Lấy lại đà tăng trưởng
Ngay từ khi bắt đầu hoạt động trở lại (đầu tháng 10), Công ty TNHH May mặc Dony đã quyết tâm tăng cường sản xuất để kịp đơn hàng cho đối tác cũ và thực hiện hợp đồng mới. Tại xưởng may ở quận Tân Bình, TPHCM không khí làm việc khẩn trương, công nhân các khâu may, ráp, ủi… luôn nhanh tay để hoàn thiện các công đoạn sản phẩm. “Doanh nghiệp (DN) đang tăng tốc để lấy lại đà tăng trưởng trong 3 tháng cuối năm”, ông Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc Công ty Dony, nói.
Vì sao Tiền Giang vẫn sản xuất “3 tại chỗ”?
19 doanh nghiệp FDI ở Tiền Giang đã gửi thư tới Thủ tướng Chính phủ, cho rằng tỉnh này chậm thoát khỏi phương thức sản xuất “3 tại chỗ”. Trong thư gửi Thủ tướng, các DN FDI đang sử dụng gần 70.000 lao động tại Tiền Giang viết rằng, dù người lao động đã được tiêm mũi 1 vắc xin đủ 14 ngày đạt hơn 80% nhưng vẫn chưa được quay lại các nhà máy.
Ngày 21/10, tại cuộc họp báo thông tin về tình hình công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, ông Nguyễn Nhật Trường, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang, nói rằng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 nhưng Tiền Giang vẫn thực hiện “3 tại chỗ”, vì độ phủ vắc xin còn thấp. Xét về điều kiện khôi phục sản xuất, nếu so sánh Tiền Giang với Ðồng Nai hay Bình Dương thì rất khập khiễng vì những địa phương này độ phủ vắc xin mũi 2 là 80 - 90%.
Hiện có 3 DN có văn bản đề nghị cho người lao động lưu trú từ vùng xanh đến nhà máy làm việc đã được phê duyệt.
NHẬT HUY
Theo ông Anh, điều công nhân lo lắng nhất là việc Công ty đứt gãy đơn hàng, không có việc làm. Do đó, Dony thường xuyên cập nhật các đơn hàng ký kết được lên nhóm Zalo chung của công ty để giúp họ yên tâm. Thậm chí, cả sức khỏe tài chính của Công ty cũng được cập nhật để họ yên tâm làm việc. Hiện, 100% lao động đã trở lại làm việc; tất cả đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19. “Điều đáng mừng, ngay khi thành phố mở cửa trở lại, Công ty Dony liên tục ký được hàng loạt đơn hàng xuất khẩu gồm 1 đơn hàng xuất đi châu Âu, 1 đơn đi Trung Đông, 1 đơn đi Mỹ và 2 đơn hàng xuất đi Nhật Bản với tổng giá trị khoảng 2 triệu USD. Với quy mô gần 100 lao động thì chúng tôi phải làm liên tục từ nay cho đến qua Tết Nguyên đán”, ông Anh cho biết.
Vừa mở cửa kinh doanh trở lại, Thế Giới Di Động cũng ngay lập tức “chào sân” với chuỗi cửa hàng thương hiệu TopZone, chuyên bán các sản phẩm của Apple. Những ngày qua, thương hiệu này tập trung hoàn thiện những khâu cuối cùng để ra mắt cửa hàng đầu tiên tại TPHCM vào ngày 22/10. Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng giám đốc Thế Giới Di Động nói rằng, đơn vị này đặt mục tiêu sẽ mở hơn 60 cửa hàng TopZone sau quý I/2022.
Chủ tịch Công ty TNHH Minh Long 1 (Bình Dương), ông Lý Ngọc Minh, cho hay, sau một thời gian đóng cửa, công ty đã mở cửa trở lại; sau một tuần hoạt động, đến nay số lượng nhân viên đã đạt gần 100%, với 1.200 người. “Lúc này, ưu tiên số 1 là sản xuất”, ông Minh nói.
Công ty CP Vitaly chuyên sản xuất gạch men tại KCN Bình Chuẩn (Bình Dương) cũng đã mở cửa sản xuất trở lại từ ngày 20/10. Bà Vũ Trang Nhung, Trưởng phòng Kinh doanh, cho biết, cùng với việc sản xuất theo đơn hàng đã ký với các đối tác tại Malaysia và Yemen, Vitaly còn sản xuất sản phẩm mới cho thị trường trong nước. Vì thiếu lao động nên trước mắt chỉ sản xuất khoảng 40% công suất nhà máy. “Từ nay đến đầu tháng 11, công ty sẽ tăng tốc và mở rộng sản xuất hết công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường”, bà Nhung nói.
Tại kỳ họp thứ 3 HÐND khóa X mới đây, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội các tháng cuối năm, UBND TPHCM sẽ tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; giải quyết những khó khăn với các DN, người dân và các dự án, công trình. Bên cạnh đó, thành phố sẽ tập trung phục hồi sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ về vốn, nguồn lực lao động, giải quyết những khó khăn cụ thể. “TPHCM vừa tập trung hỗ trợ cho khu vực sản xuất chủ lực, có giá trị sản xuất lớn, vừa chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ðặc biệt, thành phố sẽ tiếp tục triển khai gói hỗ trợ của Trung ương và thành phố, cùng các gói hỗ trợ mới để DN phục hồi”, ông Văn Mãi nói.
Uyên Phương
Hỗ trợ doanh nghiệp
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cho biết, Hiệp hội đã kiến nghị Chính phủ thực hiện 2 giải pháp cấp bách. Đầu tiên là ban hành gói tài chính hỗ trợ dành riêng cho DN, trong đó đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính để DN dễ tiếp cận. Những trường hợp DN đã hoàn tất hồ sơ để được tiếp cận vốn hỗ trợ trước đó, ngành chức năng nên đẩy nhanh tiến trình xét duyệt. Ngoài ra, cần giãn thuế, giảm thuế để DN có thêm khả năng tăng vốn lưu động trong nhập khẩu nguyên liệu và sản xuất.
Theo bà Lê Bích Loan, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, thời gian qua, tuy giới hạn số lượng công nhân sản xuất do phải đảm bảo tiêu chuẩn “3 tại chỗ”, nhưng các DN đã bố trí làm việc luân phiên theo ca cho từng nhóm công nhân. Nhờ vậy, người lao động duy trì việc làm, thu nhập ổn định nên không bỏ về quê. Chỉ số ít công nhân do việc riêng, ra ngoài thành phố hiện còn mắc kẹt ở các tỉnh. Chính quyền các địa phương và TPHCM đang hỗ trợ họ quay trở lại làm việc. Hiện nay, 100% DN trong khu đã sản xuất trở lại với quy mô 50-75%. Phần còn lại cũng sẽ được các DN lên kế hoạch phục hồi từ nay đến giữa tháng 11.
Vừa qua, TPHCM sơ kết chương trình kết nối ngân hàng - DN 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2021, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, cho biết, nhu cầu vốn cuối năm tăng cao nhưng sẽ không có tình trạng thiếu vốn. Ngành ngân hàng cam kết bảo đảm đủ vốn để cho vay với lãi suất hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh. Theo ông Minh, TPHCM tăng cường thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - DN với gói hỗ trợ tín dụng khoảng 70.000 tỷ đồng trong quý IV.