Đường Vành đai 1 có điểm đầu là đoạn giao cắt giữa đường Trần Khát Chân – Lò Đúc và điểm cuối giao với đê Nguyễn Khoái. Theo kế hoạch, con đường này sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động cuối năm 2015.
Tuy nhiên, chỉ còn chưa đầy 20 ngày nữa là hết năm 2015, đường Vành đai 1 được nhiều người kỳ vọng là con đường giảm ùn tắc giao thông từ ngã tư Trần Khát Chân - Lò Đúc lên đê Nguyễn Khoái rộng chưa đầy 10 m trước đó vẫn đang ngổn ngang, bụi mù mịt.
Theo phản ánh của những người dân sinh sống tại khu vực cuối đường Lò Đúc (ngã tư Trần Khát Chân - Lò Đúc) cách đây hơn 3 tháng đơn vị thi công làm đường đào vỉa hè lên ngổn ngang làm cống thoát nước, thi công chậm chạp, đường xe cộ đi lại luôn trong tình trạng bụi mù mịt.
Đường bụi, nhiều "ổ gà" người dân không dám đi nhanh và luôn phải lấy tay bịt mũi khi đi qua đây.
Điểm giao cắt giữa phố Lò Đúc - Trần Khát Chân luôn trong tình trạng bụi mù mịt.
Dọc tuyến đường nối từ đường Trần Khát Chân - Lò Đúc lên đê Nguyễn Khoái lòng đường bị thu hẹp lại chỉ còn khoảng 3 m. Bên cạnh là công trường thi công sâu khoảng 2 mét, được cắm cọc rào chắn tạm bợ.
Mặc dù lòng đường bị thu hẹp nhưng đơn vị thi công để cống thoát nước ngổn ngang sát nép đường.
Ngoài ra, trong thời gian thi công làm cống thoát nước dở dang, nhiều nắp cống ngay trước cửa nhà người dân vẫn chưa được đậy lại.
Ông Trần Ngọc Cầu (65 tuổi, 207 phố Lò Đúc) cho biết, những hộ dân cuối phố Lò Đúc hầu hết đã đóng cửa không thể kinh doanh nổi, đường thì quá bụi, vỉa hè đào bới ngổn ngang xe cộ không thể đi vào được.
Những người bán hàng quanh khu vực trên liên tục phủi bụi bám vào đồ đạc.
Nhiều ngôi nhà phải lấy bạt che trước cửa để bụi không bay vào nhà. Tuy nhiên, các tấm bạt này đều bám trắng bụi.
Các cửa hàng đóng kín cửa.
Phía đầu đường Trần Khát Chân - Lò Đúc được cắm biển cấm ô tô do lòng đường quá hẹp.
Dự án đường Vành đai 1 (đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái) có chiều dài 570 m, rộng 50 m, được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt vào cuối năm 2005 với tổng mức đầu tư là 383 tỷ đồng. Sau nhiều năm chậm triển khai đến tháng 9/2014, mức đầu tư của dự án được điều chỉnh tăng gấp gần 3 lần tương đương số tiền 1.139 tỷ đồng.
Để thực hiện dự án này, quận Hai Bà Trưng phải thu hồi 41.240 m2 đất tại 4 phường Đống Mác, Thanh Lương, Bạch Đằng, Thanh Nhàn, liên quan tới 670 hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng.