Thông tin từ Sở LĐTB-XH tỉnh Bình Dương, cho biết ước tính doanh nghiệp đang cần khoảng 50.000 lao động để đáp ứng nhu cầu tái sản xuất. Những ngành nghề cần tuyển dụng nhiều lao động tập trung vào các lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, dệt, may, giày da, gỗ... Để thu hút lao động, Công ty TNHH Sài Gòn Stec (Bình Dương) có nhu cầu tuyển trên 1.000 lao động phổ thông, với mức lương hấp dẫn. Công nhân nếu làm ca ngày 8 giờ là 955.500 đồng, ca đêm 8 giờ được trả lương hơn 1 triệu đồng. |
Công ty TNHH Uchiyama (Bình Dương) là một trong số các doanh nghiệp rơi vào tình cảnh thiếu hụt lao động sau khi tái sản xuất. Ông Nguyễn Viết Xiêm, Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty này, cho biết trở về trạng thái bình thường mới, DN cần tuyển khoảng 500 lao động. |
"Sau khi trở lại sản xuất, chúng tôi chủ động đăng tuyển dụng trên các kênh, liên lạc với nhân viên cũ hoặc nhờ nhân viên trong công ty giới thiệu. Chúng tôi đưa ra mức thưởng lớn cho người giới thiệu được lao động. Dù vậy, việc tuyển dụng hết sức khó khăn", đại diện Uchiyama chia sẻ. |
Tại công ty TNHH Panko Vina (Bình Dương), ông Byun Jae Woong - Tổng Giám đốc doanh nghiệp này cho biết, công ty đã khôi phục sản xuất với số lượng lao động trở lại gần 5.000. Theo ông Woong, để đáp ứng công việc, công ty cần thêm khoảng 2.000 lao động. |
Trong khi đó, ông Bùi Thanh Sang - Giám đốc Công ty TNHH Thanh Sang cho hay, đơn vị sản xuất bánh kẹo, đơn hàng Tết với số lượng lớn nhưng đang thiếu hụt lao động. “Để thu hút lao động, chúng tôi đưa ra mức lương cao gần gấp đôi bình thường (10 triệu đồng/tháng) và bao chi phí ăn, ở. Ngoài ra, công ty còn đãi ngộ tiền mặt cho người giới thiệu lao động 1 triệu đồng/lao động”, ông Sang nói. |
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương thông tin, để thu hút, đón người lao động từ các tỉnh, thành phố có nhu cầu trở lại làm việc tại tỉnh này, ngành chức năng phối hợp doanh nghiệp để đưa ra các đãi ngộ. |
Theo ông Nguyễn Trường Thi - Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Dương, đơn vị chủ động, linh hoạt tạo điều kiện để doanh nghiệp phục hồi tốt. Sau thời gian dài giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp đối mặt với khó khăn về lao động. Trong điều kiện bình thường mới, Sở Công thương Bình Dương hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ thông tin về kế hoạch, chính sách của các cấp về nguồn lao động để thu hút. |
Người lao động từ các tỉnh, thành phố trở lại tỉnh Bình Dương làm việc được ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 nếu chưa tiêm mũi 1 cũng như được đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 2 nhanh chóng, an toàn. Người lao động được các doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm và cấp giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm để làm căn cứ cho người lao động tham gia lưu thông. Ngành chức năng tỉnh Bình Dương phối hợp các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng tổ chức phương tiện về tận các tỉnh, thành phố để đón người lao động. Đối với người lao động từ các tỉnh, thành phố có nhu cầu trở lại, đến tỉnh Bình Dương làm việc chủ động liên hệ với đầu mối tại các địa phương (đề xuất thông qua Trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố) để đăng ký.
Khi vào Bình Dương, các phương tiện vận chuyển sẽ tập kết tại Bến xe khách Bình Dương. Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương tổ chức xét nghiệm cho người lao động trước khi bàn giao cho các địa phương tiếp nhận.
Từ nay đến ngày 20/11, Bình Dương ưu tiên đón người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động ở các doanh nghiệp thực hiện tham gia sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ", "một cung đường, hai điểm đến" và mô hình "3 xanh" trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp. Sau 20/11, thực hiện đón người lao động trên diện rộng.