Ngoài sức hấp dẫn về trữ lượng tài nguyên dồi dào, băng tan còn hứa hẹn mở ra các tuyến giao thông đường biển thuận lợi mà nếu quốc gia nào giành được quyền kiểm soát, họ không chỉ giành được lợi thế về mặt kinh tế mà còn tăng cường được vị thế chiến lược trong khu vực.
Điều này đã thôi thúc nhiều quốc gia nuôi tham vọng sở hữu vùng đất cho đến nay vẫn được coi là vô chủ.
Thế giới đang chứng kiến một cuộc cạnh tranh giữa các nước giáp Bắc cực gồm Nga, Mỹ, Canađa, Đan Mạch và Na Uy. Nga đã công khai chiến lược chinh phục vùng Bắc cực đến năm 2020, trong đó có việc đẩy mạnh sự hiện diện quân sự gồm phái tàu ngầm và lập lực lượng quân sự riêng chuyên trách vùng biển giàu dầu mỏ và khí đốt này.
Đối phó với Nga, các quốc gia còn lại cũng tỏ thái độ không nhượng bộ khi liên tục công bố các kế hoạch tập trận chung tại Bắc Cực.
Gần đây nhất là thông báo của NATO về cuộc tập trận mang tên “Phản ứng Lạnh 2012” từ ngày 12 đến 21-3 với sự tham gia của hơn 16.000 quân cùng tàu chiến và máy bay chiến đấu của Mỹ, Anh, Đan Mạch, Canada, Hà Lan, Na Uy, Pháp và Thụy Điển.
Trước đó, trong một động thái thể hiện rõ sự quyết tâm ngăn chặn thế lực của Nga tại Bắc cực, các thành viên NATO còn nhất trí cho rằng tổ chức này cần đóng quân tại Bắc cực.
Nguy cơ một cuộc chạy đua vũ trang đã manh nha xuất hiện tại Bắc cực khi các bên đều tìm cách phô trương sức mạnh quân sự tại khu vực này.
Tuy nhiên, cho đến nay, những đụng độ về chiến lược giữa các bên mới chỉ dừng ở mức các tuyên bố và động thái mang tính nắn gân và thăm dò. Cả Nga và các nước còn lại vẫn nói rằng sẽ giải quyết mọi tranh chấp trên cơ sở hòa bình.
Chắc chắn, họ đều biết, biến Bắc cực trở thành một vùng biển hợp tác hiệu quả sẽ có lợi hơn rất nhiều so với việc đẩy khu vực này vào một cuộc đối đầu quân sự.