Sẵn sàng đón học sinh
Sau khi được Hà Nội phê duyệt kế hoạch cho học sinh khối lớp 10, 11, 12 các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tại các xã, phường, thị trấn của tất cả 30 quận, huyện, thị xã đi học trực tiếp từ 6/12, Sở GD&ĐT có thông báo tới các trường để triển khai kế hoạch.
Tuy nhiên, đến ngày 5/12, một số trường THPT tại Hà Nội đề xuất lùi thời gian học sinh đi học với lý do nhiều phụ huynh vẫn băn khoăn, lo lắng khi Thủ đô mỗi ngày có thêm hơn 500 ca mắc COVID-19. Cùng ngày, Sở GD&ĐT Hà Nội thông báo điều chỉnh kế hoạch dạy học, trong đó, chỉ cho học sinh lớp 12 đi học trực tiếp theo phương thức 50% học trực tiếp thứ 2, thứ 4, thứ 6; các ngày còn lại học trực tuyến; 50% số lớp 12 học trực tiếp thứ 3, thứ 5, thứ 7 và các ngày còn lại học trực tuyến. Học sinh lớp 9 của 18 huyện, thị xã vẫn học trực tiếp như trước đó. Học sinh các khối lớp khác tiếp tục học trực tuyến và chờ thông báo tiếp theo.
Trả lời phóng viên, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, đã có 95% học sinh THPT tiêm vắc xin mũi 1 nhưng việc phút chót có thay đổi phương án dạy học là do những ngày gần đây số lượng F0 tăng đột biến, trong đó nhiều ca mắc trong cộng đồng, nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng cũng như một số trường có mong muốn tạm dừng dạy học trực tiếp. Do đó, Sở GD&ĐT Hà Nội điều chỉnh kế hoạch tổ chức cho học sinh học trực tiếp nhằm đảm bảo an toàn cho các em.
Việc Hà Nội chỉ cho 50% học sinh lớp 12 học trực tiếp; 50% em học trực tuyến cũng là nhằm hạn chế tập trung cùng lúc nhiều học sinh ở trường. Ông Cương trăn trở, năm học 2021-2022, Hà Nội là địa phương có diễn biến dịch bệnh phức tạp, học sinh từ lớp 1-12 học trực tuyến kéo dài. Đầu tháng 12, đơn vị cho học sinh khối 9 của huyện Ba Vì, sau đó mở rộng ra 18 huyện, thị xã học trực tiếp. Qua đánh giá, học sinh, giáo viên phấn khởi, chất lượng tốt, các em đảm bảo an toàn, không có ca mắc COVID-19 trong trường học. Đó là căn cứ để Sở GD&ĐT có phương án cho học sinh THPT tới trường.
Phương án điều chỉnh
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, có con học lớp 11, Trường THPT Chu Văn An, quận Tây Hồ, nói rằng, cả gia đình lâu nay mong ngóng ngày con được đi học trực tiếp. Ở lớp, con được giao lưu thầy cô, bạn bè thay vì ngồi lì trước máy tính học trực tuyến. Tuy nhiên, khi được thông báo học trực tiếp, chưa vơi nụ cười chị đã thấy lo lắng vì số ca mắc COVID-19 tăng từng ngày. “Dừng cho học sinh khối 10, 11 tới trường, để học sinh khối 12 đi học sẽ có ít học sinh tập trung cùng lúc, nguy cơ lây nhiễm sẽ thấp hơn”, chị Hoa nói.
"Nếu không giải bài toán cho học sinh Hà Nội đi học sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Đó cũng là áp lực không nhỏ của ngành cũng như các nhà trường, học sinh”.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội
Bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên, quận Đống Đa, cho biết, đến trưa 5/12, nhà trường đã hoàn tất bước chuẩn bị cuối cùng để đón học sinh đi học. Từ sáng sớm, nhân viên dựng barie phân luồng, dựng ô che nắng, lau dọn toàn bộ bàn ghế, dụng cụ học tập… Trường cũng yêu cầu giáo viên, nhân viên tập dượt kế hoạch đón học sinh đảm bảo, tất cả các em đều được đo nhiệt độ, đi đúng giãn cách lên lớp học.
Bà Trần Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, quận Hoàn Kiếm, nói rằng, trường đã xây dựng các phương án sẵn sàng đón học sinh. Trước khi có phương án mới, chỉ cho 50% học sinh khối 12 đi học, phụ huynh khá lo lắng vì con chưa tiêm đủ 2 mũi.
“Tuy nhiên, với số lượng học sinh đến trường ít, Hà Nội đã có tập huấn, ban hành các văn bản về quy trình phòng dịch trước, trong và sau khi học sinh tới trường chặt chẽ. Nhà trường sẽ thực hiện nghiêm quy trình đó, nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh và không bị động trước bất kỳ tình huống nào”, bà Yến nói.
Băn khoăn, lo ngại
Quận Cầu Giấy có tất cả 17 trường THPT; các trường ngoài công lập xin lùi thời gian hoạt động để chuẩn bị kỹ hơn về điều kiện trường lớp cũng như tâm lý phụ huynh. Trong đó có trường dự kiến sẽ mở cửa tháng 1/2022.
Khảo sát ý kiến phụ huynh, Trường Marie Curie cho biết, có 74-83% phụ huynh ở hai cơ sở chưa đồng tình với việc cho con đi học. Do đó, trong đêm 4/12, trường thông báo khẩn tạm dừng kế hoạch học trực tiếp. Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang sau đó cho biết, ngay cả khi Hà Nội đã thay đổi phương án, chỉ cho khối 12 học trực tiếp, phụ huynh vẫn mong muốn được lùi thêm thời gian đến khi học sinh tiêm xong mũi 2. “Trường có 100 phòng học, trong khi khối THPT chỉ có 36 lớp, mỗi lớp có 30 học sinh có thể bố trí đảm bảo giãn cách nhưng với mong muốn của phụ huynh, trường quyết định lùi thời gian mở cổng trường đến khi có thông báo mới”, ông Khang nói.
Ông Phạm Gia Hữu, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân, nói rằng, về điều kiện mức độ dịch, tất cả các trường trên địa bàn đều đáp ứng cho học sinh đi học nhưng hôm nay chỉ có 6/14 trường mở cửa. Trong đó, Trường Chuyên KHTN do đặc thù có học sinh ở nhiều địa phương khác nhau, việc thông báo cho các em tựu trường cần có thời gian chuẩn bị, do đó xin lùi đến ngày 20/12. Khối trường công lập cũng có Trường THPT Nhân Chính và Trường THPT Trần Hưng Đạo lùi thời gian trở lại trường học trực tiếp thêm ít ngày để chuẩn bị đủ điều kiện cơ sở vật chất.
Ông Vũ Đình Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Thanh Xuân, nói trường có 594 học sinh lớp 12 được bố trí 14 lớp học. Trước đó, đoàn kiểm tra của quận chưa cho phép trường hoạt động vì còn vướng tiêu chí số lượng học sinh/lớp chưa đảm bảo giãn cách. Nếu chia đôi lớp học, trường sẽ gặp khó khăn về bố trí giáo viên đứng lớp. Do đó, trường lùi kế hoạch đón học sinh trở lại 2-3 ngày để có phương án chặt chẽ hơn.
Quận Hà Đông có 10 trường THPT; chỉ có Trường Ban Mai xin lùi thời gian mở cửa trở lại và đã được quận cho phép. Quận Ba Đình cả 8/8 trường THPT đều có lịch cho học sinh trở lại trường từ ngày 6/12.