Ngày đầu học sinh lớp 12 Hà Nội đi học lại: Thầy và trò đều chịu áp lực

0:00 / 0:00
0:00
Học sinh THPT Việt Đức chào cờ trong ngày đầu tới trường. Ảnh: Trọng Tài
Học sinh THPT Việt Đức chào cờ trong ngày đầu tới trường. Ảnh: Trọng Tài
TP - Ngày đầu tiên học sinh lớp 12 các trường THPT tại Hà Nội đi học, các em không giấu nổi niềm vui, nhưng cũng lo lắng vì dịch bệnh. Các trường học cho biết, luôn sẵn sàng cho tình huống có F1, F0 và sẽ chỉ phong tỏa lớp học hoặc 1 tòa nhà thay vì toàn trường.

Từ sáng sớm hôm qua, học sinh lớp 12 các trường THPT tại Hà Nội đã háo hức tựu trường sau 7 tháng nghỉ hè, học trực tuyến. Các trường chỉ được bố trí 50% học sinh lớp 12 học trực tiếp do đó không có nhiều học sinh tập trung cùng lúc ở cổng hay lớp học. Mỗi trường đều có phương án phòng, chống dịch chặt chẽ theo hướng dẫn.

Lớp 12A4, Trường THPT Lê Lợi, quận Hà Đông sáng qua có 35/38 học sinh có mặt. Các lớp học được trường bố trí cách biệt với lớp khác để đảm bảo giãn cách. Đã lâu ngày các cô cậu học trò không được gặp nhau, niềm vui lấp lánh trong từng ánh mắt. Giờ học Giáo dục công dân đầu tiên diễn ra trong sôi nổi khi giáo viên liên tục đặt câu hỏi và học sinh trả lời.

Cô giáo Lê Thị Lan chia sẻ buổi học đầu tiên cô không muốn gây áp lực cho học sinh, dành sự quan tâm đến những em thường ngày học trực tuyến ít tương tác. Được đến trường, các em vui tươi, hồ hởi và trả lời giáo viên nhiều, nhanh hơn học trực tuyến. Bộ môn Giáo dục công dân cũng là một trong những môn thi thuộc bài thi tổ hợp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT do đó cô rất vui khi học sinh được tới trường học trực tiếp, chuẩn bị kiến thức cho kỳ thi trước mắt.

Tô Vân Giang, học sinh lớp 12A4 cho biết, khi được thông báo đến trường học trực tiếp em đã rất phấn khích. Đến trường, được thầy cô giảng bài, học trực tiếp hiệu quả hơn. “Sau đợt học trực tuyến, mắt em tăng độ cận phải thay kính. Tuy nhiên trong khó khăn, em học được tinh thần nỗ lực, trách nhiệm tự học để có kiến thức thay vì ỷ lại thầy cô”, Giang nói.

Còn Đỗ Bình Nguyên không giấu nỗi sợ hãi khi đến trường trong bối cảnh Hà Nội có hàng trăm ca mắc COVID-19 mỗi ngày. “Nhưng trên hết, chúng em ý thức tự bảo vệ mình. Năm học cuối cấp, việc học sao cho hiệu quả áp lực hơn trước nên được đến trường sớm ngày nào đáng quý ngày đó”, Nguyên nói.

Trong ngày đầu đón học sinh đi học, Đoàn Trường THPT Việt Đức, quận Hoàn Kiếm sáng tạo ra “ Bảng khảo sát cảm xúc” theo thứ tự: Vui, háo hức, lo lắng, bỡ ngỡ, buồn cho tất cả học sinh chia sẻ cảm xúc của mình sau gần 1 năm mới quay lại trường học. Kết quả, khá bất ngờ khi đa số học sinh gắn nhãn “Vui”, “Háo hức” nhưng cũng nhiều em gắn “buồn”.

