Hà Nội: Một học sinh đi học vẫn mở cổng trường

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: Trọng Tài
Ảnh: Trọng Tài
TP - Sau 3 ngày Hà Nội cho học sinh lớp 12 đi học, có trường xuất hiện F1 buộc cả lớp chuyển sang học trực tuyến; có trường chỉ có 9 em đi học.

Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) có 681 học sinh lớp 12, nhưng trong ngày đầu tiên đi học chỉ có 33 em đến lớp. Đến ngày thứ 2 chỉ còn 9 học sinh tới trường.

Trả lời báo chí, bà Vũ Thị Hậu, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông, cho biết nhà trường thực hiện đúng hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội, chỉ có 50% học sinh lớp 12 đến trường vào các ngày: thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu và 50% em còn lại đi học: thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy. Trường THPT Trần Nhân Tông nằm trên địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 2, đủ điều kiện dạy học trực tiếp theo hướng dẫn của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều học sinh ở khu vực tình hình dịch bệnh phức tạp, trong đó nhiều em thuộc khu vực phong tỏa hoặc phải đi cách ly y tế.

Trước đó, một học sinh đến trường tiêm vắc xin là F0, dẫn tới cả giáo viên chủ nhiệm và các bạn cùng lớp trở thành F1 phải cách ly tập trung. Toàn trường hiện có 12 học sinh là F0 đang được điều trị nhưng đều ở tình trạng nhẹ. “Với tình hình như thế, phụ huynh chưa yên tâm cho con tới trường, có thể thông cảm được. Trước đó, trường có khảo sát ý kiến phụ huynh, chỉ có 9 người đồng ý cho con đi học. Do đó, trong ngày đầu có 33 học sinh đi học chúng tôi đã rất mừng”, bà Hậu nói.

Cũng theo bà Hậu, hiện trường kết hợp 2 phương thức dạy học trực tuyến và trực tiếp. Với những lớp chỉ có 1-2 học sinh đến học, giáo viên vẫn dạy trực tiếp đồng thời kết nối màn hình máy chiếu để các em ở nhà học trực tuyến vẫn cảm nhận được không khí trên lớp. “Quan điểm của trường là chấp hành nghiêm văn bản chỉ đạo của thành phố và Sở GD&ĐT Hà Nội nên dù chỉ có một học sinh đi học cũng phải có giáo viên giảng dạy”, bà Hậu nói.

Linh hoạt các hình thức dạy học

Sáng 8/12, Trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân) cho các em đi học. Ông Vũ Đình Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường có 594 học sinh lớp 12, trong ngày đầu tiên bố trí 50% học trực tiếp, trong đó vắng hơn 10 em. Để giáo viên không tốn thêm thời gian, công sức dạy 2 lần, trước đó trường bố trí hệ thống thiết bị để truyền trực tiếp giờ học trên lớp cho những em ở nhà học trực tuyến.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mê Linh cho biết đến thời điểm này, việc dạy học trực tiếp của các trường ổn định. Trong ngày đầu tiên, có 58/1324 học sinh vắng mặt vì các em thuộc diện F1, F2 và nhà trong khu vực phong tỏa; ngày thứ 2 có 54/1358 học sinh vắng.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, ông Phạm Xuân Tiến đánh giá cao các trường dù có ít học sinh đi học vẫn tổ chức dạy trực tiếp, đồng thời linh hoạt có các hình thức dạy học khác nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của học sinh trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.

Trường THPT Tây Hồ sau 3 ngày mở cổng trường có 1 lớp phải chuyển học trực tuyến do một em trong lớp nghi là F1. Kết quả xét nghiệm lần 1 học sinh âm tính nhưng để đảm bảo an toàn, trường cho lớp đó chuyển sang học trực tuyến ít ngày, đợi kết quả xét nghiệm chính xác sẽ chuyển sang học trực tiếp. Đại diện nhà trường cho biết, với phương thức học 50% trực tiếp, 50% trực tuyến phụ huynh yên tâm, tin tưởng cho con tới trường. “Sau 3 ngày đi học, nhìn chung học sinh vui tươi, phấn khởi, mong được học trực tiếp, nhất là trong giai đoạn sắp kết thúc học kỳ I”, đại diện nhà trường cho biết.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.