Bão còn ở Hòa Vang

Bão còn ở Hòa Vang
TP - Không điện thoại, điện thắp sáng từ 29/10 đến nay, người dân Hòa Vang càng xa trung tâm huyện càng “mù” thông tin về bão. Dọc con đường DH8, DT 602 đi Hòa Nhơn, Hòa Sơn, Hòa Ninh sau bão, nhà dù tạm hay kiên cố đều bị bão quật đổ.
Bão còn ở Hòa Vang ảnh 1
Gia đình anh Hữu giờ lại ra ở ngôi nhà cũ rách nát

100% nhà của đồng bào Cơ - Tu ở Tà Lang - Giàng Bí sập và tốc sạch. Thôn An Lợi vẫn chưa ai đến được do cây đổ vây kín. 10 người chết, hơn 25.960 ngôi nhà sập, hư hỏng nặng... là con số chưa thống kê đủ từ huyện duy nhất Hòa Vang xa xôi khuất nẻo của thành phố Đà Nẵng.

Cái từ “tàn khốc” nghe dữ dội quá nhưng cũng không đủ để diễn tả hết cảnh đổ nát, hoang tàn và mất mát của vùng quê khắc nghiệt Hòa Vang. Dân chủ yếu sống bằng nghề nông, nhưng mấy năm nay gần như vụ nào cũng thất vọng. Vụ duy nhất năm nay cũng mất trắng do hạn. Mỗi năm huyện phải cứu đói thường xuyên hơn 1.500 hộ, giáp hạt còn nhiều nữa. Chưa bão, cái đói đã ngấp nghé nhiều nhà.

Anh Bùi Tứ cùng vợ và các con đang ngồi xổm trên nền bếp lấm bê bết, vì toàn bộ nhà trên “đã đi theo bão mất rồi”, ăn cơm. Bữa cơm đạm bạc một món canh măng lõng bõng nước “để cho lũ trẻ dễ nuốt ấy mà!”. “Có ít thóc trữ ăn dần, nhưng điện đâu mà xay, nên đi mượn quanh vậy”.

Hàng chục ngôi nhà liền kề nhà anh Tứ cũng đổ nhào, vỡ vụn. Cô Phạm Thị Tiền (28 tuổi) đang ngồi buồn bã bên chiếc xe máy bẹp dúm đầu. “Nhà sập đè vào đó chị!”. Ngôi nhà của vợ chồng cô vay mượn khắp nơi làm nên mới ở được 6 tháng, giờ chỉ là đống gạch vụn...

Nhiều người dân khi cao điểm bão, thấy nhà chuẩn bị sập quýnh quáng chạy nhào ra nghĩa địa, ôm đại một tấm bia mộ “để khỏi bị gió tốc”. Xóm mít có 5 anh công nhân xây dựng, khi nhà sập níu tay nhau chạy ra ôm chặt gốc cây mít. Một cái lỗ cống của Cty xây dựng Hoà Vang đã cứu sinh mạng của 60 người dân thôn An Sơn, bởi tất cả các nhà đều sập, biết núp chỗ nào?

Bão trời tan nhưng với những gia đình có người trụ cột lớn tuổi và yếu ốm, với bà con Cơ Tu, bão sẽ còn mãi cho đến bao giờ cái từ “nhà” không còn nghe mông lung.

Ông Nguyễn Tiến (65 tuổi) bị cụt 2 chân, có một người con trai bị câm, nghễnh ngãng lê đôi ghế gỗ không chịu rời đống gạch vụn, nước mắt chảy ngược vào lòng: “Bả bị đoạn tường này đè này. Thảm lắm cô ơi, nát nhừ cả ngực, tay chân. Thằng câm chạy sau nhưng may chỉ bị xẻ đầu, giờ chữa ở đâu tui làm sao mà đến nổi”.

Ông Tiến quá đau đớn vì nỗi mất vợ, nhà tan hoang, con mắt đã mờ càng mờ hơn, tai cũng điếc hơn. Với anh Trương Thành Nhân (37 tuổi, xóm 1, Hòa Khê, Hòa Ninh) và hàng chục gia đình khác nữa có người chết vì bị nhà sập đè, còn nặng tâm can hình ảnh thảm thương của đứa con gái mới học lớp 4.

Bão mạnh, cả nhà chui xuống gầm giường núp, giường bị tường đổ đè sập, anh lôi từng người ra. Vợ bị gãy cột sống và gãy tay, con trai 2 tuổi gãy chân, còn “con Uyên thì không kịp, nó chết bầm giập tội nghiệp quá, chưa kịp có miếng chi vô bụng”...

Quê vừa chuyển lên phố, nhà của nông dân nhiều năm tích cóp mới “dám xây”. Nhưng rất nhiều nhà kiên cố ở Hòa Vang đã bị bão đánh sập, tường nát vụn, tôn không một tấm nào lành lặn, nhiều tấm vắt ngang trụ điện trông xa giống như những manh vải bởi độ quăn queo uốn lượn của nó. Anh Lê Văn Hữu (thôn Đại La, Hòa Sơn) vừa tổ chức mừng nhà mới chưa đầy một tuần.

Nhà rộng hơn 100m2, bị sập toàn bộ. Tường sập để lộ những viên gạch nguyên mới, cửa gỗ bóng loáng nước sơn mới. Cả nhà đang ngồi bệt ăn cơm bên hiên nhà, bên cạnh là quần áo và chiếc ti-vi bị lột trần để... phơi. Trước ngôi nhà chắc chắn là rất khang trang nay đã thành đống đổ nát của anh, có một túp lều nằm trên đầm nước. “Nhà cũ của gia đình tui đó. Khổ quá nên ráng vay mượn làm nhà, giờ thế này...” - Vợ anh, chị Nha khóc kể.

“Con voi Xangsane” không chừa một ai ở Đà Nẵng, Liên Chiểu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn... không đếm xuể bao nhiêu gánh nặng đang chất trên vai người dân. Hòa Vang cùng chung số phận, đã nghèo càng nghèo thêm. Tiền bao giờ đủ để làm nhà mới? Lều ở tạm thì đường xa xôi cách trở, tôn lại khan hiếm đến thế? Hòa Vang ngay từ ngày 29/9 đã bặt tin về bão do mất điện, đứt liên lạc.

Tất cả thông tin phải phát bằng miệng. Địa bàn rộng, dân sống thưa thớt nên dù nỗ lực, thì sự chung sức đối phó với bão ở đây hạn chế hơn những nơi khác là không tránh khỏi. Nhiều người dân cho biết, họ không hình dung nổi bão lớn như thế nào nên chỉ dọn dẹp trong nhà, cất giữ lương thực, chằng chống nhà cửa sơ sài.

Sau này biết vào sáng 30/9, đài truyền hình TƯ có cuộc phỏng vấn trực tiếp về sức tàn phá của cơn bão số 6, nhiều người nói trong hối tiếc: “Giá như chương trình phát sớm hơn, biết kỹ hơn thì chúng tôi đã thận trọng hơn, đâu phải dắt díu nhau mà chạy vô định giữa trời gió xoáy mù mịt như thế”.

MỚI - NÓNG