Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su, Nhựa TPHCM, cho biết, vừa qua, dịch bệnh tại TPHCM phức tạp, thời gian giãn cách dài khiến hầu hết doanh nghiệp bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Với ngành cao su, nhựa, doanh nghiệp bị đứt nguồn cung thùng, bao bì đựng hóa chất… nên phải tìm nguồn cung ứng thay thế.
Ngoài ra, các doanh nghiệp đang tìm cách tập hợp lại lực lượng lao động do nhiều công nhân đã chuyển nghề khác, về quê.
“Để giải quyết được nhanh nhất bài toán tắc nguồn cung lao động, các địa phương cần sớm có hướng cho công nhân được di chuyển từ nơi này sang nơi khác để làm việc, tránh lãng phí nguồn vắc-xin đã tiêm trong thời gian qua. Các nhà máy vẫn đang chờ người lao động để có thể mở cửa trở lại. Công nhân cũng rất cần việc làm để có thu nhập, tạo nguồn sống”, ông Quốc Anh nói.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các khu công nghiệp TPHCM, cho biết, 4/10 là ngày đầu tiên các doanh nghiệp sản xuất được hoạt động trở lại.
Theo thống kê của Hiệp hội, đến nay, các khu công nghiệp và khu công nghệ cao có khoảng 43.000 lao động ở các tỉnh. Khoảng 14.000 người trong số này làm việc tại khu chế xuất Linh Trung 1, 2 và đã tiêm vắc-xin mũi 1. Hiệp hội đã đề xuất thành phố ưu tiên vắc-xin cho công nhân để họ có đủ điều kiện trở lại làm việc.
Tuy nhiên, vì hầu hết lao động ở tại Bình Dương nên không thể di chuyển qua lại.
Hỗ trợ về vắc-xin, xét nghiệm
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết, Hiệp hội hiện có 270 doanh nghiệp thành viên, tập trung chủ yếu tại Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Nam Trung bộ trở vào.
Tại nhiều địa phương khu vực miền Tây, doanh nghiệp đã bắt đầu sản xuất lại. Riêng tại Cần Thơ, doanh nghiệp đang gặp khó khăn do tình hình dịch chưa ổn định.
Ông Hòe cho biết, điều doanh nghiệp mong muốn lúc này là được sản xuất trở lại. Tuy nhiên, khi quay lại sản xuất, doanh nghiệp đối mặt nhiều gánh nặng chi phí như xét nghiệm COVID-19, phí công đoàn...
Vì vậy, VASEP đã có kiến nghị gửi Chính phủ và các bộ, ngành đề nghị tất cả doanh nghiệp được giảm đóng kinh phí công đoàn xuống tối đa 1%, do nhiều doanh nghiệp đã ngừng hoạt động trong khi phí công đoàn là rất lớn. Ông Hòe cũng kiến nghị Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp phí xét nghiệm COVID-19 để giảm gánh nặng.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, các địa phương phải chủ động mở cửa trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh trên cơ sở tiêu chí Trung ương đề ra như tiêu chí về số người đã tiêm phòng COVID-19, vệ sinh dịch tễ… “Nếu doanh nghiệp đã tổ chức tiêm phòng 2 mũi vắc-xin cho người lao động, họ phải mở cửa hoạt động lại là đương nhiên.
Với doanh nghiệp có lao động hoàn thành tiêm 1 mũi cũng nên cho mở cửa nhưng phải thực hiện giãn cách, xét nghiệm định kỳ, giúp phòng chống dịch bệnh tốt hơn. Những hoạt động tại địa phương cần được số hóa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động. Như vậy sẽ giảm bớt thời gian, chi phí cho doanh nghiệp”, ông Thịnh nói.
Theo ông Thịnh, với việc sản xuất trở lại, chính quyền địa phương đóng vai trò quan trọng trong tạo điều kiện cho doanh nghiệp như: đảm bảo phòng chống dịch tại khu công nhân ở, kêu gọi hỗ trợ giảm giá thuê nhà…
Đào tạo tay nghề, bảo đảm ăn ở
Theo ông Phạm Văn Tuyên, Phó giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương, thời gian tới, thị trường lao động tại địa phương sẽ có cầu lớn hơn cung và cần ít nhất 40.000 lao động phục vụ tái sản xuất. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, các doanh nghiệp ở Bình Dương cần tới 100.000 lao động để đáp ứng các đơn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp lễ tết.
Hơn 5.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại
Chỉ trong ba ngày (từ ngày 1-3/10), TPHCM đã có 5.279 doanh nghiệp (DN) đăng ký hoạt động trở lại sau khi thành phố thực hiện Chỉ thị 18. Tại buổi họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM , cho biết, ngoài 5.279 DN đăng ký hoạt động trở lại, nhiều đơn vị khác đang chuẩn bị về nguồn nhân lực, máy móc thiết bị, cơ sở vật chất để tiếp tục hoạt động. Bên cạnh đó, các quận, huyện cũng đang làm việc với những cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để nắm thực trạng, tạo điều kiện cho các đơn vị này nhanh chóng trở lại sản xuất.
Uyên Phương
“Chúng tôi đang phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp, chủ doanh nghiệp trong việc đào tạo tay nghề khẩn cấp cho người lao động để đáp ứng yêu cầu công việc”, ông Tuyên nói.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho rằng, thời gian qua, nhiều công nhân kéo nhau về quê, do đó, phải tiếp tục làm tốt công tác an sinh xã hội cho công nhân.
Ông Dũng yêu cầu ngay từ bây giờ, Sở LĐTB&XH, Ban quản lý các khu công nghiệp và các địa phương phải xây dựng ngay phương án đón công nhân từ các tỉnh trở lại Đồng Nai làm việc.
Khi người dân về tới Đồng Nai, phải xem lại điều kiện y tế, nơi ăn ở. Trong thời gian này, các địa phương phải làm việc với cơ sở nhà trọ, yêu cầu họ sửa chữa lại phòng ốc đảm bảo các điều kiện vệ sinh và xây dựng quy chế nhà trọ.