Không phong tỏa trường học

Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức cho biết, trường có 705 học sinh lớp 12 trong ngày đầu chỉ có nửa số đó đi học. Mỗi lớp lại được tách đôi nên sĩ số chỉ có hơn 20 em. Các môn tự nhiên giáo viên được yêu cầu ôn tập, cũng cố kiến thức cũ trong khi đó các môn xã hội vừa ôn bài cũ vừa dạy bài mới. “Nhìn chung, học sinh háo hức nhưng cũng có phần lo lắng vì dịch bệnh. Với phương thức học 50% trực tuyến, 50% trực tiếp lại tách lớp như hiện nay, phụ huynh yên tâm vì giảm nguy cơ dịch bệnh trong trường học nhưng áp lực dồn lên vai giáo viên. Có người vừa dạy tiết 1 trực tiếp ở lớp, tiết 2 có thể lên phòng máy để dạy trực tuyến khối 10,11. Nhà trường đã bố trí 1 phòng máy tính để giáo viên dạy tại chỗ”, bà Quỳnh nói.

Cũng theo bà Quỳnh, nếu nghi ngờ có F0 như học sinh ho, sốt, khó thở sẽ lập tức được đưa đến phòng cách ly y tế. Trường đã chuẩn bị 50 bộ test nhanh để thử cho học sinh, giáo viên. Nếu kết quả thử dương tính, trường báo cáo Trung tâm Y tế quận hỗ trợ xử lý. Nhà trường cử giáo viên giám sát hành lang, nhắc nhở các em thực hiện quy định.

Ông Lê Xuân Trung, Hiệu trưởng THPT Lê Lợi nói rằng, Sở GD&ĐT Hà Nội thông báo gấp gáp nên trường chưa kịp sắp xếp kế hoạch dạy học hợp lý cho giáo viên. Trong ít ngày tới, phương án của trường là bố trí giáo viên dạy trực tiếp, trực tuyến không trùng lịch để thuận lợi cho thầy cô không rơi vào tình thế “chạy sô” giữa 2 phương thức dạy học.

Hiệu trưởng trường này cũng nói, cách đây hơn chục ngày, trường phát hiện 1 học sinh mắc COVID-19 sau khi đi tiêm, tuy nhiên, đến nay không có thêm em nào bị bệnh. Trường đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, giao nhiệm vụ đến từng người do đó, khi có các tình huống như xuất hiện F1, F2 hay F0 đều bình tĩnh xử trí từng bước, chỉ phong tỏa lớp học. Sau khi tách F0 ra phòng cách ly, báo cơ quan y tế phối hợp, truy vết, xét nghiệm nhanh chóng cho các F1 còn lại, ông Trung nói.

TPHCM: Duy trì nhiều hình thức dạy và học

Trong bối cảnh nhiều phụ huynh không đồng ý cho con đến trường vì dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành Giáo dục TPHCM sẽ duy trì nhiều hình thức dạy và học để đảm bảo mọi học sinh đều tiếp thu được kiến thức.

Trước thực tế khảo sát có tới 70% số phụ huynh không đồng ý cho học sinh lớp 1 đến trường, tại buổi họp báo chiều 6/12, ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết, ngành giáo dục đang có những giải pháp thích ứng với tình hình mới. Số liệu trên cho thấy sự lo lắng của một bộ phận phụ huynh, đặc biệt là với trẻ 6 tuổi. Tuy nhiên, vào ngày 13/12 thành phố vẫn kiên định thực hiện kế hoạch cho học sinh quay lại học trực tiếp.

“Hôm nay, chúng tôi đã thẩm định mẫu phương án phòng chống dịch tại một trường THPT của quận 1 để làm mẫu cho các địa phương. Dựa trên kết quả sau 2 tuần thí điểm và căn cứ tình hình thực tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế TP.HCM sẽ tính toán, trình UBND TP phương án mở rộng việc đi học trực tiếp từ ngày 3/1/2022 sao cho linh hoạt trong phòng, chống COVID-19” – ông Dương Trí Dũng nói.

Vân Sơn

MỚI - NÓNG