 bùng phát tại địa phương, sinh viên ĐH Thái Nguyên phải dừng học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến hoặc kết hợp, trừ Trường ĐH Y dược. Hiện tại, sinh viên Trường ĐH Y dược, ĐH Thái Nguyên vẫn đến trường học trực tiếp bình thường do đặc thù ngành học; một bộ phận sinh viên Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp cũng được học trực tiếp do ở lại trường.
Tại Hà Nội, sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội đã đến trường học trực tiếp từ đầu tháng 11. Theo lãnh đạo nhà trường, cơ bản sinh viên đã được tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 và do đặc thù của ngành nên an tâm triển khai học tập. ĐH Bách khoa Hà Nội cho phép sinh viên năm cuối, đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin đến trường thực hành, thí nghiệm từ ngày 25/11. Ông Đinh Văn Hải, Trưởng phòng Công tác Chính trị sinh viên của trường, cho hay, sinh viên đến trường đều phải tuân thủ yêu cầu 5K, ký cam kết hết giờ học phải rời khỏi trường, không tụ tập.
PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, khẳng định, trường luôn sẵn sàng đón sinh viên trở lại học. Tuy nhiên, kế hoạch mở cửa thế nào phụ thuộc nhiều vào quyết định của UBND thành phố Hà Nội về công tác phòng chống dịch.
Vừa qua UBND thành phố có chủ trương có thể cho học sinh THPT quay trở lại trường từ ngày 6/12, nên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ xem xét để đưa ra kế hoạch cụ thể.
Lãnh đạo Trường ĐH Ngoại thương cho biết chưa thể đưa ra mốc thời gian cụ thể sinh viên quay lại trường; sinh viên vẫn đang học trực tuyến. Thời gian qua, Trường ĐH Ngoại thương đã lên các phương án mở cửa trường nhưng cuối cùng không thực hiện được, nên lần này chờ quyết định cụ thể của UBND thành phố Hà Nội. PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải, thông tin, toàn bộ sinh viên từ năm thứ nhất đến năm thứ 4 của trường học trực tuyến hết học kỳ I. Những sinh viên học chương trình 4,5 năm đang trong thời gian làm đồ án tốt nghiệp thì vẫn liên hệ giảng viên hướng dẫn. Tuy nhiên, những sinh viên này gặp khó khăn khi thu thập số liệu do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Linh hoạt các hình thức học
Lê Hữu Hiếu, sinh viên năm thứ 5 ngành Y khoa, Trường ĐH Y dược TPHCM, cho hay, với các môn lý thuyết, em đang học trực tuyến và sẽ đến trường thi trực tiếp theo các nhóm nhỏ. Với các môn học lâm sàng phải sử dụng phòng thí nghiệm hay phòng lab mô phỏng, em đến trường học trực tiếp. Giảng viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, sinh viên của trường vẫn đang học trực tuyến, chưa học trực tiếp.
Theo kế hoạch được phổ biến, sắp tới trường sẽ bắt đầu hình thức dạy học hoàn toàn mới, trong đó tất cả học phần lý thuyết học trực tuyến; nội dung thực tập cơ sở có thể diễn ra theo 1 trong 3 cách: trực tuyến hoàn toàn, 50% trực tuyến và 50% tại cơ sở, 70% trực tiếp tại cơ sở và 30% trực tuyến. Riêng phần thực hành lâm sàng tại bệnh viện, sinh viên được làm việc 100% trực tiếp.
Nhiều trường ÐH tại TPHCM cho biết, sẽ triển khai học trực tiếp sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Trường ÐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ÐH Quốc gia TPHCM dự kiến mở cửa vào cuối tháng 12 và ưu tiên sinh viên năm cuối. Kết quả khảo sát của trường cho thấy, khoảng 60% trong số 2/3 sinh viên đã phản hồi mong muốn được trở lại trường sau Tết Nguyên đán. Tâm lý chung của sinh viên các trường ÐH khi được khảo sát nguyện vọng quay trở lại trường thời gian này là e ngại học trực tiếp khi dịch vẫn còn. Ðiều này cũng khiến các trường băn khoăn trước quyết định mở cửa trở lại.
Một số cơ sở giáo dục ĐH khác tại TPHCM cũng bắt đầu từng bước đón sinh viên trở lại trường. Trường ĐH Công nghệ TPHCM từ tuần này cho sinh viên đến trường để học các môn thực hành, thí nghiệm, làm đồ án… Sinh viên học trực tiếp được chia thành nhóm nhỏ.
Nếu học trực tiếp trở lại, trường cũng sẽ cho sinh viên học cả trực tiếp và trực tuyến. Trường ĐH Văn Lang thông tin, các môn thực hành, thí nghiệm sẽ học tập trung theo các nhóm nhỏ. Hiện nay, chỉ có sinh viên đã tiêm 2 mũi vắc xin đang ở tại TPHCM mới có thể đến trường. Dù sau này dù dịch COVID-19 được khống chế thì một số môn học vẫn được Trường ĐH Văn Lang triển khai dạy trực tuyến.
Một trong những ảnh hưởng quan trọng đối với sinh viên khi dịch COVID-19 bùng phát là tiến độ tốt nghiệp. Sinh viên khối trường kỹ thuật phải được đến trường để thực hành, thí nghiệm trực tiếp trong quá trình làm đồ án nên sẽ gặp khó khăn. Ông Đinh Văn Hải, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết, nhiều sinh viên năm cuối ở các tỉnh không về trường được đã chủ động xin kéo dài thời gian tốt nghiệp. Những sinh viên này chấp nhận tốt nghiệp muộn để đảm bảo phòng chống dịch an toàn.