Báo chí luôn đi đầu chống tham nhũng, tiêu cực

Báo chí luôn đi đầu chống tham nhũng, tiêu cực
TP - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, ông Vũ Tiến Chiến nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam luôn xác định phòng chống tham nhũng  là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó báo chí có vai trò trách nhiệm rất quan trọng.
Báo chí luôn đi đầu chống tham nhũng, tiêu cực ảnh 1
Các phóng viên tác nghiệp tại một phiên tòa về tham nhũng

Hàng loạt ý kiến đã được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị đối thoại với các nhà tài trợ về phòng chống tham nhũng (PCTN) với chủ đề “Vai trò của báo chí trong PCTN” diễn ra tại Hà Nội sáng 28/11.

Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, ông Vũ Tiến Chiến nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam luôn xác định PCTN là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó báo chí có vai trò trách nhiệm rất quan trọng. Việt Nam đã có nhiều quy định về vai trò, trách nhiệm của báo chí trong công tác này, vừa khẳng định vai trò quan trọng của báo chí, vừa thể hiện kỳ vọng lớn đối với báo chí trong công tác PCTN.

Theo Thứ trưởng Thông tin – Truyền thông Đỗ Quý Doãn, cả nước hiện có hơn 712 cơ quan báo chí với 15.000 nhà báo đã được cấp thẻ, trong đó có hàng ngàn nhà báo chuyên viết về điều tra PCTN.

Theo ông Doãn, các vụ án liên quan đến tham nhũng, tiêu cực luôn được báo chí bám sát đưa tin, cập nhật. Các vụ án điển hình được báo chí đưa tin như: vụ án Năm Cam, Mai Văn Dâu, Mạc Kim Tôn, Đề án 112, Lương Cao Khải, Nguyễn Đức Chi, Lã Thị Kim Oanh, PMU 18... Đáng lưu ý, báo chí đã cung cấp thông tin ban đầu cho các cơ quan chức năng, điều tra phanh phui nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực.

“Trên thực tế, hầu hết các vụ tiêu cực lớn, dù thủ đoạn hành vi tham nhũng có tinh vi, phức tạp đến đâu, cũng khó qua được tai mắt của nhân dân, trong đó có báo chí. Báo chí luôn đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng” - Ông Doãn nhấn mạnh.

Báo cáo viên Catherine McKinley của Đại sứ quán Thụy Điển cho rằng, qua phân tích cho thấy tại Việt Nam cơ quan thông tin có cả 3 vai trò trong PCTN: Theo dõi, phân tích hoạt động của Nhà nước; Phản ánh các vụ việc tham nhũng; Tạo diễn đàn tranh luận công khai. Điều này khẳng định báo chí sẵn sàng thực hiện tốt nhiệm vụ của họ để phải trả lời cho cả Nhà nước và nhân dân.

Tuy nhiên, bà Catherine cho rằng vấn đề là phải làm thế nào để việc tiếp cận thông tin được tăng cường hơn nữa và cải thiện điều kiện tiếp cận thông tin. “Có thể cho phép sử dụng các nguồn thông tin không được nêu tên, thông tin ngoài văn bản - các văn bản chưa được công bố…” - Bà Catherine nói.

Khó có nguồn tin chính thống

Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, cần phải đảm bảo cho cơ quan báo chí có đủ công cụ tác nghiệp, có đủ công cụ pháp lý, đặc biệt nhấn mạnh sự chính xác của các thông tin được đăng tải. Trong đó, cần làm rõ hơn nữa những gì không được phép làm, có các tham chiếu về các biện pháp trừng phạt vì điều này chưa được rõ ràng.

Cần tập trung nhiều hơn nữa về quyền, nghĩa vụ của báo chí, nhất là tham gia trong vấn đề công khai, minh bạch, thông qua vai trò của các tập thể, cá nhân, quyền của các nhà báo.

Đại diện của Hà Lan cho rằng, cơ quan báo chí là người có chuyên môn nghiệp vụ, phải có trách nhiệm và nghĩa vụ phanh phui mọi sai trái. “Chúng ta vẫn biết báo chí là cơ quan xương sống trong lĩnh vực này, cho dù khi phanh phui, có thể sai nhưng không phải do chủ định và họ chân thành, trung thành đối với nguyên tắc này. Chính phủ Hà Lan nhấn mạnh các vấn đề đó, khuyến khích sự độc lập của các cơ quan báo chí. Phải thẳng thắn, có mục tiêu rõ ràng cho nghề báo chí, họ phải khách quan, trung thực, việc vi phạm nhiều khi khó tránh khỏi” - Một đại biểu phát biểu.

Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn thừa nhận, trong thực tế đôi khi có sự ngại ngần của một số cán bộ công chức khi tiếp cận với báo chí vì không phải ai cũng có đủ năng lực để trình bày những thông tin trước báo chí trong khi báo chí phải xử lý rất nhanh nên né tránh. Do đó, do nhu cầu bức bách, báo chí phải tìm kiếm thông tin dẫn đến không chính xác.

Theo ông Doãn, về pháp lý không có văn bản, quy định nào hạn chế, cản trở thực thi việc báo chí đấu tranh PCTN. Nhưng việc phát huy quyền này đến đâu còn phụ thuộc năng lực, trình độ của nhà báo trong quá trình tác nghiệp. Trong thực tế, với tư cách là một nhà báo, đôi khi quyền của mình còn chưa phát huy hết trong quá trình điều tra, tiếp cận thông tin.

Ông Doãn cũng cho hay, việc sửa đổi, bổ sung Luật báo chí đã đưa vào kế hoạch xây dựng pháp luật, dự kiến sẽ được thông qua vào cuối 2009. Trong đó, bảo đảm để các nhà báo thực thi quyền, đồng thời bảo đảm thực hiện nghĩa vu của mình.

MỚI - NÓNG