Bánh giọt nước, hay còn gọi là Mizu Shingen mochi, là món tráng miệng xuất phát từ Nhật Bản. Loại bánh này đang được nhiều khách hàng lùng mua ở Hà Nội, vì ngon miệng, lạ mắt.
Chị Nguyễn Ngân Hà, chủ một nhà hàng đồ ăn Nhật ở Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, bánh giọt nước đang là món bán chạy nhất ở đây. Trung bình mỗi ngày, nhà hàng bán khoảng 200 chiếc, gấp 20 lần so với các loại bánh tráng miệng thông thường.
“Đây là món mới, vừa được nhà hàng bổ sung vào menu (thực đơn). Khách ăn tráng miệng thấy ngon, quảng bá. Nên giờ không chỉ có khách của nhà hàng mà người bên ngoài cũng đến đặt mua rất đông. Mỗi chiếc bánh có giá 19.000 đồng”, chị Hà cho biết.
Theo chủ nhà hàng, loại bánh này mới xuất hiện ở Nhật vào mùa hè năm 2013 nhưng nhanh chóng nổi tiếng. Một lần du lịch Nhật Bản, chị phải xếp hàng để được thưởng thức. Bánh lạ, trông không khác một giọt nước lớn, khi ăn thấy mát và thanh nên chị nảy ra ý tưởng đưa về Việt Nam. Chị phải mất một thời gian dài tìm mua nguyên liệu và học công thức chế biến, mới có thể làm được.
“Ban đầu, bánh giọt nước chỉ là món tráng miệng ở nhà hàng. Thấy lạ, ngon, nhiều khách đặt mua nên tôi làm thêm để đáp ứng nhu cầu. Hiện có rất nhiều người đặt mua online nhưng tôi chưa nhận. Do đặc tính của món bánh này chỉ có thể giữ nguyên hình dạng trong 30 phút ở nhiệt độ mát. Vì thế, khách phải thưởng thức luôn tại cửa hàng, chứ không thể mang về”, chị Hà cho biết.
Cũng theo tìm hiểu của chị Hà, ở Nhật Bản, bánh nước chỉ được bán theo mùa. Công ty Kinseiken Seika đã mua bản quyền và chỉ bán duy nhất tại 2 cửa hàng. Vì thế, không ít người phải lặn lội một quãng đường xa xôi để xếp hàng chờ thưởng thức.
Có giá 19.000-35.000 đồng một chiếc, bánh nước thường được ăn kèm với bột đậu xanh và sirô. Ảnh: Ngọc Lan.
Cũng tò mò về loại bánh đặc biệt này, chị Trần Thị Hiền (Hoàng Mai, Hà Nội) đã đặt mua nguyên liệu từ Nhật về làm thử. Tuy nhiên, phải đến lần nấu thứ 4 chị mới tạm thành công.
Theo công thức chị Hiền sưu tầm, bánh gồm 95% nước, 5% bột và ủ lạnh trong ngăn mát ít nhất 30 tiếng. Nguyên liệu là đường tinh luyện, bột rau câu, sirô đường nâu và bột đậu nành. Bánh có màu càng trong như nước thì càng ngon. Khi ăn kết hợp cùng bột đậu xanh và sirô.
Sau nhiều lần thử nghiệm, chị Hiền kết luận, để làm bánh có màu trong như nước là do độ khéo léo và cả...may, rủi. Vì thế, thay vì vừa mất thời gian và tốn tiền mua nguyên liệu, chị Hiền thường ra quán để ăn. Giá mỗi chiếc bánh 19.000 đồng, theo chị Hiền là khá hợp lý.
Nguyễn Hồng Anh (Đống Đa, Hà Nội) là một khách hàng ruột của món bánh này. Chị cho biết, bánh không những có màu trong vắt, đẹp mắt mà còn có vị thanh mát, khi ăn tan dần trong miệng. Cả gia đình chị mỗi lần đi ăn đồ Nhật đều gọi bánh nước tráng miệng. Những khi thời tiết nắng nóng, 2 vợ chồng thường đưa con đi ăn. Tuy nhiên, nhà hàng chỉ làm số lượng có hạn nên thường phải đặt trước.
Công thức cầu kỳ, khó mua nguyên liệu nên hiện nơi có bán loại bánh này ở Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tại TP HCM có duy nhất nhà hàng chuyên đồ Nhật ở quận 10 bán. Tuy nhiên, do không thể bán cho khách mang bánh đi, nên mỗi ngày quán chỉ làm 30 chiếc, bán với giá 35.000 đồng một chiếc.