Ảnh hưởng não bộ, thể chất
Sử dụng rượu, bia ở trẻ em và thanh thiếu niên gây hậu quả nghiêm trọng hơn khi họ trở thành người lớn do não bộ của một người trưởng thành tiếp tục phát triển khi người đó đủ 25 tuổi. Theo Tổ chức Y tế thế giới, rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp gây ra ít nhất 30 bệnh và là nguyên nhân gián tiếp của trên 200 loại bệnh tật, chấn thương.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, tuổi thiếu niên/vị thành niên là một giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ em sang người trưởng thành, các em đang phát triển về thể chất, tinh thần. Các hóc-môn dậy thì của các em giai đoạn này kích hoạt các vùng đảm nhiệm chức năng cảm xúc, xã hội của bộ não đang phát triển. Do đó, nó thúc đẩy hành vi của người trẻ tuổi...
Các bằng chứng khoa học cũng cho thấy rượu, bia tác động ở cấp phân tử và cấp tế bào đến quá trình hình thành và phát triển của não, có thể dẫn đến thay đổi cấu trúc của đồi hải mã, là vùng não có vai trò quan trọng cho quá trình học tập, làm giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung của não bộ. Vì thế hậu quả trước mắt, uống rượu, bia gây ra các hành vi nguy cơ ở thanh thiếu niên như say rượu dẫn đến ngộ độc rượu, có hành vi bạo lực, quan hệ tình dục không an toàn, tai nạn, chấn thương khi điều khiển phương tiện giao thông...
Về lâu dài, người uống rượu, bia sẽ gây lệ thuộc, mắc các bệnh mạn tính và gây ảnh hưởng đến cả phát triển thể chất và tinh thần khi trưởng thành. Đặc biệt, não bộ của người vị thành niên dễ bị tổn thương bởi rượu bia, tuổi sử dụng rượu bia càng sớm thì nguy cơ lệ thuộc rượu bia càng cao.
Hệ lụy xấu đến xã hội
TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà việc sử dụng rượu bia ở tuổi vị thành niên còn gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Theo Nghiên cứu của Học viện Cảnh sát tại 11 tỉnh năm 2015, người phạm pháp hình sự liên quan đến rượu, bia trong độ tuổi trước 30 chiếm tới 70%. Đối tượng vi phạm pháp luật do sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn chủ yếu nằm trong độ tuổi 16 đến 30, do đây là lứa tuổi còn trẻ, chưa có suy nghĩ và dễ bị lôi kéo, kích động dẫn đến thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế cho hay: “Những người trẻ tuổi bắt đầu uống rượu trước tuổi 15 thì về sau có thể phát sinh các vấn đề về bia rượu cao gấp năm lần những người đợi đến 21 tuổi mới uống, đó là khả năng nghiện rượu cao gấp bốn lần và khả năng tham gia bạo lực thể chất cao gấp sáu lần sau khi uống; khả năng gây tai nạn xe cộ cao gấp hơn sáu lần do uống rượu bia; khả năng bị chấn thương gấp gần năm lần sau uống”.
Báo động
Việt Nam là một trong số quốc gia có mức tiêu thụ rượu, bia tăng nhanh qua các năm. Tình hình tiêu thụ rượu, bia ở độ tuổi thanh thiếu niên cũng ở mức đáng báo động và đang gia tăng. Một nghiên cứu năm 2013 đối với riêng nhóm tuổi 13-17 cho thấy có tới 33% học sinh nam và 18% học sinh nữ đã từng uống ít nhất một đơn vị cồn trong 30 ngày vừa qua. Trong số đó có 49% học sinh nam và 38% nữ uống cốc đầu tiên khi chưa đến 14 tuổi, 31% học sinh nam và 15% học sinh nữ đã từng uống đến mức say ít nhất một lần.
Chính vì thế, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 có những quy định quan trọng liên quan đến rượu, bia và thanh thiếu niên, đó là: Nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; Nghiêm cấm bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi cũng như sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.
Nguyên nhân của sự gia tăng sử dụng rượu, bia ở thanh thiếu niên, theo kết quả các nghiên cứu trên thế giới, có phần quan trọng là tác động của quảng cáo, khuyến mại về rượu, bia. Nó đã thúc đẩy việc sử dụng rượu, bia lần đầu. Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 ngoài việc nghiêm cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên thì cũng có các quy định nghiêm ngặt đối với việc quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ, nhằm hạn chế trẻ em, thanh thiếu niên tiếp cận với thông tin về rượu, bia.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh và là nguyên nhân gián tiếp của trên 200 loại bệnh tật, chấn thương.