Dạy thêm khi học trực tuyến: Có cấm được không khi phụ huynh cho con đi học 'ào ào'?

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TPO - Lo con bị hổng kiến thức khi học online, nhiều phụ huynh đã gấp rút tìm các lớp học thêm, mời gia sư dạy kèm cho con trong mùa dịch. Trong khi đó, cử tri bức xúc kiến nghị Bộ GD&ĐT cần thanh tra việc dạy thêm, học thêm trực tuyến.

Giáo viên kêu trời, phụ huynh tức tốc cho con đi học thêm

Chị Nguyễn Thị Bích (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có 3 con nhỏ cho biết, ngoài các tiết học trực tuyến trên lớp, hàng ngày chị đều dành thời gian để kèm thêm cho con trai đang học lớp 4.

Riêng với 2 con đang học lớp 9 và lớp 12, chị Bích phải vừa cho con đi học thêm của giáo viên lớp và có môn thuê hẳn gia sư đến tận nhà kèm thêm cho con. Có môn, để nắm chắc lượng kiến thức năm nay cuối cấp, chị cho con học ở hai giáo viên khác nhau. Tính trung bình, mỗi tháng chị Bích chi hơn 5 triệu đồng cho con học thêm mấy môn chính như Tiếng Anh, Toán, Ngữ văn để củng cố kiến thức.

Lí do cho con đi học, theo chị Bích, vì học trực tuyến thời gian qua với các con thực sự chưa hiệu quả, thời gian học trực tuyến kéo dài, nếu không có cách bổ trợ kiến thức thì con rất dễ bị mất gốc.

Chị Nguyễn Thị Đức (Từ Liêm, Hà Nội) cũng cho hay, dù không muốn con học hành vất vả, song chị vẫn lựa chọn cho con học thêm mùa dịch bởi lo ngại con bị thiếu quá nhiều kiến thức khi học online kéo dài.

Chị Đức cho rằng, không chỉ giờ mới thấy lỗ hổng kiến thức mà chị đã cho con học thêm từ trước khi vào đầu năm học với môn Toán, Tiếng Anh. Phụ huynh này cho rằng, với những con không ý thức tự học rất dễ sa đà vào mạng internet, kiến thức không những được bổ sung mà còn rơi rụng hết.

Cô Đỗ Thị Linh, một giáo viên dạy tin học ở trường Tiểu học ở Hoài Đức, Hà Nội cho rằng, con trai chị năm nay học lớp 6 ở trường chất lượng cao của huyện nhà. Nên từ đầu năm học, để theo kịp các bạn, chị đã cho con đi học thêm ít nhất 3 môn, mất cả mấy triệu tiền học phí mỗi tháng.

Chị Nguyễn Thị Minh, có con đang học lớp 6 tại trường THCS ở TP. HCM cũng thừa nhận, do con mình đầu cấp, dù đã phải theo sát, hướng dẫn con tự học, đọc sách như thế nào, ghi bài ra làm sao, thầy cô giáo chốt kiến thức trọng tâm chỗ nào. Tuy nhiên, chị Minh vẫn nhận thấy việc học trực tuyến coi như “đuối toàn tập”.

Vì theo chị Minh, thời gian học trực tuyến chỉ sơ sơ, học sinh không kịp để hiểu mà bài thì nhiều. Mỗi ngày lượng kiến thức chồng lên thấy con cũng mệt nên đành cho con đi học thêm Toán.

“Tuần em cho con học 1 buổi chủ nhật để có cơ hội rèn luyện bài tập. Chứ em không biết tìm đâu bài tập để dạy con. Mặt khác, học online cô trò cũng chưa biết nhau, chưa bao quát hết được. Với lại, thực tế, con em học với thầy bên ngoài trước khi học trong lớp nên mới theo kịp. Năm nay, nội dung dạy lý thuyết cho kịp chương trình là đuối chứ chưa nói đến bài tập. Số tiết học giảm nhiều”- chị Minh chia sẻ.

Có nên cấm dạy thêm?

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tại kỳ họp Quốc hội vừa diễn ra, một số đại biểu Quốc hội cho biết, dù Bộ GD&ĐT đã nghiêm cấm việc dạy thêm, học thêm trong mùa dịch, nhưng thực tế vẫn xuất hiện các lớp dạy thêm trực tuyến. Thậm chí học sinh bị ép học thêm.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng GD&ĐT nêu rõ, việc dạy thêm học thêm trong trạng thái bình thường đã là không được, nhất là trong bối cảnh học sinh phải học trực tuyến đã rất căng thẳng.

Bộ trưởng đề nghị các địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.

Đại biểu Nguyễn Công Long nói rằng, theo như Bộ trưởng trả lời thì quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn là cấm dạy thêm trực tuyến.

"Tôi hiểu rằng như vậy là quan điểm của ngành giáo dục về vấn đề này là phải cấm. Tôi đồng tình với Bộ trưởng là phải cấm dạy thêm trực tuyến, vì lợi ích của các cháu. Nhưng nếu chỉ cấm thì chưa giải quyết được căn nguyên của vấn đề", ông Long nói.

Ông phân tích, từ trước đến nay "chúng ta tiếp cận vấn đề dạy thêm như một vấn nạn của xã hội và xử lý theo cách là cấm. Có nơi còn tổ chức mật phục bắt quả tang giáo viên dạy thêm, đưa lên báo chí. Cách ứng xử với các nhà giáo như vậy không phù hợp. Tôi cho rằng không nên có tư duy như cũ, là cái gì không quản được thì cấm", ông Long nêu quan điểm.

Về vấn đề dạy thêm, cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM cho rằng, dạy thêm không xấu. Nhưng xấu là cách thức dạy, mục đích dạy, dạy và học thêm vì điều gì.

“Em xin hỏi một câu vậy có học sinh nào đi học thêm Sử, Địa và Công dân không. Đó cũng là những môn thi tốt nghiệp đấy. Những giáo viên ấy đã dạy vì điều gì? Có chạy theo chương trình hay không? Có đánh giá khách quan không”- cô Thảo đặt vấn đề.

Cô Thảo cho rằng, ai cũng hiểu vấn đề này. Nhưng còn vấn đề nữa là do cả phụ huynh, học sinh cố gắng học nhằm nâng cao chất lượng học tập thông qua nâng cao điểm số. Điều này tất nhiên không ai dám mạnh dạn hay dám để cho con, em mình bị nhận xét hay đánh giá không tốt... Nên việc này không đơn giản để giải quyết theo kiểu dịch chuyển sang việc chấm dứt dạy và học thêm.

Cô Huyền cho rằng, cần nhìn nhận khách quan nguyên nhân của việc dạy thêm, học thêm, ý nghĩa của việc dạy thêm chứ không chỉ đơn giản không quản được thì cấm.

Cô Huyền đồng tình với quan điểm dạy thêm là ngành kinh doanh có điều kiện và có quy chế, pháp chế để quản lý sẽ tốt hơn. Càng cấm là càng biến tướng rồi cuối cùng dạy và học thêm như "tội phạm xã hội" thì cũng không được.

“Vấn đề là soạn thảo các quy chế, quy định và điều kiện như thế nào. Công khai, minh bạch thì điều này làm cho xã hội nhìn nhận một cách công khai và cùng giám sát cụ thể”- cô Huyền nêu quan điểm.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.